Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


2020 - MỘT NĂM NHÌN LẠI

(NCTG) “Chỉ có sự tỉnh táo, hiểu biết, vững vàng tư duy độc lập, mới may ra giúp ta ít bị sa chân vào những ngộ nhận, cực đoan hay ngây ngô bị “dắt mũi” trong thời đại nhiễu loạn này. Tin rằng chúng ta sau này, sẽ có dịp cảm ơn những trải nghiệm của 2020, thời điểm diễn ra bao điều “không tưởng” - chia sẻ của tác giả Bùi Uyên từ Paris.
Minh họa: Shutterstock.com
Chỉ còn ít giờ nữa là cái năm 2020 này qua đi. Sẽ là một năm có quá nhiều thứ in đậm, một năm tối tăm và xáo trộn. Nhưng nhờ nó, ta có cơ hội để đánh giá lại, nhận ra giá trị của nhiều thứ vốn như một lẽ hiển nhiên.

Ghi lại đây vài điều tự tổng kết cho một năm đặc biệt sắp trôi qua.

Nhận ra giá trị của những điều bình thường nhất

Khi bị buộc phải đeo khẩu trang vướng víu, ngột ngạt, người ta mới nhận ra việc được hít thở bình thường từ trước đến nay mới quý giá làm sao.

Chỉ sau lần giãn cách xã hội lần một, thói quen về những cái ôm hôn vốn thân thuộc và biểu hiện tình cảm bình thường nhất, bỗng xa như một hoài niệm cả thế kỷ. Một lần bắt gặp một đoạn phim quảng cáo, cảnh con cái ôm bố mẹ, cháu vòng tay ôm cổ ông bà, hay những cái ghì chặt, khoác tay của bạn bè… với slogan đại ý “rồi chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”, không khỏi bần thần. Chỉ đầu năm, có ai ngờ nổi một ngày, những điều hiển nhiên như việc chạm được vào nhau, vốn giản dị là thế, lại khó khăn, để người ta mong mỏi đến tha thiết, như một lời cầu mong cho năm mới?
 
Một năm kỳ lạ, khi từ “lockdown” lên ngôi trên truyền thông - Ảnh: nationalgeographic.com
Một năm kỳ lạ, khi từ “lockdown” lên ngôi trên truyền thông - Ảnh: nationalgeographic.com
 
Nghĩ đến những người già trong nhà dưỡng lão không được nhìn thấy con cái hàng tháng trời. Hay thậm chí ra đi mà không được gặp nhau lần cuối, đến phút tiễn đưa cũng vắng bóng người thân. Tôi nhớ bạn tôi kể bà của con mình năm nay hạn chế ít được gặp con cháu, càng không được ôm hôn, phải trùm tấm khăn để được ôm cháu trong vòng tay một lần cho đỡ nhớ. Bạn tôi bố mất không được về đội tang, tôi cả năm chỉ thầm cầu nguyện mong người thân bình an, vượt qua giai đoạn này, để không phải chịu cảnh bất lực tận cùng đến thế.

Trở về với những niềm vui gần gũi nhất - bên gia đình và người thân

Năm 2020, có thể nói là một năm “trở về” với những giá trị cơ bản và cốt lõi của hạnh phúc. Là cơ hội (hoặc bất đắc dĩ), buộc mỗi người phải “hướng nội” hơn. Từ bỏ những cuộc vui cộng đồng, những chuyến đi khám phá văn hoá xa xôi. Mỗi người ngồi lại và tìm vui ở những thứ gần gũi, đơn giản mà bao lâu dường như đã ít nhiều bỏ qua, bị lu mờ bởi những sức hút của những rực rỡ, náo nhiệt bên ngoài.

Người ta nhận ra họ không cần quá nhiều những thứ đậy điệm bề ngoài: quần áo đẹp, trang điểm cũng thành thứ yếu khi chẳng có hội hè, hay gặp ai cũng đeo khẩu trang kín mít. Người ta tập trung cho phần “bên trong”: có thời gian cho đọc sách, tập luyện cơ thể, chăm sóc nội thất ngôi nhà của mình. Dành nhiều thời gian cho gia đình, tự nấu ăn thay vì ra quán nhậu; chơi với vợ chồng con cái, gặp những bạn thân, thay vì tụ tập đám đông huyên náo hay bè bạn xã giao.

Câu hỏi về điều gì là  “không thể thiếu”?

Khi bị kìm kẹp, hạn chế tự do, và phải đứng trước những lựa chọn, người ta mới đánh giá hết giá trị của những điều “cốt yếu” với mỗi người. Những tranh cãi nổi lên “cái gì là cơ bản, không thể thiếu?” khi chính phủ chọn lọc những hoạt động được vận hành hay không khi có giãn cách xã hội. Rất nhiều người bất bình khi một cửa hàng rượu, thuốc lá được mở cửa trong khi hiệu sách phải đóng - món ăn tinh thần, văn hóa chưa bao giờ bị coi nhẹ như thế, so với những vật chất đời thường.
 
Món ăn tinh thần, văn hóa chưa bao giờ bị coi nhẹ như thế? - Ảnh: 24.hu
Món ăn tinh thần, văn hóa chưa bao giờ bị coi nhẹ như thế? - Ảnh: 24.hu

Ngược lại, sự “hy sinh” của các hoạt động văn hóa, lại làm chúng ta nhận ra nó “thiết yếu” chừng nào với đời sống tinh thần. Những điều tưởng chỉ là “giải trí”, như đến rạp xem một thước phim, đi nghe một buổi biểu diễn, một chuyến đi xa, nay chợt nhận ra có thể bỏ qua với người này, lại là thiếu thốn đến cồn cào với kẻ khác.

Sự kết nối, chia sẻ “từ xa”, lựa chọn giữa Thật và Ảo?

2020 như một đỉnh điểm phô bày những ưu thế và sự tất yếu của “thời đại số” hay “kỷ nguyên của công nghệ thông tin”. Là cú hích cuối cùng cho những ngành nghề, những cá nhân thủ cựu nhất phải chấp nhận cuốn vào guồng quay của nó. Năm lên ngôi của từ “giãn cách”, “từ xa” , “qua mạng”, là năm đại thắng của kinh tế truyền thông, kinh doanh trên mạng, sản phẩm văn hóa số... Dường như công nghệ có thể là cánh cửa thần kỳ dẫn chúng ta đến bất cứ đâu, tìm kiếm bất cứ thông tin gì, vượt qua mọi chướng ngại.

Nhưng như một món ăn bị bội thực, chính trong năm 2020 này, ta nhận ra sự không thể thay thế của sự chân thực, đời sống thật. Những gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, cảm nhận chân thật bằng mọi giác quan, càng ngày càng hiếm hoi trong thời đại số, và bị triệt tiêu phần lớn trong năm này, mới là điều vô giá.  Khi mãi xem những hoà nhạc trực tuyến, thăm bảo tàng hay thắng cảnh bằng công nghệ 3D, theo dõi những bài giảng từ xa, chúng ta nhận ra dù rất hữu hiệu, chúng không thể là biện pháp thay thế vĩnh viễn hay áp dụng được trong mọi hoàn cảnh.

Khi dễ dàng tiếp xúc thông tin, người ta dễ ảo tưởng về sự hiểu biết hay quyền lực của cá nhân. Những sự dối trá, “sống ảo”, lừa lọc và tô vẽ bản thân, dễ trú ngụ hơn khi chúng ta tiếp xúc nhau “từ xa”, “qua mạng”. Mạng xã hội là nơi mỗi cá nhân hoàn toàn có thể đắp điếm cái tốt hay che giấu mặt xấu, thậm chí bịa đặt ra cả nhân thân. Người ta quen nhìn bản thân mình qua những bức ảnh chụp trên màn hình, hơn nhìn thẳng vào chiếc gương soi trên tường không biết nói dối.
 
Dễ dàng tiếp xúc thông tin khiến người ta dễ ảo tưởng về sự hiểu biết hay quyền lực của cá nhân - Ảnh: karpataljalap.net
Dễ dàng tiếp xúc thông tin khiến người ta dễ ảo tưởng về sự hiểu biết hay quyền lực của cá nhân - Ảnh: karpataljalap.net

Người ta thường nói thật hơn khi nhìn thẳng vào mắt nhau. Sẽ dễ nhận biết cảm xúc thật của nhau hơn khi cùng trò truyện bên một bàn trà, ly rượu, hơn là gửi gắm tình cảm, niềm tin, qua những mặt cười, trái tim cho những người chưa bao giờ tiếp xúc thật.
 
*

Nhờ cái năm đặc biệt này, hành trang cho 2021 sẽ là việc khẳng định lại giá trị của những điều cốt yếu như gia đình, người thân và một nội tâm cân bằng. Quý trọng những điều giản dị nhất như việc hít thở, như một cái ôm. Để năm 2021 sẽ bù đắp những thiếu thốn trải nghiệm thực, những món ăn văn hoá tinh thần phải “kiêng khem”, hay niềm vui trên những hành trình khám phá bị tạm gác.

Những khoảng cách xa gần, ảo và thật trở nên tương đối, cho ta thấy sức mạnh hai mặt của thời đại thông tin, để tận dụng và đề phòng. Đây cũng là cơ hội để biết sự quan trọng của việc chọn lựa thông tin, gửi gắm niềm tin. Thật và giả, sẽ ngày càng che giấu tinh vi khó lường, và tiếp diễn trong những năm tới. Chỉ có sự tỉnh táo, hiểu biết, vững vàng tư duy độc lập, mới may ra giúp ta ít bị sa chân vào những ngộ nhận, cực đoan hay ngây ngô bị “dắt mũi” trong thời đại nhiễu loạn này.
 
Tin rằng chúng ta sau này, sẽ có dịp cảm ơn những trải nghiệm của 2020, thời điểm diễn ra bao điều “không tưởng”.

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris