Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thủ tướng Angela Merkel: NGƯỜI CAO TUỔI ĐANG ĐỐI ĐẦU VỚI DỊCH BỆNH “CHÍNH LÀ NƯỚC ĐỨC”

(NCTG) Người đứng đầu nội các Liên bang Đức mô tả về thời kỳ khủng hoảng do Covid-19 gây ra như một thử thách chưa từng có kể từ những ngày đầu của CHLB Đức. Nhất là, trong bài phát biểu, bà đã tỏ ra rất cảm động khi nhắc tới những người cao tuổi.
Bài phát biểu của Thủ tướng Angela Merkel được phát trực tiếp trên các phương tiện trực tuyến - Ảnh chụp màn hình
Đây là bản tường trình đầu tiên của Thủ tướng Merkel với Chính phủ về khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Trong gần nửa tiếng đồng hồ, trưa thứ Năm 23-4, bà đã nói về đại dịch, về những hạn chế của cuộc sống công cộng và về gánh nặng của chúng lên xã hội. “Chúng ta đang sống ở một thời kỳ hoàn toàn vô cùng đặc biệt”, bà nói. Đại dịch là “một thử thách chưa từng có từ Đệ Nhị Thế chiến, từ khi CHLB Đức được thành lập”. Bởi lẽ, sức khoẻ của con người và sự gắn bó xã hội ở Châu Âu là quan trọng nhất!

Merkel mô tả đại dịch như là “một yêu sách dân chủ”. Những biện pháp được quyết định ban hành để phòng chống virus không hề có một hình mẫu lịch sử để con người có thể tự định hướng. Thủ tướng Đức biết rằng những quy định đó gây khó khăn cho xã hội như thế nào. Chỉ có thể chịu đựng được một hoàn cảnh như thế này nếu/khi các lý do cho các hạn chế được chấp nhận và minh bạch. Việc phê phán các biện pháp phải được cho phép và được lắng nghe.

Rất cảm động, Thủ tướng phát biểu với giọng nghẹn ngào về tình cảnh trong các viện điều dưỡng, các nhà dưỡng lão và cơ sở dành cho người khuyết tật. Đặc biệt, khiến bà vô cùng lo lắng là họ phải chịu đựng cảnh cô đơn, và khi không được ai thăm nom thì cảm giác cô đơn còn nhiều hơn nữa.

Thật kinh khủng khi ngoài các nhân viên điều dưỡng làm hết sức mình, thì không một ai có thể ở đó, khi sức lực cạn kiệt và cuộc sống chấm dứt”, bà Merkel nói. “Hãy đừng bao giờ quên những con người này và sự cách ly tạm thời mà họ phải sống. Những người 80, 90 tuổi đã dựng xây đất nước chúng ta. Sự thịnh vượng chúng ta đang sống là do họ đặt nền móng. Họ chính là nước Đức, hệt như chúng ta - con cái và cháu chắt của họ. Và chúng ta chiến đấu chống virus cũng là cho họ, vì họ”.

Bà Merkel nói rõ rằng hoàn cảnh đặc biệt này có lẽ còn kéo dài lâu. “Chúng ta đang sống không phải trong giai đoạn cuối của đại dịch mà vẫn luôn còn đang giai đoạn đầu của nó”, bà nói. “Chúng ta sẽ còn phải sống lâu với con virus này”. Vấn đề làm thế nào để có thể là trì hoãn được sự quá tải cho hệ thống y tế, sẽ còn “một vấn đề trọng tâm” trong thời gian rất dài.

Bà Merkel nói, thoạt tiên, bà đồng ý một cách không ngần ngại các quyết định của Liên bang và Tiểu bang về việc nới lỏng những biện pháp hạn chế. Nhưng lập tức bà nhấn mạnh: “Việc thực hiện các biện pháp ấy, cho đến giờ khiến tôi lo ngại”. Sự việc đôi khi tác động “rất mạnh, nếu không muốn nói là quá mạnh”. Bà kêu gọi: “Quý vị đừng vứt bỏ những gì hiện tại chúng ta đã đạt được và tạo ra nguy cơ bị tái phát”. Hãy hành xử “thông minh và cẩn trọng!”.

Trong tường trình, Thủ tướng Merkel cám ơn tất cả các y bác sĩ, hộ lý và những nhân viên điều dưỡng. Ngoài ra bà còn nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự cộng tác trong Châu Âu và Liên Hiệp Quốc. Về quyết định của Mỹ cắt tài trợ cho WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), bà nói: “WHO là đối tác không thể thiếu được. Và chúng ta ủng hộ họ trong sứ mạng của họ”.

Ngày 22-3, Thủ tướng và Thống đốc các Bang đã ra quyết định ban hành việc cấm một cách rộng rãi sự giao tiếp của toàn dân và các biện pháp tiếp theo như đóng cửa nhiều cửa hàng. Sự “giảm nhiệt” cuộc sống cá nhân và công cộng là nhằm mục đích ngăn chặn lây lan của Coronavirus. Sau những thắng lợi đầu tiên, trong tuần này đã có sự nới lỏng ở mức nhẹ nhàng các biện pháp hạn chế. Tuy thế, những ngày vừa qua, Thủ tướng Đức đã cảnh cáo trước những cách hành xử nhẹ dạ và cảnh báo trước sẽ có các kỷ luật tiếp theo.

Trong cuộc họp Quốc hội Liên bang (Bundestag) lần cuối vào cuối tháng Ba, bản thân bà Merkel đã tự cách ly bởi trước đó bà có giao tiếp với một bác sĩ và ngay sau đó, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Lúc đó, Phó Thủ tướng Olaf Scholz đã thay mặt bà điều hành công việc.

Tác giả bài viết: Hoài Thu chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức