Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

Hồi mới loạng choạng những bước đầu trong nghề tạm gọi là báo chí, tôi và các anh chị em bạn bè đã được TBT cung cấp cho một khóa đào tạo cơ bản về báo chí.

Nếu sai, phải nhận - điều tưởng dễ là lắm khi "bất khả"!

Tất cả những gì anh TBT dạy đều rất hay, rất căn bản, giá trị, hữu ích, v.v… nhưng điều ấn tượng nhất mà tôi nhớ lại chỉ được tóm gọn trong 4 từ: Nếu sai, phải nhận.

Nếu sai, phải nhận!

Nghĩa là nhà báo cũng như tờ báo phải có thái độ đó và cách hành xử đó. Đã sai là nhận trách nhiệm, nhận lỗi, và xin lỗi. Không có chuyện nói tránh đi thành “nói lại cho rõ” chẳng hạn.

Tôi thích thái độ và cách hành xử ấy. Rất đàng hoàng.

Thế rồi những năm đầu làm nghề, tôi áp dụng triệt để bài học đầu tiên. Cứ sai là nhận, không cần ai phải phát giác, tố cáo. Thậm chí nhiều khi quá lên còn nhận thay người khác. Nhận hết, nhận tuốt. Có nặng nề gì một câu nói: “Đó là lỗi của em”.

Thế mới chết. Một thời gian sau, tôi mới thấy mình dại. Bởi vì xung quanh chẳng ai làm thế cả. Không ai làm như anh dạy cả, anh TBT ơi!

Tôi biết dại, từ đấy bèn im không nhận nữa. Nhưng thỉnh thoảng nhớ lại quá trình tiến hóa của mình mà thấy hay hay là, xin tóm tắt thế này:

- Khi mới làm nghề, tôi luôn thấy: nếu sai phải nhận.

- Sau vài năm, tôi thấy: nếu sai thì im đi, đừng nhận.

- Sau vài năm nữa, tôi thấy: nếu sai thì không nhận cũng không im, mà phải ngay lập tức đổ cho “thằng” hay “con” khác.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng dễ đổ cho “thằng” hay “con” khác. Song đã có một bửu bối rất tuyệt để áp dụng trong các trường hợp nhạy cảm: Đổ tại “chúng ta”. Cứ nói là tại “chúng ta”, trúng thì trúng chả trúng thì thôi.

Sâu xa hơn nữa thì đổ tại cơ chế. Hoặc cụ thể hơn nữa thì đổ tại “quân” của mình ấy. Mà “quân” mình kém là do sao? Do trình độ kém. Trình độ kém là do sao? Thì lại do.. cơ chế! Triết học một tí thì nói là do… văn hóa dân tộc.

Tác giả bài viết: Đoan Trang