Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


AI XUI KHAISILK TRÁO HÀNG MADE IN CHINA THÀNH HÀNG MADE IN VIETNAM?

(NCTG) “Có khách hàng nào nghĩ họ chính là tác nhân ép các doanh nghiệp phải buôn bán hàng giả hay không?”.
Khaisilk đã lừa dối khách hàng, “treo lụa Việt, bán lụa Tàu” từ nhiều năm nay, theo một phát hiện mới đây của một doanh nghiệp - Ảnh: Facebook Dangnhuquynh
Là một giảng viên quèn, lại chỉ thích xài đồ giản tiện, mình hình như mới chỉ rón rén mua khăn cho mình và cravate cho chồng đúng một lần ở cửa hàng KhaiSilk rồi chừa hẳn vì dùng tơ tằm phiền toái quá mà cặp mắt kèm nhèm của mình chẳng thấy có gì khác biệt nhiều giữa hàng tơ tằm ấy với hàng mua chỗ khác mà lại rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, mình rất thích chuỗi Brothers café hay Ming Dynasty của ông. Khi ăn ở đấy, mình không có cảm giác chỉ là đồ ăn mà là trải nghiệm văn hóa. Từng chi tiết trang trí trong nhà hàng, đôi đũa trên bàn ăn, nhạc mở, những đồ cổ bày trong tủ kính ở nhà hàng đều hết sức tinh tế và phù hợp. Nghe nói những bức tượng chiến binh thời xưa trong nhà hàng Ming Dynasty đều được mang từ Trung Hoa về, đem tới cảm giác ta đang ở thời xa xưa nào đó ở Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam.

Mình không đủ khả năng mua hàng ở Paragon nhưng window shopping ở đó cũng rất khác biệt. Trong mắt mình Hoàng Khải là một nhà kinh doanh không chỉ tài giỏi mà còn rất tinh tế, khác hẳn những thương nhân khác. Các nhân viên, đối tác, khách hàng cũng luôn dành cho ông những lời ngợi khen như một ông chủ tốt bụng, một người đàng hoàng, cao quý.

Vì thế khỏi phải nói câu chuyện cửa hàng kinh doanh khăn lụa của ông đã tráo hàng Made in China thành hàng Made in Vietnam từ nhiều năm nay làm mình rất sốc. Tuy nhiên, khi đọc bài ông trả lời phỏng vấn Zing thì mình lại khá khâm phục thái độ thành khẩn nhận lỗi và sẵn sàng bồi thường cho khách hàng của ông, trong khi ông có thể dễ dàng đổ lỗi cho cấp dưới.

Những điều ông nói cũng có lý, thực tế là gần như 100% quốc gia trên thế giới đều có đặt hàng gia công ở Trung Quốc đến mức nước này đã được gọi là “Công xưởng của thế giới”. Điều nực cười là trong hơn bốn mươi quốc gia mình từng qua, từ các nước giàu nhất thế giới như Thụy Sĩ đến những nước nghèo như Myanmar, Lào hay Campuchia, chưa nước nào kỳ thị hàng Made in China như Việt Nam.

Ở Mỹ từng có nữ nhà báo Sara Bongiorni nổi tiếng của “The New York Times”, gia đình rất khá giả đã từng bỏ ra một năm để thí nghiệm ép cả nhà không được dùng hàng Made In China. Sau thời gian đó bà viết cuốn sách “Một năm không dùng hàng TQ; Cuộc phiêu lưu của một gia đình trong nên kinh tế toàn cầu” (A Year Without "Made in China": One Family's True Life Adventure in the Global Economy), trong đó bà rút ra kết luận là sống ở Mỹ mà không dùng hàng Trung Quốc sẽ rất tốn kém và phiền toái vì rất nhiều hàng hóa đã do Trung Quốc độc quyền như đồ chơi trẻ em, đồ làm vườn, giày thể thao…

Một người khá giả ở một nước phát triển còn phải phát biểu như vậy thì dân một nước nghèo, lại là hàng xóm của Trung Quốc lại đi kỳ thị hàng Tàu thì thật khó tin. Nực cười nhất là nếu tính tỷ lệ sử dụng hàng Tàu thì chắc Việt Nam cũng là nước chiếm đầu bảng, thậm chí cả ở chính trị, tư tưởng là những thứ mà trừ Bắc Triều Tiên không đâu bị nhiễm cả. Chưa kể trong thời toàn cầu hóa, việc kỳ thị hàng hóa một quốc gia nào chỉ vì xuất xứ của nó cũng là ngớ ngẩn và đi ngược lại các nguyên tắc tự do thương mại mà Việt Nam đã ký với WTO. Vì thế, nếu khăn của KhaiSilk ghi rõ Made in China thì sẽ là rất bình thường.
 
Từ gần 30 năm qua, Tập đoàn Khaisilk nhập khăn lụa Trung Quốc về Việt Nam gắn mác thương hiệu Khaisilk “Made in Vietnam” rồi bán với giá cao gấp nhiều lần
Từ gần 30 năm qua, Tập đoàn Khaisilk nhập khăn lụa Trung Quốc về Việt Nam gắn mác thương hiệu Khaisilk “Made in Vietnam” rồi bán với giá cao gấp nhiều lần

Nhưng nếu ghi như vậy, KhaiSilk có bán được hàng không? Các nước khác đều ghi như vậy mà vẫn bán được hàng nhưng mình không tin điều ấy sẽ xảy ra ở Việt Nam. Tâm lý kỳ thị mù quáng này đã làm nảy sinh bệnh làm giả đủ mọi loại nhãn mác ở Việt Nam. Mình đã từng đi xem khăn lụa ở Thượng Hải, khăn tương tự như khăn bị tố làm giả trên ảnh không cái nào dưới 50 USD cả, khăn ở Ý còn đắt hơn nhiều. Mình đã từng đến làng lụa Vạn Phúc để biết lụa Việt Nam cũng rất đắt mà chất lượng lại kém, nhanh phai và dễ hỏng. Làm sao có khăn với giá 644 ngàn VND mà bền màu, vải đẹp được?

Liên tưởng tới một chuyện khác, làm lâu năm trong ngành Giáo dục, mình biết nhiều chương trình liên kết với nước ngoài quảng cáo rất kêu nhưng thực ra đều chỉ là những trường chất lượng kém, thậm chí là trường dỏm ở nước ngoài. Tuy nhiên, nghịch lý là những trường tốt, chương trình nghiêm túc lại không thể tuyển sinh ở Việt Nam vì đầu vào, chương trình học, đầu ra đều rất khó, họ lại không quảng cáo hoành tráng vì tin vào uy tín của mình trong khi đối với bố mẹ Việt thì trường Tây nào chẳng như nhau!

Còn trường dỏm thì đầu vào, chương trình học và đầu ra đều rất dễ dàng, quảng cáo rất êm tai, giá cả rẻ lại rất sẵn sàng “hoa hồng” cho các quan chức nên thủ tục, mọi thứ đều rất dễ dàng. Vì thế không ngạc nhiên là hầu hết các trường tốt đều lần lượt rút lui, chỉ còn toàn trường dỏm ở Việt Nam. Khi sự thật về các trường này được phanh phui, các bậc phụ huynh lại vùng lên phản đối Bộ Giáo dục - Đào tạo và đủ mọi người trừ chính bản thân mình.

Bài viết này hoàn toàn không có ý bênh vực hay biện minh cho hành động gian lận thương mại của KhaiSilk hay dung túng cho các hành động bán bằng của các trường dỏm ở Việt Nam. Nhưng thử hỏi có khách hàng nào nghĩ họ chính là tác nhân ép các doanh nghiệp phải buôn bán hàng giả hay không?

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội