Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


XUÂN THA HƯƠNG

(NCTG) Tết đến, mọi người đều nghĩ đến sum họp gia đình. Có những người vì kế sinh nhai quanh năm phải xa nhà, mỗi độ xuân về cũng tìm cách trở về với mái ấm gia đình bên những người thân. Có qua cái tết tha hương mới thấy hết ý nghĩa thiêng liêng của gia đình.

"Xa quê mới thấy thèm, thấy nhớ hương vị quê nhà..."

Thấm thoát vậy mà đã 8 năm. Tám cái tết tôi xa quê hương, xa nhà, xa mẹ, xa gia đình. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến là tôi lại thấy lòng mình nôn nao, trống trải đến kỳ lạ. Khoảng thời gian này bao giờ cũng là lúc tôi khao khát được ở nhà nhất, được về bên mẹ và quây quần cùng gia đình nhất.

Tôi còn nhớ lúc tôi 5-6 tuổi. Nhà tôi hồi đó nghèo lắm. Những ngày thường nhiều lúc không có gì ăn. Mua được bìa đậu, lạng thịt cũng khó khăn, nên bao giờ bố mẹ tôi cũng nhường hết phần cho hai chị em. Rồi có cái quần bộ đội của bố rách lên, rách xuống, mẹ tôi cũng vá chằng vá đục để cho hai đứa chúng tôi mặc. Nghèo là vậy, nhưng Tết thì bao giờ cũng thịnh soạn lắm: có xôi, có thịt gà luộc thắp hương giao thừa, có nồi canh măng khô nấu chân giò, có giò chả, có bóng xào tim gan và có bánh chưng mẹ gói. Trẻ con mà, nên cứ có thức ăn ngon hơn ngày thường, có quần áo đẹp mặc là thích. Còn chưa kể đến chuyện được lì xì và mừng tuổi. Ngày đó tôi còn bé quá, nên chẳng bao giờ được bố mẹ cho thức đón Giao thừa, nhưng hễ cứ nghe tiếng pháo tí tách đì đùng là hai chị em tôi lại lóc ngóc dậy xem. Dạo ấy chẳng hiểu sao tôi hiếu động và nghịch ngợm như con trai vậy. Sáng mùng một năm nào cũng tinh mơ, mờ đất là tôi đã kéo chị tôi dây đi nhặt pháo xịt của nhà hàng xóm để mang xuống ngoại đốt cùng thằng nhỏ, em họ tôi. Hôm nào nhặt được một túi pháo là tôi khoái trá lắm, chỉ chờ bố mẹ mặc cho quần áo thật đẹp rồi cả nhà xuống ngoại ăn cơm tất niên và ra đường đốt pháo với hội trẻ con thôi. Tết thích nhất đối với mấy đứa trẻ con hiếu động như chúng tôi là được nghịch pháo mà: pháo tép, pháo đùng, pháo diêm, pháo tỏi, hay sang hơn một chút thì có pháo hoa.
Ngoại tôi đông con, nhiều cháu, nên bao giờ không khí của bữa cơm đầu năm cũng thật sum vầy và ấm cúng. Tôi và bọn trẻ khoái nhất là sau bữa cơm tất niên, cả lũ xếp hàng dài chờ ngoại, các bác, các dì mừng tuổi. Nếu có đi đâu ra đường thì cứ thấy khách của ngoại đến là đứa nọ lại bảo đứa kia về để được mừng tuổi.

Năm tôi 10 tuổi, vì hoàn cảnh kinh tế mà bố tôi phải xa nhà, xa mẹ con tôi. Tết đầu tiên vắng bố. Hồi đó tôi còn quá trẻ con để có thể hiêu được những gì mẹ tôi cảm nhận trong những ngày tết xa chồng, thiếu vắng một người đàn ông trong nhà. Những năm tháng sau đó, khi đã lớn và hiểu biết hơn một chút rồi, năm nào tôi cũng thức đón giao thừa cùng mẹ. Cái cảm giác được ngồi bên cạnh mẹ, bên cạnh nồi bánh chưng trong đêm giao thừa lành lạnh vẫn còn đọng lại trong tôi. Có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được những giây phút thiêng liêng đó.

Những gì mà bố tôi hay làm như cắt tiết gà, đốt pháo là những việc tôi có thể giúp mẹ thời gian đó. Lớn hơn một chút nên đối với tôi, pháo mang một hương vị gì đó đặc biệt lắm chứ không đơn thuần là một trò chơi trẻ con. Giao thừa, nhà nào cũng đốt một tràng pháo thật dài, nổ thật dòn để nghênh tiếp một năm mới sung túc hơn, hạnh phúc hơn. Buổi sáng mùng Một bước ra khỏi nhà, vấn vương mùi pháo nồng nàn, thấy năm mới đã vẫy chào ngay trước mắt...

Tôi còn nhớ có những năm mẹ đưa tôi đi chợ hoa vào đúng đêm giao thừa ở Hà Nội. Để „hái lộc” mà - mẹ tôi bảo thế. Đêm giao thừa mà đường phố Hà Nội đông nghìn nghịt. Ai cũng về nhà với một cành hoa mua hay một nhánh cây vừa bẻ trộm với hi vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe và thành đạt hơn năm ngoái.

Những năm tháng tôi chuẩn bị vào cấp Ba cũng là lúc chỉ thị cấm đốt pháo được ban hành. Tôi không còn cảm giác háo hức chờ đợi giao thừa như trước nữa. Chẳng còn tiếng tí tách của pháo Bình Đà, không khí đêm giao thừa ảm đạm hơn hẳn. Nhưng dù sao cái tết Hà Nội, có gia đình có bạn bè, có những người thân vẫn ấm cúng và hạnh phúc lắm.

Mười tám tuổi, lên đường đi du học. Tết đầu tiên xa nhà, xa mẹ, xa Hà Nội, tôi thấy buồn khủng khiếp. Tết mà lạnh cắt da, cắt thịt. Tết mà có tuyết rơi. Tết mà sáng sau hôm giao thừa tôi vẫn phải đi học, bố vẫn đi làm. Mọi chuyện vẫn diễn ra như những ngày bình thường khác. Tôi nhớ mẹ, nhớ bữa cơm tất niên cùng gia đình, nhớ cái lành lạnh và những cơn mưa xuân Hà Nội. Bố con tôi bên này cũng thắp hương cúng giao thừa, cũng có thịt gà luộc, cũng có bánh chưng, cũng có nồi canh măng mà sao tôi thấy cái gì cũng nhạt tuếch, chẳng có được cái hương vị như hương vị thịt gà mẹ tôi luộc, bánh chưng mẹ tôi làm, canh măng mẹ tôi nấu. Tôi tự an ủi mình có được những thứ ấy để mà ăn ở nơi đất khách quê người này cũng là hạnh phúc lắm rồi, tôi còn chờ đợi gì nữa chứ!

Giờ, chuẩn bị sang cái tết thứ tám xa nhà. Tôi không còn thấy buồn tê tái như mấy năm đầu nữa, nhưng vẫn ước ao được ngồi bên nồi bánh chưng cùng mẹ như thuở nào, vẫn ước ao được đi nhặt pháo đốt, vẫn ước ao được cảm nhận hương vị tết Việt Nam. Những cái hương vị đó có lẽ đã thấm vào tâm hồn của tất cả những ai được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên không ai có thể quên được. Có thể khi đang ở trong nước người ta chẳng để ý. Nhưng khi xa quê rồi mới thấy thèm, thấy nhớ nhưng tiếc thay, những hương vị đó lại không thể xuất và nhập khẩu được. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả nỗi lòng này qua hai câu thơ rất nổi tiếng "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn" là thế mà.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết lại đến rồi...

Tác giả bài viết: Khánh Dung, Budapest