Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Boris Nemtsov: “PUTIN. CHIẾN TRANH” (Phần 3)

(NCTG) “Trên thực tế, toàn bộ các chương trình phát sóng truyền thông quốc gia Nga đều toát ra một bầu không khí đậm đặc của sự hận thù mà không cần cho vào bất cứ dấu ngoặc kép nào. Chừng nào mọi thứ kết thúc, nước Nga sẽ có một thời gian dài để phục hồi, loại bỏ các tiêu chuẩn đạo đức và hành vi tuyên truyền kiểu những năm 2014-2015”.
Bản phúc trình dựa trên cơ sở những tìm hiểu và nghiên cứu của Boris Nemtsov - Ảnh: Alexander Zemlianichenko (AP)
01

 
Chương 2: Giả dối và tuyên truyền

Người nào quyết định mô tả sự nghiệp chính trị của Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải - Tổng thống Nga chưa bao giờ có được một sự nghiệp chính trị.

Sự nghiệp của Putin thuộc về TV và tất cả các giai đoạn của nó - bắt đầu từ tuyên bố “giúi đầu vào bồn cầu” (1) và “hãy gìn giữ nước Nga” - không có gì hơn ngoài một chuỗi các câu chuyện truyền hình.

Vladimir Putin - một siêu sao truyền hình. Lịch trình Tổng thống của ông ta được họach định bởi hết “đường dây nóng” này đến “đường dây nóng” khác.

Vai trò siêu cường điệu của truyền hình trong việc kết nối giữa chính quyền và xã hội hình thành ở Nga từ thời Tổng thống Boris Yeltsin, nhưng chính ông Putin đã gây dựng lên một quốc gia với hệ thống truyền hình tập trung nhà nước mà trong đó tất cả các tổ chức công cộng từ nhà thờ đến quân đội đã bị can thiệp bằng hình ảnh truyền hình định hướng.

Ví dụ rõ nét ở đây là vụ bê bối hồi đầu năm 2015, khi các nhà báo kênh RBK đã lật tẩy <1> rằng những hình ảnh các cuộc đón tiếp của Putin truyền tải trên các kênh TV Liên bang là được dàn dựng từ trước lâu rồi, còn thực tại chả ai biết ông ta đang ở đâu. Có thể giả định rằng các chiêu thức ấy đã bắt đầu từ lâu kể từ 2015 trở về trước, đơn giản là không ai để ý và không ai biết bao nhiêu các clip được ghi trước với Putin được lưu trữ trong các thư viện video của điện Kremlin và chờ lên hình vào thời điểm thích hợp.

Trước năm 2014, bộ máy tuyên truyền của Nga đối với nhiều người còn có vẻ kỳ dị. Thậm chí đến mức đôi khi một vài câu chuyện truyền hình về phe đối lập có thể dẫn đến vụ việc hình sự hoặc bắt bớ hẳn hoi <2>. Thế nhưng sau vụ xung đột chính trị khởi nguồn ở Kiev cuối năm 2013, người ta mới rõ rằng cái hệ thống tuyên truyền của Nga mà dân chúng đối mặt bấy lâu còn tương đối “chay tịnh”.

Tuy nhiên giới tuyên truyền chẳng hề giấu giếm rằng ở “thời bình” họ làm việc chưa hết công suất. Ví dụ, hồi 2011, Margarita Simonyan - giám đốc kênh TV Quốc gia “Nước Nga Ngày nay” (Russia Today) dành cho khán giả Phương Tây công khai diễn giải <3> ý nghĩa tồn tại kênh truyền hình của bà: “Khi không có chiến tranh, nó (kênh truyền hình) dường như không cần thiết. Ấy thế nhưng, khốn nạn, hễ chiến sự xảy ra thì điều đó quá cấp bách. Không thể nào thiết lập được quân đội vẻn vẹn có một tuần trước khi chiến tranh bắt đầu được”.

“Chiến tranh” đối với Kremlin khởi đầu tại Maidan (tiếng Ukraine có nghĩa là Quảng trường, về sau người ta hiểu đó là cuộc nổi dậy của dân chúng) Kiev cuối mùa thu 2013. Trong cách diễn giải của truyền thông chính thức Nga thì cuộc xung đột tại thủ đô Ukraine đại loại được phát động bởi con cháu tụi phản nghịch (2) hồi Thế chiến thứ hai và tụi dân tộc chủ nghĩa cực đoan gần như muốn thanh trừng sắc tộc và muốn “hội nhập Châu Âu” (và luôn chỉ nói đến điều đó).

Tổ chức dân tộc chủ nghĩa “Right Sector” của Ukraine trong truyền thông Nga có lúc được mô tả <4> với tỷ lệ ủng hộ thậm chí cao hơn của Đảng “Nước Nga” của Putin - dù trong thực tế “Sector Right” trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine chỉ được thậm chí chưa đến 2% số phiếu bầu chọn.
 
Số lần mà các đảng và các tổ chức chính trị được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông Nga (tính đến tháng 5-2014)
Số lần mà các đảng và các tổ chức chính trị được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông Nga (tính đến tháng 5-2014)

Sau khi Viktor Yanukovych bỏ chạy, các kênh truyền hình Nga đồng loạt gọi các nhà lãnh đạo mới của Ukraine là “quân đảo chính Kiev”, còn chiến dịch quân sự chống quân ly khai miền Đông là “tiễu phạt”.

Điều đáng chú ý là trong suốt nhiều năm, hệ thống tuyên truyền của Nga đã chú trọng đặc biệt đến Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và Vladimir Putin đã lấy cái chủ đề này làm then chốt trong hệ thống điều phối tư tưởng.

Hãng Thông tấn Quốc gia RIA “Novosti” vào năm 2005 đã tạo ra một truyền thống mới cho ngày lễ 9-5: dân chúng đều mang dải băng Georgi (3) với slogan “Tôi nhớ, tôi tự hào”. Một ngày lễ nhân văn nhất từ thời Xô-viết đã biến thành ngày lễ chính của chủ nghĩa dân tộc của nước Nga Putin - thoạt đầu trông có vẻ hết sức tử tế nhưng hóa ra là hoàn toàn thực dụng khi nói đến cuộc xung đột với Ukraine.

Cái lối khuyếch trương trong tuyên truyền từ những năm chiến tranh được thể hiện lại cho các tin tức chính trị hiện hành. Hình ảnh của chính quyền Ukraine qua hệ thống tuyên truyền Nga đã biến hóa thành “bọn Bandera” (4) và “quốc xã” (hay phát-xít), còn nước Nga thì được thể hiện y như hồi 1941-1945.

Dải băng Georgi từ một biểu tượng tưởng nhớ biến thành biểu tượng đặc trưng trong cuộc xung đột hiện nay - nếu anh đeo băng này có nghĩa anh ủng hộ Crimea, Donbass ly khai khỏi Ukraine và là kẻ thù của bọn “Bandera”. Ngôn ngữ chống phát-xít được phương tiện truyền thông chính thức sử dụng đã biến cuộc khủng hoảng chính trị thành ngôn ngữ của chiến tranh hủy diệt.

Một câu chuyện đặc trưng của cuộc chiến này là clip trên kênh 1 về “một cậu bé bị đóng đinh câu rút<5> (5): trong chương trình thời sự chính của một kênh TV lớn của Nga chiếu cảnh đại loại tại thành phố Slavyansk do quân ly khai bỏ lại có một phụ nữ trông thấy quân lính Ukraine đã đóng đinh cậu bé sáu tuổi trên một tấm bảng thông tin vặt. Không hề có một xác thực nào cho thông tin này <6>. Hơn nữa người ta còn phát hiện ra bà này chưa hề đặt chân lên Slavyansk. Kênh 1 sau đó phải cải chính lại thông tin này <7>.

Cũng liên quan tới thành phố này là cả một chiến dịch sách nhiễu nhạc sĩ Nga Andrey Makarevich (6), người đã tới thăm Slavyansk sau khi thành phố được giải phóng và biểu diễn cho dân chúng địa phương cùng dân tỵ nạn tại một thị trấn gần đó. Trong diễn giải của truyền thông Kremlin thì khán giả biến thành “quân tiễu phạt”, còn buổi biểu diễn của nhạc sĩ thành “trò bẩn chống Nga”. Những người ủng hộ chính phủ nói về Makarevich như một kẻ thù của Nga và yêu cầu tước lại các giải thưởng nhà nước dành cho ông.

Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy sự đa dạng hóa công tác tuyên truyền của Nga phụ thuộc vào khán giả và các phương pháp truyền tải thông tin. Truyền hình là chủ đạo (Main Stream) tuyệt đối, và các hình ảnh do truyền hình đưa ra là chung nhất và trừu tượng, mà không cần biết thêm chi tiết. Các khán giả tin tức truyền hình là thụ động, và người ta cố gắng không nhồi nhét quá tải cho họ với các chi tiết không cần thiết.

Ví dụ, về một nhân vật nổi tiếng trong cư dân mạng, thủ lĩnh ly khai (sĩ quan Nga) ở Slaviansk Igor Girkin (biệt danh Igor Strelkov), các kênh TV Trung ương chỉ đưa những thông tin tối thiểu. Không hề có Girkin tham gia việc sát nhập Crimea và cả trong bộ phim “Crimea. Đường về Tổ quốc” (Крым. Путь на Родину) <8> mà Vladimir Putin lần đầu tiên được công nhận việc sử dụng quân đội Nga trên lãnh thổ bán đảo Crimea của Ukraine. Thế nhưng Girkin đã trở thành một người hùng trên các trang báo lá cải hay các đài phát thanh <9>.

Khán thính giả tìm cách thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ từ các phương tiện truyền thông bán chính thức. Đối tượng này không tin vào những câu chuyện vô căn cứ về “cậu bé bị đóng đinh” và đòi hỏi một cách tiếp cận đa dạng hơn. Do đó các phóng viên Semen Pegov của “LifeNews” và Dmitry Steshin và Alexander Kots của “Komsomolskaya Pravda” (Sự thực Komsonol) thông tin cho khán độc giả của họ những gì các kênh truyền hình Nga bưng bít.

Họ có thể nói với bạn một cách thẳng thắn về “Voentorg” <10> (hệ thống cửa hàng phân phối cho giới quân sự thời Liên Xô) đã cung cấp vũ khí cho ly khai và những xung đột trong giới chóp bu của các “nước cộng hòa nhân dân”, còn cảnh các phóng viên “LifeNews” quay thủ lĩnh của lực lượng ly khai với biệt danh Givi bắt các tù binh Ukraine ăn các phù hiệu đơn vị quân sự của họ <11>, sẽ là quá gây sốc đối với chương trình “Thời sự” (Время).

Có lẽ, trong các chương trình kênh liên bang lá cải và truyền thông online, chỉ “Вести недели” (Tuần Tin Tức) trên kênh “Russia-1” có thể cạnh tranh được về mức độ cởi mở. Được thành lập theo mô hình của Mỹ, chương trình này đóng một vai trò then chốt trong việc mở rộng ranh giới của sự cho phép trong truyền hình Nga. BTV Dmitry Kiselev được bổ nhiệm làm giám đốc của RIA “Novosti” vào thời gian đầu của cuộc xung đột Ukraine, trước đây đã tiến hành cuộc chiến riêng với Ukraine và công khai tuyên bố Nga sẵn sàng biến Hoa Kỳ thành “tro bụi phóng xạ” <11>.

Đồng nghiệp của Kiselev - Vladimir Solovyov dẫn một chương trình tương tự trên cùng một kênh, cũng đang cố gắng để đáp ứng mức độ “Вести недели” nhưng luôn bị hụt hơi so với Kiselev, đã được đưa vào danh sách trừng phạt của Phương Tây. Điều này cũng dễ hiểu: Solovyov có một ngôi nhà ở Ý <12>, và việc ông ta bị đưa vào danh sách trừng phạt rõ ràng không nằm trong kế hoạch của nhà báo này, ngay cả khi “bầu không khí hận thù” khét tiếng nở rộ cả trên các chương trình của ông ta trên “Russia-1” và cả trên đài “Mayak”.

Trên thực tế, toàn bộ các chương trình phát sóng truyền thông quốc gia Nga đều toát ra một bầu không khí đậm đặc của sự hận thù mà không cần cho vào bất cứ dấu ngoặc kép nào. Chừng nào mọi thứ kết thúc, nước Nga sẽ có một thời gian dài để phục hồi, loại bỏ các tiêu chuẩn đạo đức và hành vi tuyên truyền kiểu những năm 2014-2015.
Tổng thống Vladimir Putin trao tặng Huân chương Danh dự cho Vladimir Solovyov tại điện Kremlin - Ảnh: kremlin.ru
Tổng thống Vladimir Putin trao tặng Huân chương Danh dự cho Vladimir Solovyov tại điện Kremlin - Ảnh: kremlin.ru

Ghi chú:

(1) Lời đe dọa thanh trừng khủng bố Chechnya.

(2) “Ukr gian”, ám chỉ những người Ukraine hợp tác với Đức thời Đệ nhị Thế chiến.

(3) Dải băng sọc đen vàng từ thời Nữ hoàng Catherine Đệ nhị, phần thưởng cao quý cho lòng quả cảm, sự trung thành với Đế quốc Nga.

(4) Stepan Bandera (1909-1959) là nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc chủ nghĩa Ukraine thời Thế chiến thứ hai, về sau bị KGB giết hại.

(5) Cách mà Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tư giá.

(6) Thành viên ban nhạc “Машина времени” (Cỗ máy Thời gian) nổi tiếng từ thời Liên Xô. Ông là Nghệ sĩ Công huân Liên Xô năm 1991, Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga năm 1999.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sỹ Tuyên chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga - Còn tiếp