Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BAO GIỜ THỨC TỈNH?

(NCTG) “Bao giờ hết được sự biện bạch “nhà bao việc”, “em có bao giờ quan tâm đến chính trị đâu”, v.v..., thì có lẽ khi ấy, Trang cũng toại nguyện với những trang viết của mình...”.
Minh họa: Felvidék.ma
1. Tin nhà báo Đoan Trang bị bắt lan truyền nhanh và nhiều trên mạng từ mấy hôm nay, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ “đại chúng”, “phổ thông” để tới mọi “công dân mạng”. Bằng trực giác, những status có liên quan đến Trang trên mạng FB là không đáng kể so với hằng hà sa số những ảnh ăn nhậu, du lịch, làm dáng chụp với hoa...

Điều này không khó hiểu, vì tỷ lệ số người quan tâm đến “chính sự”, nhìn chung không bao giờ nhiều so với các mối quan tâm khác, vốn dĩ rất phong phú trong thời đại này. Và bất cứ mối quan tâm hay sở thích nào, xét cho cùng thì cũng có lý, vì nó phù hợp với một góc cạnh nào đó của đời sống con người và với chính cá nhân đó.

2. Cũng vào khoảng này năm ngoái, nhà văn Phạm Thị Hoài ở Berlin đã có một bài viết rất thú vị, tất nhiên là có phần cay đắng và cả cay độc đúng theo phong cách của chị, nói về phản ứng của “những người Việt mình” khi chị “liên lạc với nhiều người trong cộng đồng Việt ở Berlin, định tổ chức một buổi giới thiệu sách của Trang”.

Khi tôi nói về Trang, những người ở đây mà tôi tưởng có chút quan tâm đến thời cuộc ở nhà lắc đầu, họ không nghe nói. “Cô ấy viết sách hả? Tiểu thuyết hay truyện ngắn? Chị thông cảm, tôi bây giờ ngại đọc truyện lắm.” Tôi bảo, không, cô ấy làm thơ.  

Khi tôi nói về Trang, những người ở đây mà tôi tưởng nhất định phải biết lắc đầu, họ chỉ nghe loáng thoáng. Họ thường bốt lên mạng những điều tiến bộ văn minh ở nơi đang sống để ngao ngán cho tình cảnh xứ Đông Lào. Họ tự hào, thấy mình cũng dũng cảm. Đám mũ ni che tai, phù phiếm sống ảo nhiều lắm, họ hơn.

Khi tôi nói về Trang, những người biết rõ lắc đầu, họ tôn trọng quan điểm của các nhà bất đồng chính kiến nhưng bản thân không chủ trương đối kháng. Họ theo đuổi con đường khai sáng. Nâng dân trí. Nghiên cứu. Dịch. Văn chương nghệ thuật. Sứ mệnh tri thức. Hợp tác để chuyển hóa. Lấy trí tuệ làm đòn xoay. Nếu đó cũng là chính trị thì chính trị cao cấp đặc tuyển. Họ không đọc “Chính trị bình dân”.

Khi tôi nói về Trang, những người thực lòng cảm phục cũng lắc đầu, họ có một ngàn lý do để không thể ra mặt. Họ phải giấu con người thật của mình trước dấu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực là phiếu bé ngoan. Tôi bảo, cô ấy cũng không sợ gì hơn là cấm trở về nên quyết không ra đi. Nhưng đó là một câu chuyện khác, tôi không xếp hạng những cái giá phải trả.  

Khi tôi nói về Trang, những người sốt sắng cũng rất tiếc mà lắc đầu. Tất cả đều bận. Bận là điều rất tốt cho các phong trào hòa bình: Chiến tranh gọi, nhưng không ai rảnh. Song tự do dân chủ cũng gọi, và không ai có thời gian. Cuộc đời ta hiện ra như một chuỗi tràn lan kín mít các sự kiện. Tối mai xem kịch, trước đó còn đi bơi. Ngày kia tiệc sinh nhật của con của con của một người bạn.

Cuối tuần đồng nghiệp mời ra vườn nướng thịt. Sang tháng du hí ngắn. Năm sau du lịch dài. Ngày này trả sách thư viện. Ngày này hết hợp đồng thuê một cái nhà kho ngớ ngẩn. Ngày này trực mua vé Rammstein. Ngày này khai thuế. Ngày này thay lốp xe mùa đông. Ngày này đi nội soi đại tràng. Cho đến ngày nhập quan, mây Google không còn khe nào cho ta nhét thêm một cái hẹn trên lịch Google nữa
”.  

Còn một đoạn dài nữa về những con người và phản ứng của họ khi phải “đối mặt” với một sự kiện “động trời”, là giới thiệu sách của Trang. Mình nghĩ chị Hoài còn có thể viết dài thêm nữa, bao nhiêu cũng được, nhưng may là chị đã ngừng phần “kể”, để tới một thông báo mà nội dung của nó dễ đoán: “Buổi giới thiệu sách đã không diễn ra”.

3. Một người bạn của mình, tạm gọi là “doanh nhân thành đạt” và luôn thú nhận rất thành thật là “nông dân”, “chỉ biết chúi mũi vào công việc”, “dốt nát” - điều mà mình biết là không đúng, vì nếu thế, bạn đã không thể thành công được, ngay cả ở Việt Nam - chia sẻ rằng bạn có vô tình đọc tin về Trang, nhưng không hề biết Trang là ai, làm gì.

Cái tên này mới nghe lần đầu, tối qua”, bạn nói và dù không muốn đến mấy đi nữa, mình vẫn phải tin, vì như đã nói, bạn là người thành thật. Bạn cũng nói thêm là bạn bè của bạn, chắc nhiều người cũng vậy thôi, vì “bận tối mắt tối mũi, có thời gian đâu mà tìm hiểu”. Khiến mình rốt cục cũng phải chấp nhận rằng, có không ít người như bạn.

Mình rất muốn lạc quan để nghĩ rằng, bạn mình thuộc một tỷ lệ độ 5% thôi, của những người mà đặc thù công việc và cuộc sống không nhất thiết đòi hỏi sự để tâm như trên. Có điều, chừng nào chưa có những cuộc điều tra xã hội học đáng tin cậy, mình sợ là tỷ lệ ấy phải lớn hơn nhiều, và có thể khá áp đảo trong xã hội Việt Nam hiện tại.

4. Là một người viết, một nhà hoạt động và tranh đấu, có lẽ Trang phải ý thức được rằng những gì mình làm, không nhất thiết là ai cũng phải quan tâm, chia sẻ và đồng tình. Nhưng, đối với những ai xác định dấn thân cho một lý tưởng khiến xã hội, khiến cộng đồng tốt đẹp hơn, có lẽ đáng sợ nhất vẫn là sự bàng quan, thờ ơ... của số đông.

Bao giờ thức tỉnh?” là một ý mình đã viết cách đây hơn 2 năm, và bây giờ, có lẽ mình cũng chỉ biết lặp lại suy nghĩ ấy. Thức tỉnh, không nhất thiết phải là theo con đường, cách hành xử hay tư tưởng của một ai đó, vì tất cả chúng ta đều khác biệt nhau về khả năng, về mức độ dấn thân và đóng góp, và nhất là về phương cách hành động.

Ở mức “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều, cần nhận ra rằng, chúng ta có trách nhiệm, và do đó, cần lưu tâm và chung tay khiến cộng đồng và xã hội đang sống trở nên tốt hơn. Bao giờ hết được sự biện bạch “nhà bao việc”, “em có bao giờ quan tâm đến chính trị đâu”, v.v..., thì có lẽ khi ấy, Trang cũng toại nguyện với những trang viết của mình...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh