Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tổng tuyển cử tại Bulgaria: BẾ TẮC CHÍNH TRỊ VẪN TIẾP DIỄN

Theo những kết quả sơ bộ ban đầu, đảng trung hữu mang tên Công dân Bulgaria vì sự phát triển Châu Âu (GERB) đã giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra vào Chủ nhật 12-5 vừa qua.

Cựu thủ tướng Boyko Borisov có thể thành lập nội các Bulgaria trong tương lai - Ảnh: en.rian.ru


Như vậy, ông Boyko Borisov, cựu thủ tướng xuất thân từ một vệ sĩ - người vừa từ chức cách đây 3 tháng trước sức ép của những cuộc đại biểu tình phản đối tình trạng kinh tế thắt lưng buộc bụng tại Bulgaria - nay lại có khả năng lên nắm quyền chính tại nước này.

Tuy nhiên, cho dù giành được nhiều phiếu nhất, xét về tổng thể, cánh hữu Bulgaria chỉ đạt được lợi thế tối thiểu trước cánh tả, và có thể thấy rằng những cuộc đàm phán để tìm kiếm đối tác liên minh khi thành lập nội các sẽ hết sức khó khăn và gây cấn, nhất là trong cảnh cư dân quay lưng với chính trị và hoàn toàn không tin tưởng vào chính giới tại quốc gia nghèo nhất EU này.

Chiến thắng được toan tính trước

Ngay từ khi từ nhiệm vào hôm 20-2 vừa qua, ông Boyko Borisov đã tính đến khả năng tái hồi chính trường trên cương vị người đứng đầu nội các, như các bình luận viên dạo đó nhận định. Bởi lẽ, tình hình chính trị đặc thù ở Bulgaria từ nhiều năm nay cho thấy, khoảng cách giữa các chính đảng cánh tả và cánh hữu và rất sít sao, không có đảng nào có lợi thế nổi bật và bao giờ họ cũng phải tìm kiếm liên minh với nhau để lập chính phủ.

Ông Boyko Borisov có lẽ đã đi một nước cờ cao tay khi đảng của ông quyết định không tham gia trong thời kỳ chuyển tiếp và mọi khó khăn, mọi vấn đề nan giải của Bulgaria đã bị đổ hết cho Chính phủ Lâm thời. Uy tín của Borisov và đảng ông chưa quá bị sói mòn sau việc họ từ nhiệm, hơn nữa, ngay từ khi tuyên bố quyết định ra đi một cách ngoạn mục, Borisov còn đưa ra những phát biểu nhằm tranh phiếu rất sớm, khi ông khẳng định sẽ đề xuất tăng lương và lương hưu cho người dân tới 50% nếu vẫn giữ ngôi vị thủ tướng.

Những toan tính của vị cựu thủ tướng có lẽ đã trở thành hiện thực. Mặc dù cần phải chờ đợi để biết kết quả chung cuộc, song mọi điều tra đều cho thấy lợi thế của GERB. Chẳng hạn, theo một thăm dò dư luận trên cơ sở ý kiến những cử tri vừa đi bỏ phiếu, trong số 36 đảng phái cử ứng viên tranh cử, đảng trung hữu GERB nhận được chừng 31% số phiếu bầu, vượt đối thủ lớn nhất, Đảng Xã hội Bulgaria (BSP) khoảng 3%. Ngoài ra, còn hai đảng nhỏ khác - trong đó có đảng cực hữu Ataka - đạt mức trên 5% số phiếu và sẽ có chân trong Quốc hội.

Nghi vấn gian lận bầu cử

Những bê bối tranh cử đã lan tràn tại Bulgaria trong hai tháng tồn tại của Chính phủ Lâm thời để chuẩn bị cho kỳ tổng tuyển cử vừa qua, và đặc biệt gia tăng trong những ngày cuối. Thoại tiên, Ban lãnh đạo đảng của cựu thủ tướng Borisov bị “dính” bê bối nghe trộm điện thoại, và nhiều lãnh tụ đảng này bị cáo buộc tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Tiếp đó, hai ngày trước tổng tuyển cử, 350 ngàn lá phiếu trái phép có thể dùng trong cuộc bầu cử (tương đương 10% số cử tri) đã được tìm thấy ở hai thành phố.

Được biết, những lá phiếu không hợp lệ này bị phát hiện tại khu kho của một nhà in có hợp đồng với Nhà nước Bulgaria và đây là phần dôi ra so với lượng phiếu chính thức mà nhà in này đã được đặt hàng. Viện Công tố Bulgaria đã mở một cuộc điều tra, và cảnh sát thì canh giữ để lượng phiếu không bị lọt ra ngoài, trong khi chủ nhà in khẳng định đây chỉ là những bản in hỏng. Tuy nhiên, các công tố viên thì cho rằng, 350 ngàn phiếu đó đã được gói ghém cẩn thận, ở trạng thái sẵn sàng chuyển đến các điểm bỏ phiếu.

Phát hiện nói trên của Cơ quan An ninh Quốc gia và cơ quan công tố đã dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội từ phe đối lập và công luận Bulgaria. Lãnh đạo Đảng Xã hội Bulgaria gọi nó là bê bối chưa từng thấy trong lịch sử Bulgaria, có thể khiến kết quả bầu cử sai lạc một cách đáng kể vì 350 ngàn phiếu đủ để đưa 25 dân biểu vào Quốc hội. MRF, một chính đảng của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng đủ phiếu vào Quốc hội thì cho đây là một hành động mang tính “đảo chính để chiếm quyền”. Có ý kiến còn đòi hỏi dừng tuyển cử chừng nào phiếu mới chưa được in ra.

Ngoại trừ đảng cầm quyền trước đây của cựu thủ tướng Borisov, các đảng lớn tại Bulgaria đều yêu cầu kiểm phiếu độc lập song song. Việc truyền thông Bulgaria, đặc biệt là Đài Phát thanh Quốc gia loan tin chủ nhà in là người có mối quan hệ thân thiết với đảng GERB dự tính sẽ chiến thắng trong kỳ bầu cử càng khiến cư dân nước này cho rằng âm mưu gian lận bầu cử đã diễn ra. Để lên tiếng phản đối, những đám đông đã biểu tình, tụ tập trước trụ sở Ủy ban Bầu cử Trung ương Bulgaria.

Khó khăn khi thành lập nội các

Trước những quan ngại về gian lận trong bầu cử khiến cử tri thất vọng và Châu Âu phải để tâm, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đã cử một phái đoàn giám sát được coi là lớn nhất đến Bungaria để theo dõi vụ việc. Tuy nhiên, giới bình luận cho rằng những gì diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử còn gay go và đáng để công luận quan tâm hơn nữa, bởi lẽ không có đảng nào thực sự chiến thắng trong ngày hôm qua. GERB tuy giành nhiều phiếu nhất nhưng lại suy yếu đảng kể, Đảng Xã hội Bulgaria tuy về nhì nhưng lại được củng cố.

Dầu vậy, liên minh cánh tả truyền thống giữa Đảng Xã hội Bulgaria và các chính đảng cánh tả khác sẽ không đủ tối thiểu 121 ghế trên tổng số 240 ghế Quốc hội. Do đó, đảng trung hữu GERB của cựu thủ tướng Borisov sẽ phải tìm kiếm đồng minh bằng mọi giá, kể cả việc liên kết với đảng cực hữu Altaka, cho dù quan hệ giữa hai đảng này đã tồi tệ đi đáng kể từ năm 2011. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, Birisov sẽ khó lòng lý giải trước Châu Âu và thế giới, rằng một đảng cánh hữu tự cho mình là dân chủ, tại sao lại kết hợp với một thế lực chính trị kỳ thị sắc tộc và bài ngoại như Altaka?

Những tính toán cho thấy, theo tình trạng hiện tại, liên minh cánh hữu như vậy cũng chỉ hơn cánh tả tổng cộng 3-4 phiếu, và khoảng cách này là không đáng kể như đã thấy trong những năm qua.  Sự hiện diện của một nội các thiếu bền vững ở mức ghê gớm như vậy, theo các nhà phân tích, là giải pháp tồi tệ nhất đối với Bulgaria, quốc gia nghèo nhất và có mức tham nhũng vào hàng nhất, nhì trong Liên hiệp Châu Âu. Bởi lẽ, nước này đã chờ đợi những cải tổ thực sự từ hơn hai thập niên nay.

Sự tăng trưởng kinh tế hầu như không thể nhận thấy, tỉ lệ thất nghiệp trên 10% từ lâu nay, hiện trạng ngành y tế ở mức thảm họa, tội phạm có tổ chức và tham nhũng lan tràn trên nền tảng nền tư pháp chưa được cải tổ là những yếu tố khiến cánh cửa của Không gian phi thị thực Schengen vẫn đóng kín trước Sofia. Thu nhập và mức sống quá kém cỏi đã khiến dân số nước này ngày càng giảm từ lâu nay và những vấn đề trên, họa chăng, chỉ có thể giải quyết được bởi một liên minh cầm quyền vững mạnh, có số ghế áp đảo trong Quốc hội.

Bulgaria về đâu sau kỳ tổng tuyển cử?

Đứng trước tình hình đó, có hai giải pháp khả dĩ đối với chính trường Bulgaria. Hoặc là chấp nhận một nội các thiếu bền vững sẽ tồn tại một cách bất lực trong thực tế trong vòng 4 năm, hoặc tái tổ chức tổng tuyển cử vào mùa thu năm nay với hy vọn có được một kết quả mới, thuyết phục hơn. Dầu sao đi nữa, cuộc bầu cử ngày hôm qua đã đem lại kết quả rất tồi tệ xét trên phương diện ý nguyện của dân chúng: chỉ có chừng 50% cử tri đi bỏ phiếu và những ai ngồi nhà đã thể hiện sự chán chường và thất vọng trước chính trường Bulgaria.

Và, đại đa số những cử tri chán chường ấy, phải kể đến giới hưu trí với tiền lương xấp xỉ 100 Euro hàng tháng, khi hóa hơn tiền điện đã chiếm một nửa. Thiếu lá phiếu của họ, không thể có được một nội các vững mạnh, có thể xoay chuyển tình thế tại nước này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây có thể là hiện tại cử tri Bulgaria không có sự lựa chọn. Như trả lời phỏng vấn của ký giả Radina Koleva với mạng tin index.hu của Hungary, rất quan trọng là cử tri cần phải đi bỏ phiếu, nhưng có thể hiểu được đa số cử tri Bun ngồi nhà để thể hiện quan điểm của họ, rằng không đảng nào khiến họ đáng ủng hộ hay bỏ phiếu bầu.

Nhà báo này cho hay, tại Bulgaria hiện giờ đã không còn những chính đáng theo xu hướng cánh tả và cánh hữu, bảo thủ và tự do được hình thành và phát triển theo đúng bậc thang gia trị của nó, vì đảng nào cũng chỉ nhằm vào lợi ích riêng của họ. Như lời Radina Koleva, người Bun không còn tin tưởng vào các đảng phái vì những tổ chức này đã chứng tỏ rằng, họ chỉ sử dụng quyền lực chính trị để đạt được những lợi ích cá nhân và kinh tế, nhằm làm giàu nhanh chóng từ ngân sách quốc gia.

Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng ở tầm quốc gia khiến giới chính khách có thể “móc túi” tiền dân một cách vô chừng mực, khiến Bulgaria chìm trong cảnh nghèo khó, như nhận định của một bình luận viên chính trị, ông Kiril Avramov. Bê bối nối tiếp bê bối, đến mức thường dân hoàn toàn không tin tưởng vào bất cứ công sở nhà nước nào, và cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức thì ngay từ đầu đã thất bại vì không ít chính khách Bulgaria đều có quan hệ với những băng đảng mafia.

Boryana Petkova, một chuyên gia về quảng cáo, thì cho biết, đây là lần đầu tiên chị không đi bỏ phiếu vì “không còn ai đáng để bầu họ”. Một số chính khách quen biết chạy từ đảng này sang đảng khác để mồi chài người dân bằng những lời hứa cố định của họ, số khác thì còn trẻ nên chưa hề có kinh nghiệm và vì vậy, Boryana Petkova khẳng định chị hoàn toàn không thấy được tương lai của đất nước Bulgaria thông qua những gương mặt chính khách hiện tại!

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest