UKRAINE: CHIẾN SỰ ÁC LIỆT, LỆNH TRỪNG PHẠT ĐƯỢC THẮT CHẶT
- Thứ hai - 28/07/2014 23:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Ít nhất ba dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài qua đêm ở miền Đông Ukraine và quân đội chính phủ đã có những bước tiến ép phiến quân ly khai thu hẹp diện tích chiếm đóng.
Lực lượng ly khai có vũ trang thân Nga đứng gác tại vùng ngoại ô của Shakhtarsk, khu vực Donetsk (ngày 28-7-2014)
Tại hiện trường nơi chiếc MH17 bị rơi, cuộc giao tranh diễn ra dữ dội, theo thông tin từ các quan chức. Các nhà lãnh đạo Phương Tây nói chắc chắn máy bay của Hãng hàng không Malaysia rơi là bởi phiến quân ly hai bắn nhầm bằng tên lửa đất-đối-không do Nga cung cấp.
Kiev hôm qua cho biết quân đội chính phủ đã tái chiếm Savur Mogila, điểm cao chiến lược cách nơi MH17 bị bắn rơi khoảng 30km. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu viết trên mạng xã hội Twitter rằng họ có chuyến đi đến hiện trường cùng các chuyên gia của Úc và Hà Lan nhưng buộc phải quay trở lại thủ phủ tỉnh Donetsk vì “lý do an ninh”.
Cuộc chiến buộc các chuyên gia quốc tế từ bỏ kế hoạch làm việc tại hiện trường MH17 vào ngày hôm nay, theo lời lãnh đạo phiến quân Vladimir Antyufeyev. Ông này nói với các phóng viên ở TP Donetsk rằng “các chiến binh phiến quân ly khai hộ tống các chuyên gia quốc tế đến hiện trường đã gặp phải giao tranh nên buộc quay trở lại”.
Quân đội đã tái chiếm hai thị trấn do quân ly khai kiểm soát gần địa điểm vụ tai nạn và đang cố gắng để lấy lại làng Snezhnoye gần nơi mà Kiev và Washington nói rằng các phiến quân dùng tên lửa đất-đối-không bắn rơi máy bay làm thiệt mạng 298 người, theo các quan chức Ukraine.
Lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ cho biết 23 người của họ đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến 24 giờ qua. Về phía ly khai cũng bị thiệt mạng 30, theo người chỉ huy phiến quân. Còn nguồn tin từ một quan chức Ukraine thì cho hay phân tích từ các hộp đen cho biết máy bay bị rơi do bị dính mảnh từ quả tên lửa nổ bên cạnh.
Andriy Lysenko cho biết quân đội chính phủ đã cố gắng giành quyền kiểm soát hiện trường MH17 bị rơi nhưng không tiến hành các hoạt động quân sự tại những vùng lân cận. Quân đội Ukraine đã hiện diện tại Torez và Shakhtarsk, trong khi các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục tại Snezhnoye và Pervomaisk, các thị trấn nông thôn mà mảnh vỡ của chiếc máy bay bị bắn rơi vẫn rải đầy những cánh đồng lúa mì và hạt hướng dương.
Quân đội chính phủ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công tại Gorlovka (phía Bắc tỉnh Donetsk), thành trì của phiến quân ly khai. “Quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc tấn công giành thế chủ động vào khu vực dưới sự kiểm soát tạm thời của lính đánh thuê người Nga” - Lysenko nói trong một cuộc họp báo ở Kiev.
Tại Donetsk, hỏa lực pháo binh đã làm hư hỏng khu dân cư, nhà ở, đường dây điện và đường ống dẫn khí. Phần lớn thành phố có gần một triệu cư dân này trở thành “thị trấn ma” kể từ khi phiến quân củng cố quân sự nhằm chiến đấu với quân đội chính phủ. Còn ở Luhansk, một thành trì khác của phiến quân ly khai, 93 thường dân đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến vào những ngày cuối tháng 7.
Vụ bắn rơi máy bay của Malaysia đã dẫn đến những lời kêu gọi hành động cứng rắn của Liên hiệp Châu Âu đối với Nga. Trước đó EU đã áp đặt trừng phạt nhưng chỉ ở một mức nhẹ với số lượng nhỏ các cá nhân và doanh nghiệp của Liên bang Nga.
Các nước thành viên EU dự kiến sẽ cố gắng đạt được sự đồng thuận cuối cùng vào ngày mai về các biện pháp trừng phạt cứng rắn và mạnh mẽ hơn nhằm vào thị trường tài chính và các ngân hàng của Nga, kèm theo lệnh hạn chế hợp tác công nghệ cao, năng lượng và những công nghệ phục vụ trong quốc phòng.
Đức vốn miễn cưỡng đồng ý về biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn vì họ có các hợp đồng và hợp tác thương mại với Nga nhưng sau vụ máy bay rơi, Berlin đã mạnh mẽ tuyên bố các biện pháp đó là cần thiết và ngay lập tức phải được áp dụng. Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý và Hoa Kỳ đồng ý vào thứ Hai rằng họ sẽ có thêm các biện pháp chống lại Nga.
Tuy nhiên, Moscow thì tỏ ra coi thường sự trừng phạt của Phương Tây. “Chúng ta không thể xem nhẹ lệnh trừng phạt. Nhưng để rơi vào trạng thái bị kích động và phản ứng với lệnh trừng phạt bằng một đòn cấm vận ngược lại không xứng đáng với một nước lớn”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu.
Washington cho biết Moscow đã tăng cường hỗ trợ cho phiến quân ly khai kể từ khi máy bay bị bắn rơi, trong đó có việc gửi vũ khí hạng nặng và bắn qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine. Ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga nghi ngờ về hình ảnh do Washington cung cấp về việc quân đội Nga đã bắn vào các vị trí quân sự của quân đội Ukraine.