Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VACCINE TẦU CHƯA HỀ ĐƯỢC TIÊM CHỦNG CHO NGƯỜI GIÀ

(NCTG) Ở Trung Quốc, loại vaccine của tập đoàn Sinopharm trước mắt chỉ được tiêm cho người dưới 60 tuổi, trong khi theo một phát biểu, Thủ tướng Orbán Viktor nói rằng chính quyền Hungary muốn nhập về và có thể tiêm chủng cho người cao tuổi, có bệnh nền!
Vaccine của Sinopharm đang là mối quan tâm của công luận Hungary - Ảnh: Reuters
Như đã biết, trong cuộc phỏng vấn ngày thứ Sáu 15-1 với Kênh Kossuth Rádió, Thủ tướng Orbán Viktor phát biểu rằng theo lộ trình tiêm chủng của Hungary thì những người trên 60 tuổi và có bệnh nền sẽ được ưu tiên tiêm ngay trong đợt tới. “Chúng ta sẽ có đủ số lượng vaccine này từ Trung Quốc, chúng ta sẽ cứu được, hoặc ít nhất giảm nguy cơ cho họ”, ông nói.

Số lượng những đối tượng trên, theo ước tính của thủ tướng là khoảng 1,7 triệu. Ông còn nói nếu có đủ vaccine thì chỉ trong một cuối tuần, nước Hung sẽ có thể tiêm hết cho tất cả những ai đã đăng ký. Căn cứ các tính toán, ông Orbán Viktor cho rằng nếu Hungary chấp nhận vaccine của Trung Quốc thì chính phủ có khả năng sẽ gỡ bỏ các hạn chế trước khi mùa hè tới. 

Tuy nhiên, điều lý thú ở đây là chính nhà sản xuất cũng còn chưa biết chắc chắn rằng vaccine của họ có an toàn và hiệu quả cho người 60 tuổi trở lên hay không? Mạng 444.hu điểm lại một số thông tin quan trọng từ báo chí và Tân Hoa Xã của Trung Quốc liên quan tới vaccine của hãng Sinopharm mà Hungary sẽ nhập sau khi các cơ quan y tế có thẩm quyền cấp phép.

Theo tin mới nhất thì loại vaccine này sẽ có hiệu quả trong vòng ít nhất 6 tháng, nhưng cũng có thể lên tới 8 tháng hoặc hơn nữa, theo lời Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Công nghệ sinh học Trung Quốc (CNBG) thuộc Tập đoàn Sinopharm - ông Dương Hiểu Minh với Tân Hoa Xã. Tuy nhiên không cho rõ là ông Dương nói về loại nào trong hai loại vaccine của hãng.
 
Lãnh đạo Dubai, ông Mohammed bin Rashid al-Maktoum tiêm vaccine của Sinopharm trong khuôn khổ thử nghiệm tại UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) - Ảnh: AFP
Lãnh đạo Dubai, ông Mohammed bin Rashid al-Maktoum tiêm vaccine của Sinopharm trong khuôn khổ thử nghiệm tại UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) - Ảnh: AFP

Cả hai loại đều đang ở giai đoạn thử nhiệm thứ ba nhưng đã được đưa vào sử dụng ở Trung Quốc và một số nước khác, do yêu cầu bức thiết vì dịch bệnh. Ông Dương nói rằng vẫn chưa thu thập đủ số liệu để khẳng định vaccine có hiệu quả chống virus trong 8 tháng, nhưng người được tiêm thử nghiệm đầu tiên tháng 4-2020 đến nay vẫn có kháng thể chống Covid-19.

Hãng Reuters cho biết, theo kết quả nghiên cứu mới nhất, vaccine của Sinopharm (cũng không nói rõ loại nào) không có tác dụng phụ có hại cho người lứa tuổi 3-17 tuổi. Ông Dương cũng khẳng định điều này với “South China Morning Post”, nhưng đồng thời nói rằng cần nghiên cứu kỹ hơn nữa để có thể chắc chắn về các tác dụng phụ đối với người từ 60 tuổi trở lên. 

Tất nhiên ở Trung Quốc - cũng như một số quốc gia khác như Indonesia - thì việc này không gây ra vấn đề gì vì khác với Châu Âu và Mỹ, lứa tuổi được chọn để ưu tiên tiêm trước là người ở độ tuổi 18-59 tuổi, tức là ở lứa tuổi lao động, sau đó mới đến người cao tuổi. Loại vaccine của tập đoàn Sinopharm, như vậy, chưa hề được tiêm cho người già ở chính Trung Quốc!

Giám đốc Dương ước tính rằng trong năm 2021, CNBG (công ty con chuyên sản xuất vaccine của Sinopharm) có năng lực để sản xuất khoảng một tỷ liều vắc xin, chủ yếu để xuất khẩu ra nước ngoài. Theo phát biểu của chính giới Hungary, rất có khả năng là nước này sẽ “xé rào”, bỏ qua cảnh báo của Liên Âu, để tự nhập vaccine Trung Quốc mà không qua cấp phép của EU.

Tác giả bài viết: Kovács Károly