VIỆT NAM BÃI BỎ QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH
- Thứ năm - 08/03/2007 01:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
QCHC là gì?
Báo chí Việt Nam trích đăng lời bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, cho biết QCHC “là một biện pháp hành chính mang tính lịch sử“, được áp dụng “ngay từ những năm đầu lập nước“. Sau đó, năm 1995, khi ban hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, QCHC được quy định đối với những người “có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự“.
Bộ trưởng Uông Chu Lưu trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới - Ảnh: “VietNamNet”
QCHC được cụ thể hóa tại Nghị định 31/CP ngày 14-4-1997 của Chính phủ, với nội dung cho phép chính quyền cấp tỉnh có quyền QCHC bất cứ công dân nào trong thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm mà không cần xét xử, mỗi khi chính quyền cho rằng đương sự có “hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia” (điều 1 và điều 2). Cần nói thêm rằng Nghị định 31/CP đưọc đưa ra để này thay thế một sắc lệnh tương tự, cho phép chính quyền giam giữ (mà không xét xử) trong thời gian 3 năm (có thể gia hạn liên tiếp).
Theo con số của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 1997 đến nay, có 197 “đối tượng” bị đưa vào diện QCHC. Thực chất, đa phần, những “đối tượng” đó đều thuộc giới bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, có lẽ không phải ai trong số những nhân vật bị QCHC đều có quan điểm “cấp tiến” (theo cách nhìn và mức độ của từng thời) hơn nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, là người đích thân ký Nghị định 31/CP ấy!
Bộ trưởng Uông Chu Lưu, trong phát biểu của mình, cũng phải thừa nhận Chính phủ thấy rằng, việc áp dụng QCHC - thực chất là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định bằng một quyết định hành chính - “đã và đang đặt ra vấn đề có tính pháp lý cần được xem xét lại“. Bởi lẽ, theo ông Lưu, “theo thông lệ quốc tế, việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân phải được thực hiện bằng một quyết định tư pháp theo trình tự, thủ tục tư pháp để cho công dân có điều kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thông qua tranh tụng tại tòa” (điều mà QCHC không có và không thể đảm bảo). Đó là chưa nói đến chuyện, “thực tế áp dụng biện pháp quản chế hành chính thời gian qua cũng có nhiều bất cập”, nên việc bãi bỏ biện pháp này là cần thiết!
*
Để đi đến một quyết định tưởng chừng rất đơn giản như bãi bỏ một Nghị định vi hiến so với Hiến pháp Việt Nam hiện tại, Việt Nam đã vượt qua một chặng dài trên con đường gập ghề, khúc khuỷu và đầy chông gai của cải cách tư pháp.
Tuần đầu tháng Chín năm ngoái, khi lần đầu tiên tuyên bố về quan điểm của Chính phủ Việt Nam về việc hủy bỏ QCHC, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải diễn đạt hết sức dài dòng: ông cho rằng đây là điều cần thiết “trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp…“, chứ không phải vì nó… bất hợp hiến! Cuối tháng 10-2006, khi tin Việt Nam sẽ bãi bỏ QCHC được một nhân vật Hoa Kỳ “rò tỉ” trong bài phỏng vấn do hãng AFP thực hiện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, dù gián tiếp xác nhận, nhưng vẫn phải nói thêm vài lời về… “tính nhân đạo” của Nghị định 31/CP vì nó “ngăn ngừa các hành vi, không để tiến triển đến mức độ phạm tội“!
Mới “chỉ có” chưa đầy nửa năm trôi qua từ ngày đó, mà QCHC đã được xóa bỏ!
Có điều, sẽ “đẹp” biết mấy, nếu QCHC được quyết định hủy bỏ vì lý do vi hiến (và phi dân chủ), chứ không phải bởi những nguyên cớ mà bộ trưởng Uông Chu Lưu từng đưa ra, như “QCHC trong tình hình hiện nay không có lợi“, đối tượng bị QCHC “thường là có trình độ, địa phương rất khó cảm hóa, giáo dục“, “chính quyền cơ sở thường lúng túng, bị động khi xử lý các tình huống cụ thể, dẫn đến có lúc, có nơi, công tác quản lý bị buông lỏng, không có hiệu quả, tạo tâm lý người bị quản chế coi thường chính quyền. […] Hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng cũng hạn chế. Các đối tượng bị quản chế nhiều lần vẫn không ăn năn, hối cải, thậm chí còn phản ứng, chống đối quyết liệt hơn“.
Đã đến lúc, Việt Nam rất cần có một quan niệm nghiêm túc về luật pháp, về một nhà nước pháp quyền, nơi công dân không thể bị hạn chế quyền tự do bằng thủ tục hành chính, mà không có quyền công khai bảo vệ quyền lợi của mình qua các thủ tục tranh tụng dân chủ và công bằng!