BÀI HỌC VỀ “QUYỀN ƯU TIÊN”
- Chủ nhật - 24/11/2013 20:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi sực nhớ ra câu “Kính trên nhường dưới” mà tôi được học từ bé. Chắc đó là bài học đầu tiên trong đời bất kỳ người Việt Nam nào về quyền ưu tiên. Nhưng câu thành ngữ ấy chỉ dạy người ta biết nhường nhịn người trên, người dưới chứ không đả động gì đến quyền lợi của bản thân mình”.
Minh họa: Internet
Cả tháng nay tôi đang học lái xe. Buổi đầu tiên thầy giáo đến đón đi học lái, sau mấy chào hỏi mào đầu, thầy hỏi tôi chắc chị biết lái xe rồi, chỉ học mấy bữa để thi lấy bằng thôi phải không? Tôi nhanh nhảu thưa: tôi chưa bao giờ lái xe, hôm nay là lần đầu tiên đấy ạ! Nghe xong, thầy giáo len lén thở dài, tiếc cho thầy, tai tôi lại rất thính. Đang háo hức, tôi đâm ra hơi lo. Nhưng rồi tôi tự trấn an mình, chưa biết thì mới phải học, và với các loại xe cộ, tôi toàn học muộn hơn chúng bạn, thế mà rồi cũng đâu vào đấy cả.
Năm 9 tuổi tôi mới được học đạp xe đạp, chỉ vì đang đi bộ đi học trường làng thì có giấy gọi của trường Năng khiếu thành phố mời vào lớp chuyên Văn, mà trường thì ở trung tâm thành phố, cách nhà tôi độ dăm cây số. Ở một thành phố bé tí teo như Vinh, đối với độ tuổi lên 9 và vóc dáng hạt tiêu của tôi, đó là cả một quãng đường xa tít tắp. Thế là mẹ đồng ý cho tôi tập xe đạp để tôi còn tự đi học.
Cái xe đạp đầu tiên của tôi là cái xe cũ của mẹ, đã hạ yên hết mức mà chân tôi cũng không với tới pê-đan, tôi nhớ tôi phải đạp theo kiểu nhấn thật lực cái pê-đan bên phải rồi bỏ cái chân phải lửng lơ trong khi đợi cái pedal bên trái quay lên chạm bàn chân trái. Cứ thế mà rồi tôi cũng đạp xe ngon lành rong ruổi khắp nơi với chúng bạn.
Về sau tôi lại còn nổi máu yêng hùng đạp xe thả cả hai tay hoặc một tay cầm ghi-đông còn một tay cầm sách đọc. Của đáng tội, thời đó ở Vinh đường rộng thênh thang mà cũng toàn xe đạp, hai bên đường thì cũng chả có gì mà ngắm nên mấy đứa trẻ con chúng tôi mới nảy ra thú tiêu dao vừa đạp xe vừa đọc sách giết thời gian.
Năm cuối đại học, tôi mới chính thức được mẹ cho phép học đi xe máy vì sắp ra trường đi làm thì phải biết đi xe. Thực ra, trước đó, cô bạn thân đã xúi tôi tập thử trong một lần đi chơi Tết nhưng rồi tôi cũng chỉ dám đi có mỗi lần đó, vì chưa được mẹ cấp phép nên tôi không tự tin tập tiếp với bạn. Thế mà rồi tôi cũng có bằng và chạy xe cả 50 cây số về Thanh Chương quê ngoại ngon ơ.
Bây giờ, sống ở cái xứ mà bọn choai choai 16 tuổi đã bắt đầu lái xe, tôi ba sập mới tò te tập lái thì đúng là muộn thật. Nhưng vì tiền sử học lái các loại xe của tôi khá ổn nên tôi không ngại ngùng gì lắm, thậm chí còn nao nức. Nhưng cơn nao nức của tôi quả là cũng có bị nguội đi chút xíu khi trộm nghe được tiếng thở dài của thầy giáo. Đã bảo, cái gì quá cũng không tốt, kể cả thính tai!
Nhưng chắc cũng vì thính tai nên tôi nghe thủng ngay khi thầy giáo giảng giải về các bộ phận cơ bản của xe trong vòng 5 phút. Thầy bảo thủng rồi thì ngồi vào lái thôi. Thế là tôi lái. Lái xe khó hơn tôi tưởng nhưng khi kết thúc khóa học lái 3 buổi với thầy, thầy gật gù bảo tôi lái ổn nhưng phải tập thêm mới đi thi được. Một anh bạn người Mỹ nhận lời giúp tôi tập lái hàng tuần. Cứ tuần ba buổi, anh đến đón tôi rồi tôi lái xe lòng vòng tầm 1-2 tiếng.
Sau hơn một tháng tập xe với anh bạn, anh nói với tôi rằng tôi lái khá, ngay cả khi anh là người chứng kiến tôi lập “thành tích” làm nổ một cái bánh xe vì cua quá sớm làm bánh xe va vào lề đường. Thường thì anh khá hài lòng về cách tôi xử lý các tình huống giao thông gặp phải và anh rất hào phóng tặng tôi những câu khen ngợi để động viên (như bất kỳ đàn ông Mỹ nào tôi gặp). Nhưng có một hôm, tôi khiến anh nổi khùng văng tục. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì tình huống lúc ấy không có gì đáng để anh phải phát khùng lên như thế.
Tôi đang dừng xe ở ngã tư chờ đèn xanh để tiến thẳng về phía trước, một chiếc xe buýt đi ngược chiều cũng đang dừng và bật xi-nhan rẽ trái. Anh bạn thấy thế nhắc nhở tôi, đèn chuyển xanh là tôi phải đạp ga tiến thẳng lên phía trước, không cho phép chiếc xe buýt kia cướp quyền ưu tiên của tôi. Tôi ậm ừ nhưng rồi khi đèn báo xanh, thấy chiếc xe buýt lừ lừ tiến ra giữa đường, tôi hoảng quá bèn dừng lại nhường nó đi trước.
Thế là anh bạn của tôi nổi giận. Anh nhìn tôi với vẻ mặt nghiêm trọng, bảo: Lưu, mày đừng lái xe ra đường nếu chưa học kỹ về luật ưu tiên. Đó là một điều tối quan trọng và mày phải thực sự ý thức về nó. Nếu không, tai nạn sẽ xảy ra, không sớm thì muộn, mày hiểu không?
Thú thật là lúc ấy tôi không hiểu lắm vì sao anh bạn lại nhấn mạnh đến thế tầm quan trọng của luật ưu tiên, nhưng tôi cứ gật đầu đại cho xong chuyện. Sau hôm ấy, lần nào tôi lên xe, anh cũng nhắc tôi phải nhớ về luật ưu tiên. Anh bảo tôi không có vấn đề về việc nhường đường cho xe được ưu tiên, nhưng tôi có vấn đề nghiêm trọng về việc nhường quyền ưu tiên của xe mình cho xe khác.
Anh bảo: Mày không cướp quyền ưu tiên của người khác, như thế là mày rất tốt, nhưng mày nhường quyền ưu tiên của mày cho người khác, mày tưởng làm như thế là mày tốt à? Không, mày nhầm, mày nhường quyền ưu tiên của mày là mày đang phá vỡ luật giao thông, là mày tạo điều kiện để tai nạn xảy ra. Thế là mày đang làm một việc tồi tệ, với chính mày và với những người xung quanh.
Anh bạn nói đến đây thì tôi bắt đầu vỡ lẽ. Tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về quyền ưu tiên.
Quả tình, tôi hơi tự ái khi anh bạn vốn thường rất tế nhị của tôi lại nói chuyện với tôi kiểu thẳng thừng như vậy. Tôi lục lọi trí nhớ để kiếm ra câu gì đối đáp với anh, cho anh hiểu là tôi cũng đã được học về quyền ưu tiên, không phải trong cuốn sách dạy Luật lái xe của bang California mà chính ở Việt Nam, quê hương tôi. Rồi tôi sực nhớ ra câu “Kính trên nhường dưới” mà tôi được học từ bé. Chắc đó là bài học đầu tiên trong đời bất kỳ người Việt Nam nào về quyền ưu tiên.
Nhưng câu thành ngữ ấy chỉ dạy người ta biết nhường nhịn người trên, người dưới chứ không đả động gì đến quyền lợi của bản thân mình. Tôi nghĩ nát óc cũng không kiếm ra câu nào để chứng tỏ, tôi cũng đã được học về cách giữ lấy quyền ưu tiên của chính mình chứ không trao nó một cách vô cớ cho người khác. Tôi dịch cho anh bạn người Mỹ câu thành ngữ trên và giải thích với anh rằng, văn hóa Việt Nam là như thế, một sự nhịn chín sự lành.
Anh gật gù bảo, giờ thì anh hiểu vì sao tôi chỉ biết tôn trọng quyền ưu tiên của người khác mà không biết tự tôn trọng quyền ưu tiên của chính mình. Sau cuộc nói chuyện ấy, anh có vẻ thông cảm với tôi hơn và nếu có thấy tôi lỡ nhường quyền ưu tiên của mình cho xe khác, anh không cáu kỉnh văng tục nữa mà chỉ nhìn tôi cười buồn thốt lên: Ôi, Lưu, mày phải thực sự học đi, cho việc lái xe và cho cả đời mày nữa.
Tôi nghe anh và tôi muốn học. Tôi cũng nung nấu nghĩ về nó nhiều nhưng để thay đổi một thói quen ứng xử, một phản xạ văn hoá thật chẳng dễ dàng gì. Hành động của tôi cố gắng chạy cuồng chân nhưng không theo kịp nổi suy nghĩ của tôi về quyền ưu tiên, ngay cả chuyện đơn giản nhất là quyền ưu tiên trong một tình huống giao thông. Bằng chứng là vừa mới hôm kia, khi đang chạy xe thì tôi nhìn thấy mấy con sóc đang tha thẩn chơi trên đường, ngay trước mũi xe mình.
Tôi đột ngột giảm ga khiến anh bạn kêu lên: Mày làm gì đấy? Tôi chưa kịp giải thích thì anh bạn đã nhìn thấy mấy con sóc và hiểu ra vấn đề. Anh phá lên cười rồi nói với tôi giọng nửa bỡn cợt, nửa trách móc: Giời ơi, Lưu ơi, mày đừng bảo với tao là mấy con sóc kia có quyền ưu tiên trên xa lộ này nhé! Mày nhường quyền ưu tiên của mày cho xe ô tô khác tao đã bực rồi, giờ mày nhường luôn cả mấy con sóc kia à? Ôi thôi, tao hết cách rồi… Tôi hiểu ý anh nhưng vẫn cố giải thích rằng tôi không muốn cán chết mấy con sóc nhỏ đáng yêu kia.
Anh bạn cười bảo anh rất thông cảm với tôi vì chắc ở Việt Nam tôi chả mấy khi được gặp sóc nên tôi chả hiểu gì về chúng. Anh giải thích rằng chúng rất nhanh và đã quen với xe cộ nên chúng thừa sức phản ứng đủ nhanh để tự cứu mình chứ không cần nhờ đến lòng thiện tâm của tôi. Anh cũng nói thêm rằng, tôi tưởng tôi làm thế là cứu được mấy con sóc, nhưng tôi chưa nghĩ đến việc giảm ga đột ngột trên đường có thể khiến xe chạy phía sau tôi trở tay không kịp. Tai nạn có thể xảy ra và đó là chuyện liên quan đến tính mạng con người.
Đến lúc này thì tôi toát mồ hôi hột và tôi buộc mình không chỉ suy nghĩ nghiêm túc về quyền ưu tiên mà còn phải thực thi nó bằng mọi giá, ít nhất là trong từng tình huống cụ thể tôi gặp trên đường chạy xe. Còn trên đường đời, tôi lường được chuyện mình buộc sẽ phải gặp những “đụng độ” và “va chạm” nếu muốn thực thi việc tôn trọng quyền ưu tiên cho chính mình.