Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông: VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ

(NCTG) “Nghiên cứu xung đột với đối tượng là các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông không thể bỏ qua cách thức xử lý xung đột với vai trò của truyền thông quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng có thể tác động đến cục diện của tình hình tranh chấp và ảnh hưởng tới hành động của các bên có liên quan”.
Tác giả Virág Lê Mai Lan trình bày bản tham luận - Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary
Thưa các quý đại biểu, các anh chị và các bạn, 

Tôi lên là Virág Lê Mai Lan. Khi nghe đến tên của tôi, các quý vị có thể hiểu tôi là một người Hungary gốc Việt. Tôi đã học tiếng Việt một năm ở Việt Nam, ở cùng gia đình bên nội, và tôi luôn yêu, tôn trọng bản sắc văn hóa Việt Nam, tôi tự hào vì trong tôi hòa quyện hai dòng máu Hung-Việt. Hôm nay tôi có mặt ở đây để nêu quan điểm của mình về vai trò của truyền thông quốc tế tế trong việc góp phần duy trì an ninh và hợp tác trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, dưới góc nhìn của một sinh viên người Hungary gốc Việt đang học tập tại Budapest. 

Thưa quý vị, 

Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực trọng yếu của thế giới, nơi tập trung những cường quốc về kinh tế toàn cầu cũng như các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đến các vấn đề quốc tế, cũng như các nền kinh tế mới nổi đầy năng động và có nhiều nội lực. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với Mỹ ở bờ Đông Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Á, vùng Viễn Đông của Nga, Úc và New Zealand, các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…trở thành một khu vực năng động về phát triển kinh tế, nơi tập trung đông dân cư của thế giới và cũng là nơi nhạy cảm về các vấn đề chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế. 

Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông trở thành một nguy cơ gây bất ổn an ninh tiềm tàng, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn gây nên những trở ngại trong quan hệ giữa các nước có liên quan đến tranh chấp, như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của các nước lớn, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, liên quan đến vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương và tự do lưu thông hàng hải quốc tế. 

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, trở thành một vấn đề nóng trong các chương trình nghị sự của ASEAN, APEC, ASEM và các diễn đàn đa phương khác, gần đây trở thành chủ đề chính của Diễn đàn Shang-ri La thường niên. Đây trở thành vấn đề nhạy cảm của các bên liên quan, ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cũng như trở thành một phần trong mối quan tâm lớn của Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama với chính sách “tái cân bằng” và “xoay trục, hướng trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. 

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng thu hút mối quan tâm và trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả châu Á và trên thế giới, các chuyên gia an ninh-đối ngoại, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia, các nhà nghiên cứu lịch sử và những chính khách ngoại giao. 

Chính phủ nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương đã thành lập những cơ quan, viện nghiên cứu chuyên trách về vấn đề Biển Đông như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Mỹ, có thể kể đến như: Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (DAV), Bộ Ngoại giao Việt Nam; Viện Nghiên cứu biển Malaysia (MIMA); Viện Nghiên cứu Quốc gia biển Hoa Nam (NISCS), Trung Quốc; Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore; Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Indonesia; Viện Nghiên cứu Phòng vệ, Bộ quốc phòng Nhật Bản; Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS), Washington, Hoa Kỳ… 

Nghiên cứu xung đột với đối tượng là các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông không thể bỏ qua cách thức xử lý xung đột với vai trò của truyền thông quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng có thể tác động đến cục diện của tình hình tranh chấp và ảnh hưởng tới hành động của các bên có liên quan. 

Truyền thông quốc tế được xem là “quyền lực mềm” trong đời sống chính trị quốc tế hiện đại, tác động của dư luận quốc tế là điều quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa, khi các phương tiện thông tin đại chúng đang ngày càng phổ biến và tác động tới từng góc cạnh của cuộc sống, từng khu vực địa lý của thế giới. Ngày nay, một tin tức ở Trung Đông hay Nam Mỹ có thể được cập nhật gần như ngay lập tức trên màn hình lớn trên một đại lộ ở New York, thông qua mạng lưới tin tức toàn cầu của CNN, BBC, CNBC hay Reuters. Các “đế chế truyền thông” đã thiết lập những cách thức tiếp cận riêng đến với các vấn đề của thế giới, khiến cho an ninh và chính trị toàn cầu trở nên hiện hữu từng phút từng giây, bên cạnh nhịp sống của chúng ta. 

Biển Đông là một khu vực địa-chính trị hết sức quan trọng, nơi chứng kiến những tranh chấp chủ quyền giữa các bên, trong đó tranh chấp căng thẳng được thể hiện giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong thế giới toàn cầu hóa, nơi các quốc gia cùng hợp tác và cạnh tranh, các lợi ích quốc gia cũng nhiều lúc trở nên mâu thuẫn; nếu điều đó không được giải quyết và kiềm chế, nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các tuyên bố truyền thông được phát đi bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao của các nước là động thái thể hiện quan điểm của các bên, cả các quốc gia thuộc tranh chấp và không thuộc tranh chấp, ví dụ như quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền quốc gia trên biển, quan điểm của Hoa Kỳ về việc giải quyết các xung đột thông qua đối thoại hòa bình, kêu gọi các bên kiềm chế. 

Các diễn đàn khu vực và liên khu vực như ASEAN Regional Forum (ARF), Đối thoại Shang-ri La thường niên với các tuyên bố và quan điểm cũng là một trong những cơ chế truyền thông hướng tới bên ngoài, để cộng đồng quốc tế có cái nhìn toàn diện về tình hình an ninh và chính trị khu vực, cũng như tình hình của các tranh chấp trên Biển Đông. 

Báo chí, các kênh truyền hình của Châu Á và thế giới như BBC News, CCTV, Voice of Asia, CNN, CNBC, The Diplomat, Foreign Policy, Foreign Affairs…trở thành các kênh thông tin và là diễn đàn học thuật nơi các chuyên gia, các nhà ngoại giao đối thoại và bày tỏ quan điểm, giúp cho dư luận quốc tế có cái nhìn đa chiều về tình hình Biển Đông. 

Bên cạnh đó, vai trò của mạng xã hội như Facebook, Twitter, MySpace cũng không thể không nhắc đến, sự bùng nổ của mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin hiệu quả với sức tác động truyền thông rộng lớn, đến đông đảo người dùng. Trên thực tế, các tin tức, hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội đã tác động đến người dân các nước, khiến cho họ ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề quốc gia và quốc tế, mà vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một trong số đó. 

Thưa quý vị và các bạn, 

Là một người con gốc Việt, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc. 

Tiếp cận vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ở khía cạnh truyền thông quốc tế, tôi muốn mang đến một thông điệp kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù là người Việt xa quê hay người gốc Việt, đều cần hướng về quê hương, Tổ quốc, tôn trọng các giá trị văn hóa, lịch sử và nguồn cội, cũng như ý thức được về việc gìn giữ các di sản mà cha ông đã để lại, đồng thời quyết tâm giữ vững chủ quyền quốc gia, trên bộ và trên biển, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì một Việt Nam hòa bình, phát triển, ổn định và thịnh vượng trong tương lai. 

Xin trân trọng cảm ơn! (*) 

(*) Tiêu đề nguyên thủy của bài viết là “Vai trò của truyền thông quốc tế trong việc góp phần duy trì an ninh và hợp tác trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông”, đã được trình bày tại Hội thảo “Tuổi trẻ Việt Nam tại Hungary hướng về biển đảo quê hương” (Budapest, 24-4-2015). Virág Lê Mai Lan, tác giả bản tham luận là sinh viên năm thứ 2 ngành Quan hệ Quốc tế, Viện Quan hệ Quốc tế, Khoa Khoa học Xã hội, Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus (Budapest).

Tác giả bài viết: NCTG