Thư gửi bạn: LENG KENG LENG KENG TÀU ĐIỆN ƠI!
- Chủ nhật - 16/03/2008 13:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trục đường tàu điện mình đi là từ Mơ lên Bờ Hồ. Mình xuống ở Hàng Bài, guốc gỗ gõ lọc cọc trên đường, đi bộ từ Hàng Bài qua một con đường dài để đến bệnh viện Việt Xô thăm ông nội hàng ngày. Năm ấy mình 8 tuổi, ít nói lắm (không như bây giờ). Mình nhớ tiếng tàu điện leng keng và đúng, hình như "người bán vé áo bành tô cũ nát" như trong bài thơ của Phan Vũ vậy. Nhưng Phan Vũ còn viết:
"Leng keng, leng keng,
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ..."
Thời ấy, có khi người lớn thấy khổ. Mà khổ thực. Một thời ăn chẳng đủ no. Bo bo, mì sợi đong thay gạo. Người lớn ai cũng hốc hác. Nhưng trẻ con thì không thấy khổ. Tiếng tàu điện đối với mình là một khúc nhạc vui. Mình thích được đứng ở toa cuối, nhìn qua cửa sổ thông thống không có kính, xem hai bên người ta đạp xe theo tàu như thế nào, ngắm cái đường ray chạy theo mình ra sao. Mà hồi đó dốt lắm, thấy có đoạn đường ray tách nhau ra làm chỗ tránh tàu, thì cứ ngạc nhiên mãi không thôi... "Tại sao đường ray tự động tách ra nhỉ? Tại sao nó biết chỗ này sẽ có hai con tàu đi qua?" Đơn giản thế mà không hiểu được, mà cứ nghĩ mãi cho đến khi nào quên không nghĩ nữa.
Thường mình cứ phải cuốc bộ từ Bách Khoa xuống chợ Mơ, đợi tàu ở đó... Rồi khi về lại từ Mơ mà về Bách Khoa. Thế mới sinh ra một vụ nhảy tàu, tưởng chết. Qua Trại Găng, tàu đi chậm lại, mình thấy các thanh niên nhảy xuống, trông ngon ơ. Thế là quyết tâm bắt chước... Tàu đi qua cổng Bách Khoa ở Bạch Mai, nhảy oạch một cái xuống, ngã quay lơ... nằm ngay sát bánh sắt của tàu.. Eo ơi, nghĩ đến giờ vẫn còn run. Tức thì một đám đông xúm ngay đến. Người mắng mỏ, người xuýt xoa... Những người đi ngang qua đó bằng xe đạp chắc hẳn đã tưởng có tai nạn thật rồi.
Mình nhớ hồi ấy, vé tàu là một đồng, hay một hào nhỉ? Chỉ nhớ đơn vị là một đồng xu tròn. Mỗi lần đi, mẹ lại phát cho hai đồng xu tròn. Có một lần chú soát vé quên không thu tiền của mình. Thế là mình... tự thưởng cho mình một cái kem! Hư nhỉ? Nhưng mà kệ, hư cũng được, vì hồi ấy mình thèm ăn kem lắm. Đôi khi ngoan ngoãn mới được bố mẹ chở lên Bờ Hồ ăn kem que. Cái kem thời bao cấp cũng ngon hơn bây giờ, mặc dù hình như bẩn hơn! Hồi đó bọn trẻ con cứ dọa nhau là kem làm bằng nước lã. Ôi, nước lã thì cũng chén được hết! Mình mê mẩn vị ngọt mát lạnh của que kem mùa đông!
Một lần có chú mình từ Đà Nẵng ra. Chú rủ hai chị em đi tàu điện tham quan thành phố. Một lèo ngồi tàu điện từ Chợ Mơ lên đến Bờ Hồ, rồi đổi tàu đi những đâu đâu nữa, mình chẳng nhớ nữa. Chỉ còn mãi một cảm giác vui sướng, trịnh trọng, vì mình đi "tham quan thành phố" chứ không phải là đi có việc gì nhé. Hà Nội hồi ấy màu xam xám, mình không hiểu sao rất nhớ tiết Đông, mùa Hè thì nóng nên quên rồi... Mình ở trong Bách Khoa, nơi có hoa có lá mọc bên bờ rào… cũng chẳng khác gì xứ quê, ra khỏi vòng bức tường thành là lên tỉnh. Lên chỗ phố cổ thì mê lắm, vì người ta đi lại đông vui, không vắng vẻ như ở trong khu mình thời đó.
Khi lớn lên, mình đi học bằng xe đạp đến Lò Đúc, thi thoảng đi ngang qua đường tàu điện. Bánh xe đạp chèn qua đó vẫn hay bung biêng dễ ngã. Mà sao thời ấy nhiều người bị tai nạn tàu điện thật đấy. Có lần mình thấy một chiếc xe đạp bị kéo xềnh xệch theo tàu một đoạn.
Người Việt mình từ thời ấy đến bây giờ hình như vẫn chưa có… Luật Giao thông. Năm trước về phép, thấy đèn đỏ mà dừng lại là y như rằng bị một số người nhìn như nhìn sinh vật lạ!
Cái hình ảnh trên kia, đúng là hình tàu điện trong ký ức của mình. Những buổi trưa đi thì đỡ đông, giờ tan tầm thì dân tình bám vào cạnh tàu như thế đấy, sợ thật! Con tàu tội nghiệp, thương thương... Mình không có được cảm giác của Trần Đăng Khoa khi nghĩ về tàu điện: "Người xuống và người lên - người nào trông cũng đẹp". Trần Đăng Khoa hồi đó đã biết "hư cấu", chắc vậy!
Tàu điện ở Hà Nội có từ thời Pháp thuộc. Năm 1900 bắt đầu mở tuyến đầu tiên từ Bờ Hồ đến Thụy Khuê. Đường Bờ Hồ - Chợ Mơ của mình có từ năm 1906. Hồi đó, nghe bảo tàu điện được chia thành các toa hạng Nhất, Nhì, Ba. Sau này thì chẳng còn chia hạng vé nữa. Tàu có ba toa, đôi khi chỉ có hai. Trông xuề xòa, bụi bặm, màu sắc xanh đỏ cũng chẳng thắm lên đâu. Thế rồi năm 1991 là năm cuối cùng có tiếng leng keng trên những con đường Hà Nội. Mình cũng may mắn là người chứng kiến được một số cái cuối cùng: lần cuối đi tàu điện năm 91 và lần cuối đón Tết có pháo năm 94. Bọn nhóc 9x như cháu mình không được nếm trải những điều này. Nhưng chúng cũng chẳng biết để mà tiếc. Còn mình, mình tiếc vì những điều ấy là một phần của ký ức tuổi thơ.
Bắt đầu hay hoài cổ... Và thương nhớ đủ thứ trong đời. Thế, nên cứ hay gọi "... ơi!" là như vậy!
Giá bây giờ người ta phục hồi lại một đoạn đường tàu điện nào đó, ví như chung quanh bờ Hồ chẳng hạn, thì cũng thú!