Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁO CHÍ CŨNG LÀ MẶT TRẬN

(NCTG) Đó là lợi thế của các hệ thống độc tài. Báo chí, truyền thông phải là công cụ của “chuyên chính”. Như ở Nga hiện tại, trong thực tế, tất cả những gì không giống với điều Putin nói, đều được xem là “giả mạo” và sẽ bị phạt tù mức tối đa là 15 năm.
Người dân Nga không hề được biết về sự thật cuộc chiến xâm lược Ukraine trên các phương tiện truyền thông do chính quyền Nga kiểm duyệt - Ảnh: dw.com
Có anh GIÁO SƯ bên Việt Nam khuyên tôi “nên đọc thông tin hai chiều”. Tôi cười bảo, tôi đọc không những hai chiều mà đến cả hàng chục chiều. Một điều khác biệt cơ bản mọi người cần biết: ở Mỹ không có báo chí nhà nước, mà chỉ có báo và các kênh TV của TƯ NHÂN.

Vậy thế lực nào kiểm duyệt hệ thống truyền thông ở Mỹ: TIỀN và LUẬT PHÁP.

Ví dụ, kênh nào đưa tin hay, chính xác thì có nhiều người vào coi, tiền quảng cáo chảy vào như nước. Lấy một ví dụ, trong trận đấu Super Bowl tại sân vân động SoFi ở California gần đây, theo NBC, giá quảng cáo trong vòng 30 giây là 6.5 triệu USD. Giá quảng cáo phụ thuộc vào số người coi cái kênh TV đó. Như thế TIỀN là nhân tố chi phối mọi hoạt động của truyền thông.

Yếu tố thứ hai là LUẬT PHÁP. Nếu nói sai thì bị kiện. Ví dụ hãng FOX NEWS hiện nay đang bị công ty sản xuất máy kiểm phiếu bầu cử Dominion kiện và đòi bồi thường 1,6 tỷ USD, do kênh truyền hình này đã đưa tin sai và giả mạo về hệ thống máy bầu cử của họ.

Tóm lại, truyền thông ở Mỹ và Phương Tây, không chịu sự kiểm duyệt của chính phủ. Các phóng viên thực hiện công việc theo đúng nghĩa là người đưa tin tức. Đương nhiên, đã là con người, việc mắc phải sai sót cũng là chuyện bình thường.

Trở lại chủ đề “báo chí cũng là mặt trận”, nhân mấy hôm nay báo chí Nga đưa tin ba thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee (Mỹ) là “lính đánh thuê” đã bị thiệt mạng ở Ukraine. Trên thực tế, cả ba vẫn còn sống và khỏe mạnh, theo tin của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee cho biết hôm thứ Năm.

Báo “SỰ THẬT” (Pravda) của Nga đã nêu tên ba người Mỹ này và còn đưa ra cấp bậc quân sự cho từng người, trích dẫn thông tin từ lực lượng dân quân thân Nga ở Donetsk của Ukraine. Báo cáo thậm chí còn đưa ra một lời giải thích phức tạp về cách xác định ba người, ấy là từ các vật phẩm và một chiếc ba-lô “gần hài cốt của một trong những chiến binh” - bao gồm cả một lá cờ của bang Tennessee?

Thực tế, ba người này thuộc Trung đoàn Thiết giáp 278 của Tennessee tới Ukraine vào năm 2018. Hai trong số họ vẫn phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee và đang ở Tennessee. Người còn lại đã rời khỏi nghĩa vụ nhưng vẫn còn sống. Tất cả đã trở về bang của họ một cách an toàn vào năm 2019.

Ở Nga, làm sao người dân có thể xác định được những tin giả này?

Gần đây một người bạn, cũng GIÁO SƯ, gửi cho tôi những tài liệu về những hình ảnh copy về “bằng chứng” Mỹ giúp Ukraine nghiên cứu về chiến tranh sinh học. Những tài liệu không nói lên điều gì về vũ khí sinh học, ngoài việc hợp tác nghiên cứu về các chủng gây bệnh của vi khuẩn.

Loại “tài liệu” này, thật ra, cũng có thể tim thấy ở bất cứ nước nào trên thế giới, có hợp tác nghiên khoa học với các nhà khoa học của Mỹ. Trong nhiều trường hợp, có khi lại còn được sử dụng để khoe ta ngang tầm với Mỹ (?).

Tin giả đúng là lợi hại trong thời đại công nghệ thông tin, nó lan truyền nhanh còn hơn cả virus, vì chỉ bằng một cái nhấn chuột, nó phát tán theo cấp số nhân.

Tác giả bài viết: Thành Lê, từ Hoa Kỳ