VỤ ĐÁNH CẮP HÀNG CHỮ “ARBEIT MACHT FREI” GÂY CHẤN ĐỘNG DƯ LUẬN
- Thứ hai - 21/12/2009 04:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Chính quyền Ba Lan đã tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt biên giới sau khi dòng chữ khét tiếng “Arbeit macht frei” (Lao động giải phóng con người) trên cửa vào trại tập trung Auschwitz-Birkenau bị đánh cắp vào rạng sáng thứ Sáu tuần qua.
Cửa vào của Trại tử thần Auschwitz với hàng chữc khét tiếng dài 5m, nặng 40kg
Thông báo của phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ba Lan trong ngày thứ Bảy cho biết: việc kiểm tra hàng hóa và đồ dùng cá nhân của hành khách xuất cảnh Ba Lan trên các đoạn biên giới giữa nước này và Ukraine và Belorus – đây đồng thời cũng là biên giới của Liên hiệp Châu Âu - sẽ được thắt chặt. Đồng thời, tại các phi trường, sự kiểm tra cũng được nâng cao.
Khả năng là vụ đánh cắp hàng chữ (được làm bằng sắt) “Arbeit macht frei” diễn ra trong khoảng từ ba rưỡi đến năm giờ sáng thứ Sáu. Cảnh sát Ba Lan đã tập trung lực lượng để truy tìm thủ phạm. Trong ngày thứ Sáu, Ban lãnh đạo Bảo tàng Quốc gia Auschwitz-Birkenau đã tạm thời dùng một bản sao thay cho bản chính.
Chính phủ Đức lên án ở mức cương quyết nhất việc đánh cắp hàng chữ trên Trại tử thần Auschwitz. Trong tuyên bố vào tối thứ Sáu, Chính phủ Đức bày tỏ hy vọng sẽ bắt được thủ phạm trong thời gian ngắn. “Ý thức được trách nhiệm lịch sử của mình, nước Đức ủng hộ việc duy trì Auschwitz – như một đài tưởng niệm - một cách an toàn”, bản tuyên bố có đoạn. Mới đây, Đức vừa khẳng định sẽ ủng hộ Ba Lan một khoản tiền đáng kể để bảo dưỡng Auschwitz.
Ngẫu nhiên mà vụ đánh cắp lại xảy ra đúng vào lúc ngoại trưởng hai nước Ba Lan và Đức đang có cuộc đàm phán tại Berlin, với chủ đề là một số vấn đề liên quan tới việc hòa giải giữa hai quốc gia. Trong cuộc họp báo tại thủ đô nước Đức, ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng thủ phạm là những tên tội phạm tầm thường, còn ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle coi đây là một “hành động nhục nhã”.
Trong tuyên bố ra tại Berlin, Ủy ban Auschwitz Quốc tế bày tỏ hy vọng từ nay đến 27-1-2010 (ngày kỷ niệm Trại tử thần được giải phóng), những biện pháp an ninh sẽ được củng cố ở mức cần thiết. Ủy ban cho rằng bằng mọi giá, phải tìm lại được hàng chữ khét tiếng nói trên, bởi “Arbeit macht frei” “tự nó nói lên tất cả”, đặc biệt là khi ngày càng có ít nhân chứng có thể kể lại về những gì diễn ra tại “địa ngục trần gian” Auschwitz.
Trại tử thần Auschwitz của thể chế Hitler một thời là biểu tượng quan trọng nhất của sự diệt chủng có tổ chức sắc dân Do Thái ở Châu Âu. Nằm giữa hai thành phố Cracow và Katowice, có diện tích 200 hec-ta, trại là nơi phát-xít Đức “thử nghiệm” phương án hủy diệt sắc dân Do Thái và những kẻ bị coi là thù địch: chừng 1,1 triệu người đã thiệt mạng ở đây.
“Arbeit macht frei” tại trại tập trung Dachau
Hàng chữ “Arbeit macht frei” được “nhái” từ tựa đề một tác phẩm ấn hành năm 1873 của nhà văn Lorenz Diefenbach. Nhân vật chính của sách - một tay lừa đảo mê các trò chơi may rủi – đã “hoàn lương” nhờ lao động. Thời quốc xã, “khẩu hiệu” này đã được sử dụng tại cửa vào các trại tập trung và cưỡng bức lao động của phát-xít Đức, như tại Dachau, Rosen hay Sachsenhausen. (Hàng chữ tại trại Auschwitz do các tù nhân Ba Lan làm năm 1940.)
Theo những thông tin mới nhất, sau hai ngày, cảnh sát đã tìm thấy hàng chữ (bị cắt làm ba phần, theo ba từ) tại miền Bắc Ba Lan: năm người đàn ông ở độ tuổi 25-39 đang bị giam giữ trên tư cách nghi can của vụ trộm và được chuyển tới Cracow để hỏi cung.