Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIẾT NGẮN NHÂN NGÀY CỦA CHA

(NCTG) Cha tôi luôn muốn con mình vào Đảng, ông thường bảo: “Vào Đảng mày mới nên người được con ạ”. Nhưng đó là câu chuyện của hơn chục năm về trước, bên mâm cơm tối và khi tôi còn đang là một cậu học sinh trung học - lúc đó Đảng đối với tôi là một cái gì đó xa lạ, không gần gũi bằng Đô-rê-môn, Cô-nan, Tứ quái...


Năm cuối THPT, sự định hướng nghề nghiệp của ông cho thằng con trai độc nhất của mình vỏn vẹn bằng câu nói: “Con thi vào trường quân đội hay an ninh cho bố” mà quên mất rằng khi đó tôi chỉ nặng có 42kg với chiều cao quá khiêm tốn: 1m55.

Với ông, Đảng, quân đội, công an là thứ gì đó cao quý, thiêng liêng lắm. Tôi không trách ông, thời ông là vậy - một thời sống và chết cho lý tưởng, vì lý tưởng. Cũng có thế ở thời ông, mọi thứ còn “đẹp”, chưa... như bây giờ?

Hồi tôi còn ở nhà, thi thoảng ông thường đem chiếc ba-lô với chiếc bình bi-đông nhôm đựng nước ra sân giếng cọ rửa, sau đó phơi khô rồi lại đem cất vào tủ. Chiếc ba-lô màu xanh giờ đã bạc phếch, chiếc bình bi-đông vốn sơn vỏ bên ngoài màu đen giờ cũng đã lỗ chổ từng mảng.

Có lần, có người lạ vào nhà tôi hỏi mua lại chiếc mũ cối và chiếc dây thắt lưng cũ của cha tôi nhưng ông không bán. Ông bảo: “Dây thắt lưng đó là của Liên Xô, mũ cối của Trung Quốc, bền lắm. Vật kỷ niệm, không bán được”. Lớn lên một chút nữa tôi mới dần hiểu được giá trị những vật trên quan trọng với cha tôi như thế nào. Và cả câu chuyện vì sao ông luôn mong muốn tôi vào Đảng.

Ông bà tôi sinh được bảy người con, trong đó có bốn người con trai thì cả bốn đều đi lính. Ông nội tôi cũng là lính Điện Biên 1954. Bác tôi, cha tôi rồi đến hai chú tôi sau này đều nhập ngũ, dù khi đó có người đã có giấy báo nhập học trước cả giấy gọi đi lính. “Thời chiến, thanh niên ở đâu cũng thế, đến tuổi thì phải ra trận thôi”, bà nội tôi thường nói thế, kèm tiếng thở dài.

Lăn lộn khắp các chiến trường rồi cả bốn cũng đều giải ngũ. Sau giải phóng miền Nam, bác tôi ở lại công tác trong quân đội một thời gian nhưng rồi cũng về quê với một tâm trạng chán chường, bất mãn.

Cả nhà tôi không ai là Đảng viên. Bà nội tôi kể: Khi người từ ngoài mặt trận về địa phương xác minh lý lịch để làm hồ sơ kết nạp Đảng cho ông nội tôi (sau đó là bốn người con của ông) thì tất thảy đều lắc đầu với dòng chữ cán bộ địa phương phê vào bản lý lịch: gia đình thuộc thành phần địa chủ. Địa chủ thì không được đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù đóng góp khá nhiều cho kháng chiến. Điều đó đã quá rõ ràng, quy định trong điều lệ Đảng.

Trước Cách mạng tháng Tám, cụ nội tôi là địa chủ. Hoằng Hóa là một huyện rộng lớn, cùng với Thiệu Hóa, Đông Sơn, đây được xem là ba huyện có số lượng địa chủ lớn nhất ở Xứ Thanh, là “cái gai” mà cách mạng cần loại bỏ. Song công cuộc “diệt địa chủ phong kiến” không tiếc tay theo phương châm “trên là trời, dưới là đội cải cách” của chính quyền (lần 1, sau năm 1945) cũng đã giết oan nhiều người từng là đồng chí, từng có công với cách mạng.

Cụ nội tôi là một ví dụ. Công nuôi giấu cán bộ cách mạng, cung cấp gạo để nuôi du kích - lực lượng tiền khởi nghĩa, và dù cho sau khi Nhật đảo chính Pháp, toàn bộ ruộng đất của cụ nội tôi bị Nhật cướp để trồng đay, gia đình cụ nội tôi thành tay trắng, phải làm tá điền cho địa chủ thân Nhật để kiếm cơm qua ngày thì cũng vẫn không cứu được cụ nội tôi thoát khỏi họng súng của đội cải cách. Gia đình tan nát, ly hương mỗi người một phương, người còn, người mất.

Gần hai chục năm sau, dù thành phần gia đình có được xem xét lại và chính quyền địa phương có xin lỗi thì việc... cũng đã rồi. Bi kịch của dấu ấn “thành phần gia đình” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của ông nội tôi và cả cha tôi sau này. Câu chuyện xét lý lịch để kết nạp Đảng viên về sau đã như một mũi dao nhọn tiếp tục chọc vào vết thương cũ, khiến nó không thể lành miệng.

Tôi hiểu, với cha tôi, mong muốn tôi “phấn đấu vào Đảng” (lời của ông) không chỉ là chuyện... vào Đảng. Ông muốn xóa đi cái mặc cảm gia đình trong tiềm thức. Để hàn gắn nỗi đau từ bi kịch lịch sử và của ý thức hệ là điều vô cùng khó khăn. Tôi cũng không rõ là công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh sau Giải phóng 1975 mà Đảng và Nhà nước đang cố làm hiện nay đạt hiệu quả được bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn rằng đó không chỉ là câu chuyện của hôm nay mà còn của mai sau nữa, vài thế hệ nữa, khi mà thời gian sẽ bào mòn lòng thù hận, sự mặc cảm và cả những khổ đau một cách từ từ...

Lâu rồi, tôi không còn thấy cha tôi nhắc đến chuyện tôi phải “cố gắng phấn đấu” vào Đảng. Giờ mỗi lần về quê, trong bữa cơm, thường ông chỉ hỏi: “Về có một mình thôi à?”. Tôi đáp: “Vâng. Thế theo bố thì còn phải kèm theo mấy mình nữa?”. Sau chén rượu (bố tôi nghiện rượu đã mấy chục năm nay, kể từ khi ông xuất ngũ), ông lại khề khà: “Cũng nên thu xếp chuyện gia đình đi...”.

Và, cũng thường những lúc như thế, tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Không biết có phải giờ đây, với ông, chuyện tôi vào Đảng hay không vào Đảng đã không còn quan trọng? Và cái mặc cảm gia đình trong ông đã được thời gian xóa nhòa, không còn dấu vết? Tôi cũng không biết nữa. Những lúc như thế, tôi càng thấy thương ông nhiều hơn.

Tác giả bài viết: Mã Thần Ninh, từ Hà Nội