Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


UKRAINE CHỈ CHẤP NHẬN LÀ THÀNH VIÊN ĐẦY ĐỦ CỦA NATO

(NCTG) Ukraine không phù hợp với bất kỳ hình thức thành viên NATO thay thế nào, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Ba 3/12/2024 trong ngày đầu tiên của cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên khối NATO.
Giác thư Budapest đã bị bội phản trắng trợn khi Moscow chiếm đóng Crimea năm 2014 và 10 năm sau, khi Putin cho tấn công Ukraine vào tháng 2/2024
Trong dịp này, chính phủ Ukraine đã công bố quan điểm của mình: "Chúng tôi tin rằng tư cách thành viên chính thức của Ukraine trong NATO là sự đảm bảo thực sự duy nhất cho an ninh của đất nước và là biện pháp ngăn chặn sự xâm lược tiếp theo của Nga đối với Ukraine và các quốc gia khác". "Với kinh nghiệm cay đắng sau lưng của Giác thư (bản ghi nhớ) Budapest (Budapest Memorandum on Security Assurances), chúng tôi sẽ không chấp nhận sau lưng mình bất kỳ sự thay thế nào cho việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO" - thông báo viết.

Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi "Mỹ và Anh, những nước đã ký Giác thư Budapest; Pháp và Trung Quốc, những nước đã tham gia Giác thư; cũng như các quốc gia là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân" hãy ủng hộ về mặt chính trị lời mời Ukraine gia nhập NATO ngay bây giờ. Theo họ, đây sẽ là "biện pháp đối phó hiệu quả trước hành động tống tiền của Nga". Theo quan điểm của Bộ, không chỉ là chuyện an ninh của Ukraine và Châu Âu, cuộc tấn công Ukraine của đã "làm suy yếu niềm tin vào ý tưởng giải trừ vũ khí hạt nhân" trên toàn thế giới.
 
Tổng thống Hoa Kỳ Clinton, Tổng thống Nga Yeltsin và Tổng thống Ukraine Kravchuk sau khi ký Tuyên bố ba bên tại Moscow vào ngày 14/1/1994 - Ảnh tư liệu
Tổng thống Hoa Kỳ Clinton, Tổng thống Nga Yeltsin và Tổng thống Ukraine Kravchuk sau khi ký Tuyên bố ba bên tại Moscow vào ngày 14/1/1994 - Ảnh tư liệu

Thông báo của Bộ Ngoại giao được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 30 năm ký Giác thư Budapest (5/12/1994 - 5/12/2024). Như đã biết, năm 1994, Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, điều mà Anh, Mỹ và Nga, với tư cách là các bên ký kết, đã đảm bảo trong bản ghi nhớ được hình thành ở Budapest, thủ đô Hungary. Bộ gọi Giác thư Budapest là "sự thiển cận trong các quyết định an ninh chiến lược", và nói thêm rằng "sự phát triển của cấu ​​trúc an ninh Châu Âu sẽ thất bại do phải trả giá và bỏ bê lợi ích của Ukraine".

Cho đến thời điểm ký Giác thư, Ukraine có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới mà nước này có quyền kiểm soát thực tế, nhưng không hoạt động. "Giác thư đáng lẽ phải là một bước quan trọng trong việc tăng cường giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu và lẽ ra phải làm gương cho các quốc gia khác từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nó không thể ngăn chặn sự xâm lược Ukraine của Liên bang Nga với tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, tức là một cuộc tấn công vào một quốc gia đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của riêng mình" - Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.
 
Trung tâm Hội nghị Budapest, nơi vào ngày 5/12/1994, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia đã tập trung để ký ba văn kiện của Giác thư Budapest - Ảnh tư liệu
Trung tâm Hội nghị Budapest, nơi vào ngày 5/12/1994, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia đã tập trung để ký ba văn kiện của Giác thư Budapest - Ảnh tư liệu

Theo Thủ tướng Orbán Viktor - người phản đối mạnh mẽ việc Ukraine gia nhập NATO và có quan điểm cần đình chiến tại Ukraine càng sớm càng tốt, mọi thứ khác "hạ hồi phân giải" - quốc gia này nên tồn tại như một "vùng đệm", vì Liên bang Nga sẽ không bao giờ chấp nhận Ukraine là thành viên EU hoặc NATO, và sẽ tiêu diệt đất nước này. Liên quan tới vấn đề này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mới đây bày rỏ rằng Hungary không cần phải bỏ phiếu thuận để Ukraine trở thành thành viên NATO, chỉ cần nước này không dùng quyền phủ quyết là đủ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh