Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BIẾN TẤT THÔNG VÀ ÁNH SÁNG ĐÃ HÉ DẠNG?

(NCTG) “Nếu người có suy nghĩ trong chính quyền chấp nhận sự có mặt và có quyền giám sát của những đại diện chân thật của dân, và nếu giới trí thức đối lập không chỉ thóa mạ theo cảm tính mà tạo áp lực đòi hỏi sự minh bạch và khách quan để có thêm sự ủng hộ của quần chúng thì biết đâu, trong cái tai họa môi trường này, cũng còn một diễm phúc cho dân tộc”.
Khi người dân xuống đường đòi quyền lợi và công lý - Ảnh: Internet
Đầu tháng 10 có tin dân miền Trung đã xuống đường chống đối Formosa. Hàng chục ngàn người, có lẽ lớn nhất xưa nay, dưới sự lãnh đạo tinh thần của một số linh mục đã khiến công an, quân đội hoảng sợ tháo chạy. Thông tin này, có thể không chính xác, đã làm nức lòng những người bất mãn với sự thiếu công lý, thiếu minh mạch của chính quyền độc tài bị lũng đoạn vì sự tham nhũng của quan quyền.

Có thể vì nghĩ đến câu ngạn ngữ “cùng tất biến, biến tất thông” nên nhiều người hồ hởi như đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi vừa lo ngại, vừa hy vọng. Lo ngại, vì chỉ những người có cảm tính quá mạnh hay khả năng suy luận quá yếu mới có thể tin theo giáo điều lỗi thời rằng “biến tất thông”. Hy vọng là nếu trong và ngoài chính quyền vẫn có những trí thức có tâm và có tầm, một cái “nếu” rất lớn, thì đây chính là một cơ hội đem đến những cải cách tốt đẹp và bền vững.

Formosa đã gây ra một thảm họa môi trường, triệt đường mưu sinh của ngư dân miền Trung. Chính quyền, vời sự hỗ trợ hay im lặng của nhiều trí thức, đã lấp liếm tìm cách che đậy nguyên nhân và có thái độ mờ ám mang màu sắc tham nhũng trong kế hoạch cứu trợ người dân. Dân đã bị dồn vào đường cùng và đã xuống đường biểu tình.

Đây không phải là “bọn phản động” hay “thế lực thù địch” nào. Cũng không phải là “tàn dư” cùa chế độ miền Nam ngày trước chỉ muốn chống phá và nói xấu chính quyền. Họ chỉ là những người dân mong muốn có được một đời sống ấm no trong một xã hội yên bình. Đây không phải là một vấn đề chính trị, một cuộc đấu tranh chính trị mà chỉ đơn giản là phản ứng của người dân khi bị dồn vào đường cùng khi chính quyền và thủ phạm gây họa vẫn nhởn nhơ.

Nhưng kết cục sẽ như thế nào?

Đòi hỏi điều gì và áp lực như thế nào là hai câu hỏi cần được cân nhắc. Người Việt nào không căm giận Formosa. Tuy thế, luật pháp đương đại và thế giới văn minh dù có đồng cảm với người Việt cũng sẽ đòi hỏi sự phân xử minh bạch và khách quan. Vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế sẽ tùy thuộc vào cách ứng xử không dùng bạo lực của người dân đối với Formosa và khả năng bảo đảm điều này của chính quyền. Đây chính là một vấn đề cơ bản nhưng xem chừng không mấy người chú ý.

Mọi phong trào đấu tranh bất bạo động đều không tạo được áp lực đáng kể gì với một chính quyền độc tài nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của đa số quần chúng, cũng như sự hậu thuẫn của lực lượng vũ trang trong tay chính quyền. Cách mạng Dù gần đây ở Hồng Kông và Thiên An Môn ngày trước phải là bài học cho những ai đang hăm hở muốn thấy một cuộc xung đột giữa người dân và công an, quân đội. Tôi sống ở Mỹ nên không dám nói dân tình hiện nay, những người đang cầm súng trong chính quyền nghĩ gì, cuộc đời của họ và gia đình hiện thế nào. Nhưng tôi biết chắc rằng những người hôm trước thóa mạ họ không tiếc lời thì hôm nay cũng không nên chủ quan nghĩ rằng họ sẽ đứng cùng chiến tuyến.

Biến sẽ không thông. Trái lại, khi máu đã đổ, chính quyền sẽ hà khắc hơn nữa, thực trạng chính trị và xã hội Việt Nam sẽ thụt lại ít nhất là hai mươi năm. Một màn đêm nữa sẽ lại sập xuống. Đây chính là một nguy cơ đáng sợ.

Những người lãnh đạo phong trào đã sáng suốt kêu gọi bất bạo động. Nhưng chỉ cần vài người dân nóng nảy hay bọn gian đồ cố tình tạo sự cố là sẽ không tránh được bạo động và đổ máu. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong chính quyền có những kẻ đang trông chờ điều này. Trong đầu họ là sự thành công của Đặng Tiểu Bình ở Thiên An Môn gần ba mươi năm trước.

Tôi cũng không ngạc nhiên, tuy có thất vọng, khi cảm thấy trong lời hô hào “bất bạo động” theo khuôn sáo có sự hí hửng mong thấy xung đột của một số người có uy tín trên mạng. Họ nếu không cạn nghĩ thì cũng coi thường cái giá xương máu của người khác. Nhưng tôi lại hy vọng đây là cơ hội để những trí thức chân chính không cùng chính kiến, những người thật sự lo âu về tương lai đất nước có thể cùng bước một bước đi chung đầu tiên đến một tương lai chính trị tốt đẹp hơn.

Vấn đề không chỉ là Formosa, không phải là Formosa. Có đốt cháy Formosa cũng không đem lại lợi ích thực tiễn gì. Formosa hiện nay chỉ là cái gai trước mắt. Gốc rễ của mọi tai họa đều do ba tệ nạn của chính quyền: thiếu minh bạch, bất tài và tham nhũng. Có thể đây là cơ hội để vừa nhổ gai vừa đem đến một thay đổi thiết thực trong việc đối phó với những tệ nạn này.

Tôi muốn thấy sức mạnh của những người dân đi biểu tình có tiếng nói cụ thể, đòi hỏi chính quyền thành lập một ủy ban điều tra, công bố vụ việc và giải quyết sinh kế cho ngư dân. Đòi hỏi ủy ban này phải có những thành viên do những người biểu tình bổ nhiệm, những linh mục đầu giáo xứ chẳng hạn. Đây không phải là một vấn đề chính trị, phe phái. Những thành viên của ủy ban này có công tâm hay bị ngoại bang giật giây hay không thì hãy để báo chí và công luận tự do đánh giá. Hãy trao trách nhiệm và thẩm quyền thích hợp cho họ. Làm thế thì không những người dân mà cả thế giới sẽ khâm phục và hưởng ứng.

Điều tra và giải quyết cái gì, như thế nào? Uỷ ban cần bạch hóa hồ sơ thỏa thuận, giao kèo và khế ước với Formosa. Trước pháp luật, rất có thể Formosa không có gì “sai phạm” vì những lỗ hổng, những nhượng bộ do ngu dốt hay tham nhũng của quan quyền Việt Nam. Hãy làm công khai và vô tư. Hãy xác định mức độ thiệt hại về kinh tế của ngư dân một cách khách quan và rõ ràng.

Về phía chính quyền, được dân hỗ trợ, những người thật tâm muốn chống tham nhũng sẽ có chứng cớ minh bạch để ra tay tịch thu tài sản của tham quan, ngăn cấm những công trình “văn hóa nghìn tỉ”, dồn sức cứu trợ ngư dân. Dù thực lực chưa đủ thì tiếng nói ủng hộ của quần chúng sẽ làm chính quyền minh bạch và trong sạch hơn.

Thực tế chắc chắn không đơn giản như tôi vừa phát họa. Bon chen vì quyền lợi và kết luận theo cảm tính là những điều không thể tránh được. Nhưng ít nhất cũng phải có những cơ chế có khả năng không bị ràng buộc bởi quyền lợi riêng tư. Đây không phải là một vấn đề chính trị mà chỉ là một nguyên tắc cơ bản không thể thiếu trong một xã hội yên bình.

Trong cách giao dịch với Formosa và đối phó với tai họa do Formosa gây ra, chính quyền đã bưng bít sự thật đằng sau sáo ngữ “tích cực điều tra”, bao che quan quyền bất tài, thối nát với “xử lý nghiêm”, và đã coi thường sinh kế của người dân. Dân miền Trung đã xuống đường. Nếu người có suy nghĩ trong chính quyền chấp nhận sự có mặt và có quyền giám sát của những đại diện chân thật của dân, và nếu giới trí thức đối lập không chỉ thóa mạ theo cảm tính mà tạo áp lực đòi hỏi sự minh bạch và khách quan để có thêm sự ủng hộ của quần chúng thì biết đâu, trong cái tai họa môi trường này, cũng còn một diễm phúc cho dân tộc.

Ngược lại, nếu bạo động xảy ra, thì đúng là họa vô đơn chí, không chỉ cho ngư dân miền Trung.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ