Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thủ tướng Pháp: KHÔNG THỂ TIẾP TỤC TIẾP NHẬN NGƯỜI TỴ NẠN

(NCTG) “Liên hiệp Châu Âu cần khẳng định rằng không còn khả năng tiếp tục tiếp nhận người di cư, và cần phải tìm giải pháp để những người rời Syria được để tâm tại các nước láng giềng”, ông Manuel Valls phát biểu với các ký giả ngoại quốc.
Người tỵ nạn tại khu trại ở Calais (Pháp) - Ảnh: Philippe Wojazer (AFP)
Thủ tướng Pháp nhắc đến chuyện có ít nhất là hai thủ phạm của các cuộc tấn công khủng bố ở Paris hôm 13-11 vừa qua đã nhập cảnh Tây Âu cùng đoàn người tỵ nạn qua ngả Hy Lạp và Serbia.

Vị chính khách thuộc Đảng Xã hội này cho rằng vận mệnh của EU sẽ được quyết định bởi việc Liên minh này có kiểm soát được đường biên giới Châu Âu hay không, bằng không, “các dân tộc sẽ bảo rằng giải tán Châu Âu đi”.

Thủ tướng Manuel Valls nhận định, thay vì tiếp nhận hàng vạn dân di cư một cách không kiểm soát, EU cần tìm ra giải pháp tại các quốc gia láng giềng với Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan - để tiếp nhận và giữ người tỵ nạn ở đó.

Quan điểm của thủ tướng Pháp dường như có phần trái ngược với góc nhìn của Tổng thống François Hollande, người cho rằng cần tránh việc nhập nhằng giữa các khái niệm tỵ nạn và khủng bố.

Ông Hollande nhấn mạnh: người tỵ nạn sở dĩ tới Châu Âu là để “chạy nạn trước những vụ thảm sát ở Syria, những trận bom càn của thể chế ở đó, cũng như sự giết chóc của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo”.

Và do đó, “chúng ta phải có bổn phận tiếp nhận họ”, Tổng thống Pháp phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với người đồng nhiệm Đức Angela Merkel tại Điện Elysée hôm 25-11.

Đây cũng là góc nhìn của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu để thảo luận đề tài chủ nghĩa khủng bố và những biện pháp khắc phục.

Ông Juncker khẳng định, cần phân biệt người tỵ nạn, xin tỵ nạn và di cư, với những kẻ khủng bố, bởi lẽ “thủ phạm vụ tấn công khủng bố ở Paris cũng chính là những kẻ đã buộc người dân bất hạnh phải rời bỏ quê hương ra đi”.
 
Tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 13-11 ở Quảng trường Cộng hòa (Paris, Pháp) - Ảnh: Etienne Laurent (MAXPPP)
Tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 13-11 ở Quảng trường Cộng hòa (Paris, Pháp) - Ảnh: Etienne Laurent (MAXPPP)

Trong phiên họp, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng nhận được sự hưởng ứng từ ông Manfred Weber, người đứng đầu nhóm dân biểu các đảng thuộc khối Đảng Nhân dân Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu.

Theo ông Manfred Weber, không thể chấp nhận được những khẳng định cho rằng người tỵ nạn đến Châu Âu là những kẻ khủng bố, vì chính họ là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.

Các phát biểu trên được coi là hồi âm cho tuyên bố trước đó hai hôm của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor, khi ông này cho rằng “tất cả lũ khủng bố đều là người nhập cư”, và “vấn đề chỉ là họ nhập cư tại Liên hiệp Châu Âu từ bao giờ”.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ “Politico”, thủ tướng Hungary còn khẳng định rằng mối liên hệ giữa nhập cư và khủng bố là “một thực tế rõ ràng”, tuy rằng giới lãnh đạo Châu Âu thường phủ nhận điều đó vì họ ngại nói ra, dễ bị coi là đụng chạm về mặt chính trị.

Cũng trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên án gay gắt một số quốc gia vùng Balkan, nhằm giảm lượng người tỵ nạn nên chỉ cho phép dân Syria, Afghanistan và Iraq nhập cảnh và xét đơn.

Quyết định đó khiến hàng vạn người tỵ nạn mắc kẹt lại tại biên giới Hy Lạp - Macedonia: những người bị “cấm cửa” phản đối bằng cách tổ chức biểu tình, tuyệt thực và khâu miệng.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng, việc phân biệt đối xử trên cơ sở dân tộc như vậy là vi phạm một quyền con người cơ bản, theo đó bất cứ ai cũng có quyền được xin tỵ nạn và đơn xin tỵ nạn của họ phải được xét riêng rẽ.

Ông Ban Ki-moon kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc hãy đối xử với người tỵ nạn trên tinh thần cảm thông và chia sẻ, tăng khả năng tiếp nhận họ và đẩy nhanh tiến độ của chương trình phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch (quota).

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp