Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỤ ÁM SÁT ĐẠI SỨ NGA Ở THỔ LÀ “TẤT YẾU”?

(NCTG) Tang lễ vị đại sứ Nga bị bắn chết ở Ankara đã được tổ chức tại Nhà thờ Đấng Cứu thế (Moscow), trong khi một ký giả Mỹ cho rằng đó là hậu quả tất yếu của đường lối ngoại giao của Putin.
Ảnh: Yavuz Alatan (AFP)
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cũng hoãn cuộc họp báo quốc tế cuối năm một ngày để tham dự tang lễ. Ông Andrei Karlov (62 tuổi) là một nhà ngoại giao lão thành, từng làm việc tại Bắc Hàn trong vòng mười năm ở Bắc Hàn, nói thạo tiếng Hàn và những nghiên cứu của ông cũng gắn liền với khu vực này.

Karlov giữ cương vị Đại sứ Liên bang Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ba năm nay, đúng vào thời gian rất nhạy cảm, khi mối quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược vốn tốt đẹp giữa hai nước có nhiều thăng trầm vì cuộc chiến Syria, và trở nên thù địch trong năm ngoái, để rồi được bình thường hóa trở lại vào hè năm nay.

Đã có nhiều phỏng đoán về nguyên nhân của vụ ám sát, kể cả giả thuyết mà các bình luận viên Nga nêu ra, rằng đây là “tác phẩm” của Hoa Kỳ, và cũng không thể loại trừ khả năng đơn giản nhất: kẻ ám sát đơn độc. Tuy nhiên, truyền thông Nga thì để tâm nhất tới bài viết của một ký giả của “New York Daily News”.
 
Bà quả phụ cố đại sứ Nga, và thân mẫu ông trong tang lễ của nhà ngoại giao tại Nhà thờ Đấng Cứu thế (Moscow) - Ảnh: Mikhail Japaridze
Bà quả phụ cố đại sứ Nga, và thân mẫu ông trong tang lễ của nhà ngoại giao tại Nhà thờ Đấng Cứu thế (Moscow) - Ảnh: Mikhail Japaridze

Ngay sau khi án mạng xảy ra, nhà báo Gersh Kuntzman cho rằng nếu biết đến đường lối của Liên bang Nga trorng vấn đề Syria, thì có thể cảm thấy lạ là tại sao trước đây lại chưa có những vụ ám sát như vậy. Bởi lẽ, theo ông, trên cương vị đại diện cho nền độc tài Putin, đại sứ Karlov đương nhiên phải là một mục tiêu.

Nhà báo này so sánh vụ ám sát này với việc nhà ngoại giao của nước Đức phát-xít, Ernst von Rath bị một thanh niên Ba Lan gốc Do Thái bắn chết ở Paris - sự kiện này dẫn đến làn sóng bạo động chống Do Thái trên toàn nước Đức và Áo với tên gọi “Đêm thủy tinh vỡ” (Kristallnacht) - và gọi điều xảy ra là “khoảnh khắc công lý”.

Trong một bài báo sau đó, Gersh Kuntzman khước từ việc xin lỗi vì quan điểm trên. Theo ông, trước tiên, Tổng thống Nga Putin phải nói lời xin lỗi vì đã nã đại bác vào Ukraine, cướp bóc Crimea, sát hại thường dân ở Syria, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cho đầu độc Aleksandr Litvinenko tại London.

Gersh Kuntzman còn đặt nghi vấn có thể cũng chính Vladimir Putin đã ra chỉ thị bắn chiếc máy bay của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński năm 2010, gây nên một Katyń thứ hai cho dân tộc Ba Lan. Những lập luận này của nhà báo Mỹ khiến Phát ngôn viên của Tổng thống Putin phải thốt lên “đúng là khùng...”.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo index.hu