Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tổng thống Barack Obama: NÂNG ĐỠ CÁC QUYỀN TỰ DO LÀ BIỂU HIỆN ĐẦY ĐỦ NHẤT CỦA NỀN ĐỘC LẬP

(NCTG) “Rốt cục thì tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi chính người dân Việt Nam. Mỗi đất nước sẽ vạch cho mình con đường riêng, và hai nước chúng ta có truyền thống khác biệt, hệ thống chính trị khác biệt và nền văn hóa khác biệt. Nhưng trong tư cách một người bạn của Việt Nam, cho phép tôi được chia sẻ quan điểm của mình, tại sao tôi tin các quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được đảm bảo”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước người dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hà Nội, 24-5-2016 - Ảnh: AP
Lời giới thiệu: Trưa 24-5-2016, Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đã có một bài diễn văn quan trọng và hết sức được hoan nghênh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Kéo dài hơn nửa tiếng, phát biểu ấy đã được đánh giá là mang tính lịch sử, rất xúc động, đầy ý nghĩa và tạo cảm xúc chân thành, gây ấn tượng mãnh liệt tới cử tọa và khán thính giả, cũng như những người có quan tâm.

Trân trọng giới thiệu với độc giả NCTG toàn văn bài diễn văn được coi là “lay động trái tim người Việt” này với bản dịch Việt ngữ của Leonvu Quant, căn cứ trên bản tiếng Anh tại trang chủ của Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc (NCTG).

 
*

Xin chào! (Vỗ tay) Xin chào Việt Nam! (Vỗ tay)

Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Xin gởi tới chính phủ và nhân dân Việt Nam lòng biết ơn vì sự chào đón ấm áp và mến khách mà các bạn đã dành cho tôi trong chuyến thăm này. Và xin cảm ơn tất cả các bạn vì đã tới đây hôm nay. (Vỗ tay) [Ở đây] Chúng ta có những người Việt Nam từ khắp đất nước kỳ vĩ này, bao gồm rất nhiều bạn trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hy vọng của Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, con tim tôi đã bị lay động bởi lòng tốt mà qua đó người Việt Nam được biết đến. Nơi nhiều người Việt Nam đứng sắp hàng bên các con phố, mỉm cười và vẫy chào, tôi cảm nhận được tình bạn giữa hai dân tộc chúng ta. Tối qua tôi đã đến thăm Khu Phố Cổ tại Hà Nội này và đã thưởng thức một vài món đặc sản Việt Nam. Tôi đã thử món Bún Chả. (Vỗ tay) Uống đôi chai bia Hà Nội. Nhưng phải nói là, [khi nhìn] những con phố đông nghẹt của thành phố này, cả đời tôi chưa từng thấy nhiều xe máy đến thế. (Cười) Vậy nên tôi chưa đi đến mức thử băng qua đường, nhưng có lẽ khi nào đến thăm trở lại các bạn có thể chỉ cho tôi cách qua đường.

Tôi không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng tôi là tổng thống đầu tiên, như rất nhiều người trong các bạn, đã trưởng thành sau cuộc chiến giữa hai nước chúng ta. Khi những lực lượng Hoa Kỳ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, tôi mới vừa 13 tuổi. Vì thế mà tiếp xúc đầu tiên của tôi với Việt Nam và người Việt Nam có vào khi tôi đang lớn lên ở Hawaii, với cộng đồng người Mỹ gốc Việt đầy tự hào tại đó.

Cùng thời gian này, có nhiều người ở đất nước này trẻ hơn tôi rất nhiều. Như hai cô con gái của tôi, nhiều người trong các bạn đã trải suốt cuộc sống chỉ biết mỗi một điều - đó là hòa bình và các mối quan hệ đã được bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Vậy nên tôi tới đây lưu tâm đến quá khứ, lưu tâm đến lịch sử khó khăn giữa chúng ta, nhưng hướng điểm nhấn vào tương lai - là sự thịnh vượng, an ninh và nhân phẩm mà chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy.

Tôi cũng đến đây với lòng tôn trọng sâu sắc di sản từ ngàn xưa của Việt Nam. Qua ngàn năm, những người nông dân đã vun vén trên mảnh đất này với một lịch sử còn tái hiện trên các trống đồng Đông Sơn. Tại nơi uốn khúc này của dòng sông, Hà Nội đã trường tồn qua hơn một ngàn năm. Thế giới biết tới và trân quý các tấm lụa và tranh Việt Nam, cùng khu Văn Miếu kỳ vĩ sừng sững như một minh ước gắn với tính hiếu học của các bạn. Dầu thế, trải qua hàng thế kỷ, vận mệnh của các bạn rất thường bị dắt mũi bởi kẻ khác. Mảnh đất yêu quý của các bạn không phải lúc nào cũng là của các bạn. Nhưng như cây tre, tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam đã được Lý Thường Kiệt đúc kết: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư. Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư”. (“Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại Sách Trời”.)

Hôm nay, chúng ta cũng ôn lại lịch sử xưa hơn giữa người Mỹ và người Việt Nam, một thiên sử rất thường xuyên bị bỏ sót. Hơn 200 năm trước, khi người Cha Lập Quốc của chúng tôi, Thomas Jefferson, tìm lúa gạo để trồng ở trang trại của mình, ông đã tìm tới lúa gạo của Việt Nam, mà như ông nói là có “danh tiếng vì mắt nhìn trắng nhất, miệng ăn thơm ngon nhất, và năng suất cao nhất”. Không lâu sau, các tàu buôn Mỹ đã cập tới bến cảng của các bạn để tìm mối giao thương.

Trong Thế chiến II, người Mỹ đã tới đây để hỗ trợ các bạn kháng chiến chống xâm lược. Khi các phi công Mỹ bị bắn rơi, người dân Việt Nam đã giúp đỡ cứu nạn họ. Và vào ngày Việt Nam tuyên bố nền độc lập của mình, các đoàn người ngập khắp phố phường của thành phố này, và Hồ Chí Minh đã nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập Mỹ. Ông nói: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nếu thời điểm khác đi, việc chúng ta cùng chia sẻ và tuyên xưng các lý tưởng chung cũng như việc chúng ta có chung câu chuyện đánh đuổi ách thực dân có lẽ đã đưa chúng ta thêm gần nhau sớm hơn. Nhưng thay vào đó là các đối đầu Chiến Tranh Lạnh và mối lo sợ chủ nghĩa cộng sản đã lôi chúng ta tới xung đột. Cũng như các cuộc xung đột khác xuyên suốt lịch sử loài người, thêm một lần nữa chúng ta học biết một sự thật cay đắng, rằng chiến tranh, bất kể chủ đích của chúng ta là gì, chỉ đem lại khổ đau và bi kịch.

Tại tượng đài liệt sĩ của các bạn nằm cách đây không xa, và trên mỗi bàn thờ gia đình dọc khắp đất nước này, các bạn tưởng nhớ tới chừng 3 triệu người Việt Nam, binh lính và thường dân, đã thiệt mạng, ở cả hai phía. Tại bức tường tưởng niệm của chúng tôi ở Washington, chúng tôi có thể sờ tận tên của 58.315 người Mỹ đã bỏ mạng trong cuộc xung đột này. Ở cả hai đất nước của chúng ta, các cựu chiến binh và gia đình những người đã ngã xuống vẫn đau đáu ngóng chờ những người thân và bạn bè còn lưu lạc. Giống như chúng tôi đã nhận thức được ở nước Mỹ rằng, ngay cả khi chúng tôi bất đồng về một cuộc chiến, chúng tôi vẫn phải luôn vinh danh những người đã tham chiến và chào đón họ trở về với niềm kính trọng mà họ đáng được hưởng, và hôm nay chúng ta có thể tụ họp bên nhau, cả người Việt và người Mỹ, để tri ân nỗi đau và các hy sinh ở cả hai phía.

Gần đây hơn, trong hai chục năm vừa qua, Việt Nam đạt được tiến bộ to lớn, để hôm nay thế giới có thể nhìn thấy những bứt phá mà các bạn đã làm. Với các cải cách kinh tế và các thỏa thuận thương mại, gồm cả các thỏa thuận với Hoa Kỳ, các bạn đã hội nhập nền kinh tế toàn cầu, bán hàng hóa của mình ra khắp thế giới. Thêm nhiều khoản đầu tư nước ngoài đang đổ vào. Và với việc là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình.

Chúng tôi nhìn thấy tiến bộ của Việt Nam nơi những tòa nhà chọc trời và các cao ốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi những trung tâm mua sắm và các khu đô thị mới. Chúng tôi thấy điều đó trong các vệ tinh mà Việt Nam đưa vào không gian và một thế hệ mới kết nối trực tuyến, gây dựng khởi nghiệp và chèo lái các doanh nghiệp mới. Chúng tôi thấy điều đó trong hàng chục triệu người Việt Nam kết nối qua Facebook và Instagram. Và hẳn là các bạn không chỉ đăng các tấm hình “tự sướng” - dù tôi có nghe các bạn làm việc đó hơi nhiều - (Cười) - đến nỗi, có khối người đã hỏi xin tôi cùng chụp hình “tự sướng”. Các bạn cũng đang cất tiếng nói của mình vì các vấn đề mà bạn quan tâm, như việc cứu giữ các cây cổ thụ ở Hà Nội.

Chính mọi sự năng động này đã đưa đến tiến bộ thật sự trong cuộc sống của người dân. Chính ở đây tại Việt Nam, các bạn đã giảm mạnh tình trạng nghèo cùng khổ, các bạn đã làm bùng phát thu nhập gia đình và nâng hàng triệu người tới tầng lớp trung lưu còn-đang-tăng-nhanh. Đói nghèo, bệnh tật, tử vong ở bà mẹ và trẻ em tất cả đều giảm. Số người có nước uống sạch và được dùng điện, số bé trai và gái được đến trường, và tỉ lệ biết đọc biết viết của các bạn - các con số này tất cả đều tăng. Đó là sự tiến bộ vượt bậc. Đó là những gì mà các bạn có thể thành tựu trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Và khi Việt Nam chuyển mình, thì mối quan hệ giữa hai nước chúng ta cũng biến chuyển theo. Chúng ta đã học được một bài học qua lời giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông nói: “Khi đối thoại chân thành, cả hai bên sẽ sẵn lòng thay đổi”. Nhờ cách này, mà chính cuộc chiến đã chia rẽ chúng ta nay lại trở thành nguồn hàn gắn. Nó cho phép chúng ta tìm kiếm những người còn mất tích để cuối cùng được đưa họ trở về nhà. Nó cho phép chúng tôi giúp đỡ tháo gỡ bom mìn chưa nổ, bởi làm sao có thể để một đứa trẻ bị mất chân chỉ vì đang chơi nghịch ngoài kia. Ngay cả khi chúng tôi tiếp tục hỗ trợ những người Việt Nam bị khuyết tật, trong đó có trẻ em, chúng tôi vẫn tiếp tục giúp dọn sạch Chất Da Cam - dioxin - để cho Việt Nam có thêm đất sử dụng. Chúng tôi tự hào về công việc mà chúng ta cùng làm ở Đà Nẵng, và chúng tôi hy vọng được góp sức trong các nỗ lực của các bạn ở Biên Hòa.

Chúng ta hãy đừng quên là sự hòa giải giữa hai đất nước chúng ta đã được dẫn dắt bởi các cựu chiến binh những người đã từng đối mặt nhau nơi chiến trường. Hãy nghĩ đến việc Thượng Nghị sĩ John McCain, người từng bị cầm giữ nhiều năm tại đây như là một tù binh chiến tranh, gặp gỡ Tướng Giáp, người đã nói rằng hai nước chúng ta không nên là kẻ thù mà nên là bạn. Hãy nghĩ đến tất cả các cựu chiến binh, cả Việt Nam và Mỹ, đã từng giúp chúng ta hàn gắn và gây dựng các kết nối mới. Về mặt này suốt những năm qua ít ai làm được nhiều hơn cựu trung úy Hải quân, mà nay là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, người đang có mặt tại đây hôm nay. Và thay mặt cho tất cả chúng ta, John, chúng tôi xin cảm ơn vì các nỗ lực vượt bậc của ông. (Vỗ tay)

Vì các cựu chiến binh của chúng ta đã chỉ cho ta đường lối, vì các chiến binh đã có lòng quả cảm để đeo đuổi hòa bình, giờ đây hai dân tộc chúng ta được lại gần nhau hơn bao giờ hết. Chúng ta giao thương tăng vọt. Các sinh viên và học giả của chúng ta cùng nhau học hỏi. Chúng tôi chào đón các sinh viên Việt Nam tới Mỹ nhiều hơn bất kỳ nước nào khác ở Đông Nam Á. Và mỗi năm, các bạn chào đón thêm ngày càng nhiều du khách Mỹ, gồm các bạn trẻ Mỹ-ba-lô, tới 36 Phố phường của Hà Nội và các cửa hàng ở Hội An, và cố đô Huế. Dù người Việt Nam hay người Mỹ, tất cả chúng ta đều có thể rung động trước lời ca của Văn Cao: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người”.

Với vai trò Tổng thống, tôi tựa dựng trên sự tiến bộ này. Với mối Quan hệ Đối tác Toàn diện mới, chính phủ hai nước chúng ta đang làm việc với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết. Và cùng với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt mối quan hệ của hai bên lên một nền tảng vững chắc hơn cho hàng chục năm tới. Theo một ý nghĩa, thì câu chuyện dài giữa hai nước chúng ta bắt đầu từ Thomas Jefferson cách nay hơn hai thế kỷ tới nay đã đi trọn một vòng. Đã phải mất nhiều năm và đòi hỏi nỗ lực to lớn. Nhưng giờ đây chúng ta có thể nói một điều đã từng là không tưởng: ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ là các đối tác.

Và tôi tin rằng kinh nghiệm của chúng ta chứa đựng các bài học cho thế giới. Vào lúc mà nhiều cuộc xung đột vẻ như không thể hóa giải, vẻ như sẽ không bao giờ chấm dứt, chúng ta đã chỉ ra rằng trái tim có thể làm thay đổi và rằng một tương lai khác là có thể khi chúng ta từ chối giam mình trong quá khứ. Chúng ta đã chỉ ra hòa bình có thể tốt đẹp hơn chiến tranh biết bao nhiêu. Chúng ta đã chỉ ra rằng tiến bộ và nhân phẩm được thúc đẩy tốt nhất thông qua hợp tác chứ không phải là xung đột. Đó là những gì mà Việt Nam và Mỹ có thể chỉ ra cho thế giới.

Giờ đây, quan hệ đối tác mới của Mỹ với Việt Nam được bắt rễ từ một vài chân lý cơ bản. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của nó lên các bạn hay định đoạt vận mệnh của các bạn. (Vỗ tay) Giờ đây, Hoa Kỳ có lợi ích ở đây. Chúng tôi có lợi ích trong thành công của Việt Nam. Nhưng Quan hệ Đối tác Toàn diện của chúng ta vẫn chỉ ở những bước khởi đầu. Và với thời gian tôi còn tại nhiệm, tôi muốn chia sẻ với các bạn tầm nhìn mà tôi tin có thể dẫn lối chúng ta trong hàng chục năm trước mắt.
 
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tạo cơ hội và thịnh vượng thực sự cho mọi người dân của chúng ta. Chúng ta biết công thức thành công về kinh tế trong thế kỷ thứ XXI gồm những nguyên liệu gì. Trong nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, đầu tư và thương mại sẽ chảy đến bất kỳ nơi nào có pháp quyền, vì chẳng ai muốn trả hối lộ để khởi sự một doanh nghiệp. Chẳng ai muốn bán hàng hoặc đi học nếu họ không biết mình sẽ được đối xử ra sao. Trong các nền kinh tế dựa trên tri thức, việc làm sẽ chạy tới những nơi mà người dân có quyền tự do nghĩ cho mình, tự do trao đổi ý tưởng và đột phá sáng tạo. Và các quan hệ đối tác kinh tế thực sự không chỉ là việc nước này thu mua tài nguyên từ nước khác, mà là đầu tư vào nguồn lực to lớn nhất của chúng ta, đó là con người cùng các kỹ năng và tài năng của họ, dù bạn có sống ở một làng quê hay một thành phố lớn. Và đó chính là kiểu đối tác mà nước Mỹ đề xuất.
 
Như tôi đã loan báo ngày hôm qua, Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) sẽ lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, với trọng tâm giảng dạy tiếng Anh. Một thế hệ sau khi các thanh niên Mỹ tới đây để đánh đấm, thì một thế hệ người Mỹ mới sắp tới đây để dạy học, gây dựng và làm sâu sắc tình bạn giữa hai nước. (Vỗ tay) Một số công ty công nghệ và các đại học hàng đầu của Mỹ sẽ kết hợp với các trường đại học ở Việt Nam để tăng cường đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán và y học. Bởi vì ngay cả khi chúng tôi tiếp tục chào đón thêm nhiều sinh viên Việt Nam tới Hoa Kỳ, thì chúng tôi cũng tin rằng các bạn trẻ ở đây xứng đáng được hưởng một nền giáo dục đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam.
 
Đó là một trong các lý do khiến chúng tôi rất phấn khởi là vào mùa thu năm nay, trường Đại Học Fulbright Việt Nam sẽ mở cửa tại Thành phố Hồ Chí Minh - là trường đại học độc lập và phi lợi nhuận đầu tiên ở đất nước này - nơi sẽ có đầy đủ tự do học thuật và học bổng cho những ai cần tới. (Vỗ tay) Sinh viên, học giả, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh; vào kỹ thuật và khoa học máy tính; và các môn học khai phóng - tất thảy từ thơ Nguyễn Du, tới minh triết của Phan Chu Trinh, cho đến toán học của Ngô Bảo Châu.
 
Và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn trẻ và các doanh nhân, bởi chúng tôi tin rằng chỉ cần các bạn tiếp cận được các kỹ năng, công nghệ và vốn mà các bạn cần, thì không gì có thể cản trở các bạn - và hẳn rồi, điều đó bao gồm cả các phụ nữ tài năng của Việt Nam. (Vỗ tay) Chúng tôi cho rằng bình đẳng giới là một nguyên tắc quan trọng. Từ thời Hai Bà Trưng đến nay, các phụ nữ mạnh mẽ, tự tin đã luôn giúp đưa Việt Nam đi tới. Bằng chứng thật rõ - tôi nói điều này ở bất kỳ nơi nào tôi đến quanh khắp thế giới - gia đình, cộng đồng và đất nước đều thịnh vượng hơn khi các bé gái và phụ nữ có cơ hội bình đẳng để thành công ở trường học, tại nơi làm việc và trong chính quyền. Điều đó đúng ở mọi nơi, và điều đó đúng ở đây tại Việt Nam. (Vỗ tay)
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhằm khai mở tối đa tiềm năng nền kinh tế của các bạn cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương (TPP). Chính tại Việt Nam đây, TPP sẽ giúp các bạn bán được nhiều sản phẩm của mình hơn ra thế giới và sẽ thu hút các khoản đầu tư mới. TPP sẽ đòi hỏi có các cải cách nhằm bảo vệ người lao động, pháp quyền và sở hữu trí tuệ. Và Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để Việt Nam thực thi đầy đủ các cam kết của mình. Tôi muốn các bạn biết rằng, trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP vì cũng có thể các bạn sẽ mua thêm hàng hóa của chúng tôi, hàng “Sản xuất tại Mỹ”. (“Made in America”)
 
Thêm nữa, tôi ủng hộ TPP vì những lợi ích chiến lược quan trọng của nó. Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào bất cứ một đối tác thương mại nào và được thụ hưởng các gắn kết rộng rãi hơn với thêm nhiều đối tác, trong đó có Hoa Kỳ. (Vỗ tay) Và TPP sẽ tăng cường hợp tác vùng. Nó sẽ giúp giải quyết việc bất bình đẳng kinh tế và thúc đẩy nhân quyền, với mức lương cao hơn và điều kiện lao động an toàn hơn. Lần đầu tiên ở Việt Nam nơi đây, có quyền thành lập công đoàn độc lập và luật cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Và có các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phòng chống tham nhũng mạnh mẽ nhất so với bất kỳ hiệp định thương mại nào trong lịch sử. Đó là tương lai mà TPP hứa hẹn cho tất cả chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta - Hoa Kỳ, Việt Nam, và các nước ký kết khác - sẽ phải tuân thủ các luật lệ mà chính chúng ta đã cùng nhau định hình. Đó là tương lai mở ra cho tất cả chúng ta. Vậy nên giờ đây giờ đây chúng ta phải hoàn tất nó - vì sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta và vì an ninh quốc gia của chúng ta.
 
Điều này đưa tôi đến lĩnh vực thứ hai mà chúng ta có thể hợp tác, và đó chính là đảm bảo an ninh chung của chúng ta. Với chuyến thăm này, chúng ta đã đồng thuận nâng cao hợp tác an ninh và gây dựng thêm lòng tin giữa nam nữ mặc quân phục hai nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp huấn luyện và thiết bị cho Cảnh sát Biển của các bạn để nâng cao khả năng hàng hải của Việt Nam. Chúng ta sẽ cộng tác để gửi cứu trợ nhân đạo khi có thảm họa. Với tuyên bố mà tôi đã đưa ra ngày hôm qua về dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán trang bị quốc phòng, Việt Nam sẽ được tiếp cận rộng rãi hơn với trang thiết bị quân sự mà các bạn cần để bảo đảm an ninh của mình. Và Hoa Kỳ đang thể hiện cam kết của mình để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam. (Vỗ tay)
 
Nói rộng hơn, thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta - trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam - rằng trật tự quốc tế mà an ninh chung của chúng ta dựa vào được bắt rễ từ những quy tắc và chuẩn mực nhất định. Các quốc gia là có chủ quyền, bất kể dù to nhỏ thế nào, chủ quyền của một quốc gia phải được tôn trọng, và lãnh thổ của nó không ai được phép xâm phạm. Nước lớn không được ăn hiếp nước nhỏ. Các tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình. (Vỗ tay) Và các thiết chế khu vực, như ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit), phải tiếp tục được củng cố. Đấy là điều tôi tin tưởng. Đấy là điều Hoa Kỳ đặt niềm tin. Đó là kiểu đối tác mà nước Mỹ đề xuất tại khu vực này. Tôi trông chờ để thúc đẩy tinh thần tôn trọng và hòa hợp này vào dịp cuối năm nay khi tôi trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Lào.
 
Tại Biển Đông, Hoa Kỳ không phải là một bên yêu sách trong các cuộc tranh chấp hiện nay. Nhưng chúng tôi sẽ sát cánh cùng các đối tác để bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi, như tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị ngăn trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thông qua các công cụ pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong hành trình đi tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ nâng đỡ quyền của tất cả các nước được làm điều tương tự. (Vỗ tay)
 
Ngay cả khi chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực mà tôi vừa mô tả, quan hệ đối tác của chúng ta còn bao gồm một nhân tố thứ ba - giải quyết các lĩnh vực mà các chính phủ chúng ta còn bất đồng, trong đó có nhân quyền. Tôi nói điều này không phải để chỉ riêng Việt Nam. Không quốc gia nào hoàn hảo. Qua hai thế kỷ, Hoa Kỳ vẫn phải vật lộn để bám đuổi các lý tưởng lập quốc. Chúng tôi vẫn phải giải quyết các khiếm khuyết của mình - có quá nhiều tiền bạc trong nền chính trị của chúng tôi, và sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế, thiên vị chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự, phụ nữ chưa được trả công ngang với nam giới khi làm cùng một việc. Chúng tôi vẫn có những vấn đề. Chúng tôi không tránh được chỉ trích, tôi cam đoan với các bạn thế. Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng chính sự xét nét đó, sự thảo luận công khai đó, chính việc đối mặt với các bất toàn của chúng tôi, và chính việc cho phép mọi người được nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn.
 
Trước đây tôi đã nói điều này - Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt hình thức chính quyền của mình lên Việt Nam. Tôi tin các quyền mà tôi nói tới không phải là các giá trị Mỹ; mà tôi nghĩ đó là các giá trị phổ quát được ghi trong Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền. Chúng cũng được ghi trong Hiến pháp Việt Nam, khẳng định rằng “công dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, có quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội và quyền biểu tình”. Điều đó nằm ngay trong Hiến pháp Việt Nam. (Vỗ tay) Vậy nên thật sự đây là một vấn đề cho tất cả chúng ta, mỗi quốc gia, cố gắng áp dụng nhất quán các nguyên tắc này, để đảm bảo rằng chúng ta - những người trong chính phủ - đang thành thực với các lý tưởng đó.
 
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tạo ra một số tiến triển. Việt Nam đã cam kết đưa luật lệ của mình bắt kịp với hiến pháp mới và với các chuẩn mực quốc tế. Theo một số luật được ban hành gần đây, chính phủ sẽ công khai nhiều hơn về ngân sách và công chúng sẽ có quyền tiếp cận nhiều thông tin hơn. Và, như tôi đã nói, Việt Nam đã cam kết cải cách lao động và kinh tế theo TPP. Nên tất cả điều này đều là các bước đi tích cực. Và rốt cục thì tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi chính người dân Việt Nam. Mỗi đất nước sẽ vạch cho mình con đường riêng, và hai nước chúng ta có truyền thống khác biệt, hệ thống chính trị khác biệt và nền văn hóa khác biệt. Nhưng trong tư cách một người bạn của Việt Nam, cho phép tôi được chia sẻ quan điểm của mình - tại sao tôi tin các quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được đảm bảo.
 
Khi có được tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, và khi người dân có thể sẻ chia các ý tưởng và truy cập Internet và mạng xã hội không hạn chế, điều đó tạo ra động lực đột phá sáng tạo mà các nền kinh tế cần có để đi lên. Đó là nơi nảy ra các ý tưởng mới. Đó là cách một Facebook khởi đầu. Đó là cách mà một số trong các công ty lớn mạnh nhất của chúng tôi bắt đầu - bởi vì một ai đó đã có một ý tưởng mới. Nó khác biệt. Và vì họ đã có thể chia sẻ. Khi có tự do báo chí - khi các nhà báo và các blogger có thể lôi ra ánh sáng bất công hoặc lạm quyền - điều này buộc các viên chức có trách nhiệm giải trình và tạo cho công chúng niềm tin rằng hệ thống có hoạt động. Khi các ứng cử viên có thể đua tranh và tự do vận động tranh cử, và khi các cử tri có thể chọn cho mình người lãnh đạo trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng, nó làm cho các quốc gia thêm vững vàng, bởi người dân biết rằng tiếng nói của họ được cân nhắc và việc thay đổi ôn hòa là có thể. Và nó đưa được vào hệ thống những con người mới.
 
Khi có tự do tôn giáo, nó không chỉ cho phép người dân thể hiện đầy đủ tình yêu và lòng nhân từ vốn là trọng tâm của tất cả các tôn giáo lớn, mà nó còn cho phép các nhóm tín ngưỡng phục vụ cộng đồng của họ thông qua các trường học và bệnh viện, cùng chăm sóc người nghèo và người dễ bị tổn thương. Và khi có tự do hội họp - khi người dân được tự do thành lập tổ chức trong xã hội dân sự - thì đất nước có thể giải quyết tốt hơn các thách thức mà chính quyền đôi khi không thể tự mình giải quyết. Vậy nên quan điểm của tôi là việc nâng đỡ các quyền này không phải là một mối đe dọa cho sự ổn định, mà thực tế nó lại tăng cường sự ổn định và là nền tảng của tiến bộ.
 
Xét cho cùng thì chính khát vọng có được các quyền này đã tạo hứng khởi cho người dân khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, lật đổ ách thực dân. Và tôi tin rằng việc nâng đỡ các quyền này là biểu hiện đầy đủ nhất của nền độc lập mà rất nhiều nước trân trọng, kể cả ở đây, nơi một quốc gia tự xác quyết là “của Dân, do Dân và vì Dân”.
 
Việt Nam sẽ thực hiện điều này khác với Hoa Kỳ. Và mỗi nước chúng ta sẽ làm khác với nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng đây đó có các nguyên tắc căn bản mà tôi nghĩ tất cả chúng ta phải cố gắng thực thi và cải tiến. Và tôi nói điều này khi là một người sắp hết nhiệm kỳ, nên giờ đây tôi có được lợi thế của gần tám năm suy xét về cách thức mà hệ thống của chúng tôi đã làm việc và tương tác với các nước khắp thế giới, những người cũng đang không ngừng nỗ lực để cải thiện hệ thống của mình.
 
Cuối cùng, quan hệ đối tác của chúng ta tôi nghĩ có thể ứng phó được với các thách thức toàn cầu mà chẳng riêng nước nào có thể tự mình giải quyết. Nếu chúng ta muốn duy trì đảm bảo sức khỏe cho người dân của chúng ta và vẻ đẹp của hành tinh này, thì sự phát triển buộc phải là bền vững. Các kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long hay Hang Sơn Đoòng phải được bảo tồn cho con cháu chúng ta. Nước biển dâng đe dọa bờ biển và các mạch nước mà có rất nhiều người Việt Nam dựa vào. Vậy nên với tư cách là các đối tác trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện trọn vẹn các cam kết chúng ta đã đưa ra ở Paris, chúng ta cần giúp nông dân và các xóm làng cùng những người sống dựa vào nghề cá để họ biết thích nghi và đưa thêm năng lượng sạch đến những nơi như Đồng bằng Sông Cửu Long, một vựa lúa của thế giới mà chúng cần có để nuôi dưỡng các thế hệ tương lai.
 
Và chúng ta có thể cứu giúp các sinh mạng bên ngoài biên giới của mình. Bằng cách giúp cho các nước củng cố, ví dụ như, hệ thống y tế của họ, chúng ta có thể ngăn chặn bệnh tật bùng phát thành bệnh dịch đe dọa tất cả chúng ta. Và trong khi Việt Nam làm sâu sắc thêm cam kết của mình trong vai trò gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ được vinh dự trợ giúp huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của các bạn. Và đó thật sự là một điều đáng ghi nhận - hai nước chúng ta từng nện nhau nhưng giờ đây lại sát cánh bên nhau giúp đỡ các nước khác cùng đạt được hòa bình. Vậy là, cùng với quan hệ song phương của hai nước chúng ta, mối quan hệ đối tác của chúng ta cũng cho phép chúng ta góp phần hình thành môi trường quốc tế theo các cách thức tích cực.
 
Giờ này thì việc hiện thực hóa hoàn toàn tầm nhìn mà tôi vừa mô tả hôm nay hẳn sẽ không xảy ra một sớm một chiều, và nó cũng không phải là đương nhiên. Sẽ có các thăng trầm và lùi bước suốt dọc con đường đó. Sẽ có những lúc hiểu lầm. Sẽ phải có những nỗ lực bền bỉ và đối thoại chân thành để cả hai bên tiếp tục thay đổi. Nhưng khi xét lại toàn bộ lịch sử và các trở ngại mà chúng ta giờ đã vượt qua, tôi đứng trước các bạn hôm nay đầy lạc quan về tương lai chúng ta gắn bó cùng nhau. (Vỗ tay) Và niềm tin của tôi, bao giờ cũng thế, luôn bắt rễ nơi tình bạn và khát vọng mà hai dân tộc chúng ta cùng chia sẻ.
 
Tôi nghĩ đến tất cả những người Mỹ và Việt Nam đã băng qua đại dương bao la - một số đoàn tụ với gia đình lần đầu tiên sau hàng chục năm - và những người, như Trịnh Công Sơn đã nói trong ca khúc của mình, nối vòng tay lớn, và mở rộng trái tim mình để thấy được tình người trong nhau. (Vỗ tay)
 
Tôi nghĩ đến tất cả mọi người Mỹ gốc Việt đã thành công qua khắp nẻo đường cuộc sống - bác sĩ, nhà báo, thẩm phán, công chức. Một người trong số họ, được sinh ra ở đây, đã viết cho tôi một lá thư nói rằng, nhờ “ơn Chúa, tôi đã có thể sống Giấc mơ Mỹ... Tôi rất tự hào là một người Mỹ nhưng cũng rất tự hào là người Việt Nam”. (Vỗ tay) Và hôm nay anh ấy ở đây, trở lại đất nước đã sinh ra anh ấy, vì như anh nói, “hoài bão cá nhân” của anh ấy là “cải thiện đời sống của mọi người dân Việt Nam”.
 
Tôi nghĩ đến một thế hệ người Việt mới - rất nhiều người trong số các bạn, rất nhiều người trong số các bạn trẻ có mặt ở đây - những người sẵn sàng tạo dấu ấn của mình trên thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả bạn trẻ đang lắng nghe: tài năng, động lực và ước mơ của các bạn - chính nơi những điều này mà Việt Nam có tất cả mọi thứ cần thiết để đi lên. Vận mệnh của các bạn nằm trong tay các bạn. Đây là thời khắc của các bạn. Và khi các bạn theo đuổi tương lai mà các bạn mong muốn, tôi muốn các bạn biết rằng Hoa Kỳ sẽ ở ngay đó bên cạnh các bạn như là đối tác và bạn bè của các bạn. (Vỗ tay)
 
Rồi nhiều năm nữa kể từ đây, khi mà ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam và người Mỹ nghiên cứu cùng nhau; đột phá sáng tạo và làm ăn với nhau; cùng đứng giữ an ninh của chúng ta; và cùng nhau thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ một hành tinh chung của chúng ta - tôi hy vọng các bạn sẽ nhớ lại thời khắc này và nhìn thấy hy vọng trong tầm nhìn mà tôi trao gửi hôm nay. Hoặc cần tôi có thể nói theo cách khác - theo lời thơ mà các bạn quen thuộc trong “Truyện Kiều”: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”. (Vỗ tay)

Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn, Việt Nam. Cảm ơn. (Vỗ tay) (*)

(*) Nhan đề bài phát biểu do NCTG tạm đặt. Độc giả có thể tham khảo bản dịch chính thức được đăng trên trang chủ của Đại sứ quán Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tác giả bài viết: Leonvu Quant dịch theo nguyên bản tiếng Anh