Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁT CANH GÂN GÀ CỦA TRUNG QUỐC

(NCTG) “Hoặc là Trung Quốc tuân thủ (phán quyết của tòa án), hoặc là trở thành kẻ ngoài lề xã hội. Nói không đẹp lắm: hoặc là một con chó được yêu thương, hoặc là một con chó ghẻ hung hăng bị tất cả xa lánh. Vì suy cho cùng, không ai muốn làm ăn với một kẻ mãi mang tiếng là lật lọng và tráo trở cả”.
Cái gọi là đường lưỡi bò mà nhà cầm quyền Trung Cộng cho là họ có cơ sở pháp lý và lịch sự, đã bị thế giới chính thức bác bỏ
Trong “Tam Quốc Chí”, một trong những điển tích được nhắc đến khá nhiều là bát canh gân gà của Tào Tháo. Có thể tóm tắt như thế này: dưới trướng của Tào có một mưu sĩ tên là Dương Tu. Người này thông minh đỉnh ngộ, lại rất hiểu ý muốn của chủ nhân.

Lần nọ, Tào Tháo dẫn quân đi công phá một thành trì. Binh tướng của thành đó kiên cường cố thủ, khiến quân Tào vây đánh ròng rã mãi cả tháng trời mà vẫn chưa hạ được thành. Trước tình cảnh lương thực, nhuệ khí binh sĩ cạn kiệt, Tào đứng ngồi không yên, bồn chồn như bị lửa đốt trong lòng. Buổi tối kia nhà bếp dâng lên món canh gân gà, gặp đúng lúc có viên tướng đi vào hỏi xin mật khẩu của đêm nay. Tào nhìn bát canh, buộc miệng bảo “gân gà”.

Viên tướng ấy tưởng thật, ra ngoài bảo binh lính canh gác mật khẩu là “gân gà”. Dương Tu nghe thế thì bảo mọi người nên sửa soạn hành trang chuẩn bị đi về là vừa. Hỏi tại sao thì Dương giải thích, đại khái đấy là tâm trạng hiện giờ của Tào. Đánh mãi thì chẳng biết khi nào mới thắng được, nhưng nếu bỏ thì tiếc, lại sợ bị chúng chê cười. Cái thế tiến thoái lưỡng nan như vậy chẳng khác gì chiếc gân gà trong miệng, nó dai nhách nuốt không trôi, nhưng nhả ra thì lại phí của giời. Nhưng với tâm trạng muốn rút lui như thế thì cuối cùng Tào cũng sẽ rút lui mà thôi.

Tào biết chuyện, giận lắm, đem Dương Tu ra chém đầu. Điển tích này còn có ý nói rằng gần vua như là gần cọp, đôi khi chớ có dại mà tỏ ra ta đây thông minh, hiểu biết tận cùng mọi ngõ ngách trong tâm hồn người.

Tạm rời những năm tháng xa xưa ấy, ta trở về lại hiện tại nhé!

Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, trong vụ kiện “đường lưỡi bò” do Phi Luật Tân đưa lên hồi tháng 7-2015. Với phán quyết này, bao nhiêu công sức vận động trên chính trường quốc tế của Trung Quốc đã trở nên công cốc. Trước mặt, Trung Quốc đang phải đối diện một dấu hỏi to tướng và xấu xí: Phải làm gì?

Hiện giờ, chỉ có hai lựa chọn. Một, là ngoan ngoãn tuân theo phán quyết của Tòa án Quốc tế. Và hai, cứ phớt lờ, tiếp tục những vi phạm chủ quyền và hành động gây hấn của mình trên Biển Đông.

Hãy nói về trường hợp nếu Trung Quốc quyết định đi theo lựa chọn thứ hai, có nghĩa là tiếp tục gây hấn, tiếp tục hà hiếp láng giềng, và tiếp tục bành trướng, xây dựng lãnh thổ trên vùng biển mà đã bị pháp lý quốc tế phủ nhận chủ quyền.

Có hai vấn đề lớn ở đây.

1. Nếu tiếp tục đi theo đường lối ngang ngược, Trung Quốc sẽ giáng một đòn chí mạng vào quyền lực mềm của mình. Nên nhớ năm 1996, Trung Quốc đã phê chuẩn Quy ước Quốc tế về Luật Hàng hải - theo đó, họ sẽ phải chấp nhận tính pháp lý của bất cứ phán quyết nào được đưa ra chiếu theo quy ước ấy. Nếu bây giờ phủ nhận tính pháp lý của phán quyết đưa ra sau vụ kiện “đường lưỡi bò”, người ta sẽ không khỏi đặt câu hỏi, sẽ còn bao nhiêu quy ước quốc tế mà Trung Quốc sẵn sàng phá vỡ nữa đây?

Trong thời đại toàn cầu hóa, gần như mỗi hợp tác (bất kể về kinh tế, giao thông, v.v..) giữa các nước đều phải tuân theo những quy ước được đặt ra, nhằm bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên. Có thể kể vài trong hàng trăm ví dụ: Đường bay từ và đến Trung Quốc được đặt dưới Quy ước Hàng không Dân sự Chicago; Đường điện thoại, Internet và vệ tinh phụ thuộc vào Quy ước Nghiệp đoàn Vô tuyến Viễn thông Quốc tế, v.v…

Với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á mà Trung Quốc đang ra sức mời chào các nước trên thế giới, người ta sẽ không khỏi băn khoăn: bao nhiêu điều khoản trong hợp đồng với ngân hàng đó, đến khi cần thiết, sẽ trở nên không hơn những tờ giấy lộn?

Tờ "Globe and Mail" tại Canada đã có nhận định thẳng thừng: hoặc là Trung Quốc tuân thủ (phán quyết của tòa án), hoặc là trở thành kẻ ngoài lề xã hội (pariah). Nói không đẹp lắm: hoặc là một con chó được yêu thương, hoặc là một con chó ghẻ hung hăng bị tất cả xa lánh.

Vì suy cho cùng, không ai muốn làm ăn với một kẻ mãi mang tiếng là lật lọng và tráo trở cả.
 
Việt Nam “hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7”
Việt Nam “hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7”

2. Với phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, Trung Quốc đã hoàn toàn mất đi tính chính danh nếu họ dùng vũ lực trên Biển Đông trong danh nghĩa bảo vệ chủ quyền của mình. Có thể nói đây là điều dễ nhận thấy nhất, và đau nhất cho Trung Quốc. Một viên đạn mà Trung Quốc bắn ra, không khéo, sẽ là mồi lửa cho một cuộc chiến tranh mà không chắc gì họ nắm phần thắng.

Hãy nói về nếu Trung Quốc đi theo lựa chọn thứ nhất, tức là ngoan ngoãn tuân thủ phán quyết của tòa án. Điều gì sẽ xảy ra?

Cụ thể, Trung Quốc sẽ phải tạm dừng các hành động quân sự hóa trên biển Đông; tạm dừng hành động truy bức, giết chóc tàu đánh cá của các nước láng giềng; tạm quăng cái gọi là Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) vào sọt rác; và không còn mãi ong ỏng về “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi từ thời cổ đại…” (nào đó).

Và những điều trên cũng có nghĩa là sự mất mặt ghê gớm, không những trên chính trường quốc tế, mà còn về mặt đối nội. Phải nhớ rằng trong những năm qua, ngoài những nỗ lực vận động quốc tế cho một chủ quyền hợp pháp, Trung Quốc không bao giờ ngừng nghỉ trong việc tuyên truyền, nhồi sọ người dân nội địa về một chủ quyền không thể chối cãi (của Trung Quốc) ở biển Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc hì hà hì hục vẽ ra hình ảnh mình - gã quân tử chính khí ngất trời, hào hoa phong nhã, đang bị những kẻ tiểu nhân láng giềng hà hiếp, tranh giành lãnh hải một cách trắng trợn.

Chúng ta hẳn chưa quên những bài báo từ Trung Quốc nặc mùi thuốc súng, đòi dạy Việt Nam thêm một bài học. Chúng ta hẳn chưa quên, mới đây thôi, từng đoàn đoàn khách du lịch nội địa được Trung Quốc chở đến quần đảo Hoàng Sa, õng ẹo chụp hình như để nói lên rằng đây chính là một phần quê hương dấu yêu của họ.

Tinh thần dân tộc dâng ngun ngút đến tận trời.

Thế mà đùng một cái, tinh thần dân tộc ấy như một quả bóng bị xì hơi, nếu Trung Quốc tuân theo phán quyết của tòa án, trở thành nhũn nhặn như con chi chi.

Hãy tưởng tượng đây là một đòn giáng vào sự uy tín của Đảng Cộng sản nói chung, và của họ Tập nói riêng. Giấc mơ Trung Hoa là đây sao?

Đã phải đối mặt với bao nhiêu vấn nạn tưởng như khó có lối thoát, như nạn lạm quyền/tham nhũng, nạn tàn phá môi trường, nguy cơ vỡ bong bóng kinh tế, các vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, v.v… Điều cuối cùng mà Trung Quốc mong muốn nhìn thấy là sự xói mòn niềm tin vào tài lãnh đạo và dẫn dắt đất nước của Đảng Cộng sản.

Họ đã tự cỡi lên lưng một con cọp vô cùng nguy hiểm là tinh thần dân tộc cực đoan. Muốn xuống, chẳng phải là điều dễ dàng gì.

Bát canh gân gà của Trung Quốc, chính là đây. Phán quyết phủ nhận chủ quyền của họ trên Biển Đông, đã đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi, tiến thoái lưỡng nan.

Tiến, phải đối diện với bao vấn đề đối ngoại - nhẹ thì mất thêm uy tín, phải chịu đựng mãi tình trạng căng thẳng trên biển Đông; nặng thì không khéo lại dẫn đến chiến tranh.

Thoái, mất mặt ngay tại sân nhà - một lần nữa cho nhân dân thấy gã khổng lồ Trung Quốc chỉ có to mồm là giỏi.

Và, “to mồm” có lẽ là chiến lược mà Trung Quốc hiện đang theo đuổi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế là vô giá trị và không có tính cách bắt buộc.

Tuy vẫn to tiếng với những giọng điệu cũ, nhưng chúng ta có lý do tin rằng Trung Quốc hiện nay, cũng như Tào Tháo xưa kia, đang ở trong tình trạng ruột gan rối bời. Chắc họ cũng không ngờ rằng bát canh biển Đông, trong giây phút lại trở thành bát canh gân gà, khó nuốt đến thế.

Tác giả bài viết: Hải Lý, từ Canada