Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thư Sài Gòn: CÓ MỘT HÀ NỘI NHƯ THẾ

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"

(NCTG) Người Bắc vô Sài Gòn, thường ngạc nhiên xen lẫn tức giận khi "bị" người ở đây gọi một cách nửa phân biệt, nửa chọc ghẹo là "Bắc Kỳ"... Cũng chẳng hiểu tại sao lại thế.

"Nam Thiên nhất trụ" (Trời Nam một trụ), Chùa Một Cột tại Sài Gòn

Nhưng nếu cũng là dân "Bắc Kỳ" nhưng lại ở đất Hà Thành thì bạn sẽ được đối xử một cách thật đặc biệt, chắc cũng một phần vì "ưu tiên người Thủ đô". Một phần khác, có lẽ bởi giữa lòng Sài Gòn, những dấu ấn tưởng chừng rất riêng biệt của Hà Nội vẫn luôn luôn hòa trộn một cách sống động, tinh tế và quyến rũ, khiến người Hà Nội trong con mắt người Sài Gòn vô cùng gần gũi, thân quen.

* Từ Chùa Một Cột

Nhắc đến Chùa Một Cột, ai chẳng biết nó ở... Hà Nội. Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa như bông sen nở giữa chốn đô thành, càng làm cho người Hà Nội tự hào lắm lắm. Thế nhưng khi vào đến TP HCM thì tất cả mới ngã ngửa ra, rồi tíu tít hỏi nhau, mắt tròn mắt dẹt: "Ôi, thế ở Sài Gòn cũng có Chùa Một Cột cơ à?"

Vậy ra giữa Sài Gòn, người ta cũng có một ngôi chùa Một Cột của riêng mình cơ đấy. Chỉ cần bon bon chạy xe ra quận Thủ Đức - một quận cách trung tâm thành phố chưa đầy 20 cây số - là bạn có thể chiêm ngưỡng nó giữa một ao sen lấp lánh màu hồng. Qua một cây cầu nhỏ xíu, thật xinh xắn, ngôi chùa đã hiện ra trước mắt bạn, huyền bí mà thật uy nghiêm. Bạn có thể tha hồ hành hương, vãn cảnh và tất nhiên, nếu là người Hà Nội thì tự dưng nơi đây sẽ đem lại cho bạn cảm giác thân thương, gần gũi, bớt vơi đi nỗi nhớ Hà thành.

* ... tói Hồ Con Rùa

Hà Nội có nhiều hồ, đi đâu cũng thấy hồ... tất nhiên dân Sài Gòn ghen tị muốn "nổ con mắt". Cứ theo như báo chí đưa tin thì "Cụ Rùa" khổng lồ ở Hồ Gươm vui tính kinh khủng, lâu lâu khoái chí lại nổi lên cho hậu thế chiêm ngưỡng "rung" nhan rồi lại lặn mất tiêu. Đặc biệt Cụ "tíc cực" trong những dịp trọng đại của đất nước gia như sinh nhật Bác, SEA Games 2003..., chẳng hiểu do trùng hợp hay do gì nữa.

Dân Sài Gòn biết thân biết phận mình chẳng có nhiều hồ như vậy, nên cũng khá "kính nể" Hà thành. Tuy nhiên, cũng còn có một cái hồ mà dân Sài Gòn tự hào ghê gớm lắm, đó là Hồ Con Rùa (dù thật sự nó không giống cái hồ cho lắm) nằm ở gần Nhà thờ Đức Bà. Nếu như người ta thường coi Nhà thờ Đức Bà là mốc số 0 để chỉ trung tâm thành phố thì Hồ Con Rùa cũng nằm trong vòng bán kính của khu vực đó. Gọi là Hồ cho oai chứ thực ra đây chỉ là một khoảnh đất nhỏ xíu, bao bọc bằng bê-tông, xi-măng và có nước bên trong, tất nhiên! Tiếc là không có rùa thật mà chỉ có rùa tượng trưng bằng bê-tông thôi, nghe thì bình thường thế đấy nhưng có đến mới biết nơi đây thu hút dân tình đến chẳng kém gì Hồ Gươm của Hà Nội. Sáng sáng dân thành phố, dân Tây mũi lõ chạy tò tò từ khắp các ngả đường đến đây, coi bộ có không khí lắm. Từ chiều tối đến khuya thì lại từng tốp từng tốp ngồi túm năm tụm ba, trò chuyện rôm rả rồi tóp tép cùng "nhậu" những món cực kỳ dân dã, đặc biệt là "bắp nướng". Bạn đừng bật cười khi tôi dùng từ "đặc biệt" cho món ăn có vẻ bình thường này bởi ở Sài Gòn, để tìm được nó thật khó như hái sao trên trời. Trong khi cứ vào mùa đông ở Hà Nội thì cứ ra đường là nghe mùi bắp nướng thơm nức mũi. Nó là đặc sản ở Sài Gòn bên cạnh món khoai lang nướng đấy.

Còn cái chuyện Cụ Rùa lâu lâu mới nổi lên ở Hồ Gươm thì ngược lại, dân Sài Gòn lại chẳng bao giờ phải chờ đợi cái sự "lâu lẩu lầu lâu" ấy bởi lúc nào thích là được coi liền. Tuy nhiên phải nhìn từ trên cao xuống mới thấy được. Chiếc hồ với đỉnh tháp bằng bê-tông với những chi tiết khá phức tạp bao quanh được xem như cái mai rùa. Còn sáu con đường bao quanh nó tượng trưng cho đầu, chân và đuôi rùa. Cụ Rùa bê-tông này oai vệ lắm, bởi vì nằm ở vị trí trung tâm nên hầu như tất cả những sự kiện lớn nhất của thành phố, người ta đều đổ dồn về đây. Sướng lắm! Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm qua, "Cụ" chẳng bao giờ phải "lặn" đi đâu cả cho mỏi mắt dân tình chờ đợi trong buồn tủi.

* Ai bảo Sài Gòn không có mùa đông?

Kìa, bạn đừng có nhìn tôi như thế? Ai chả biết Sài Gòn nóng, nóng đến mức mà những người... chưa từng đặt chân tới thường kháo nhau: "Nóng lắm, ai muốn trốn đăng ký tạm trú ở Quảng Ninh thì cứ vào đó sống một tuần là đảm bảo ra Quảng Ninh không ai thèm sờ mó hỏi giấy tờ". Hừm... đúng thì cũng có đúng, nhưng mà... oan ức lắm!

"Nắng Sài Gòn" dưới con mắt nhà tạo mốt Valerie Gregori McKenzie - Ảnh: "Thanh Niên"

Ừ thì ở Sài Gòn có nóng thật, nhưng đó là nóng vào thời khắc "mùa hè" trong ngày (mà đã là mùa hè thì Hà Nội còn nắng khủng khiếp hơn ấy chứ). Chắc bạn lại tròn mắt lên như một chú nai vàng ngơ ngác kiểu Lưu Trọng Lưu chứ gì? Nhưng cứ từ từ, bình tĩnh đã nào. Bạn đã từng nghe nói đến Đà Lạt một ngày có đủ cả 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông chưa? Chắc chắn bạn đã nghe rồi. Vậy thì Sai Gòn cũng chẵng khác gì, chỉ có điều không quá rõ nét như ở xứ sở hoa Đà Lạt mà thôi.

Không tin, bạn hãy thử đến Sài Gòn, đặc biệt là vào dịp cuối năm, để tận hưởng không khí mùa Xuân ấm áp vào buổi sáng, cái nắng gay gắt mùa Hè lúc trưa - chiều, cái mát lạnh dịu nhẹ của trời Thu buổi tối và cái lạnh mùa Đông giữa đêm khuya. Đó cũng chính là lý do vì sao mà nhiều người cảm thấy nghịch lý khi ở Hà Nội, càng về đêm càng nóng, càng oi bức thì người Sài Gòn đêm đắp chăn, ngày đắp chăn. Thậm chí nhiều khi đêm lạnh quá phải cầu cứu cả những chiếc chăn bông to như đại bác mới hi vọng ngủ được yên giấc đến sáng.Vậy thì ai bảo Sài Gòn không có mùa đông?

* Ẩm thực Hà Nội ư? Chuyện nhỏ!

Dù người Sài Gòn có muốn "chảnh" bao nhiêu đi nữa cũng không dám mang ẩm thực ra so với Hà Nội. Khác gì lấy "cổ gà chọi dao phay". Chính vì thế mà ẩm thực Hà Nội xuất hiện ở Sài Gòn như một phần tất yếu. Có "cung" ắt phải có "cầu" theo sau mà. Đi tới bất kỳ con phố nào, ngõ ngách nào bạn cũng thấy nhan nhản các quán từ nhỏ đến lớn gắn bảng hiệu "Made in Hà Nội". Ví dụ như mỗi một cái thương hiệu "Phở Lý Quốc Sư" thôi mà ra đường Trần Huy Liệu, Quận Phú Nhuận, đã thấy khoảng... chục quán, lúc nào cũng đông nghẹt khách.

Ngoài Phở Hà Nội ra, còn có vô số những nhà hàng Hà Nội gắn mác "chính hiệu" nằm khắp mọi nơi, hoa cả mắt. Nào là Chả Cá Hà Nội (đường Trần Nhật Duật), Bánh Cuốn Tây Hồ (Đinh Tiên Hoàng)... Hay nhà hàng Dáng Xưa chuyên về ẩm thực Hà Nội ở Cao Thắng, Quận 3... Mà không phải chỉ người Hà Nội mới đến những nhà hàng như vậy đâu, khách Sài Gòn và dân tứ xứ, khách Tây nghe tiếng cũng cứ kéo đến nườm nượp, nhiều khi chẳng còn chỗ mà để xe nữa. Có lẽ vì thế mà cả một hệ thống bán nguyên liệu để chế biến các món ăn Hà Nội đã liên tiếp xuất hiện, như ở Pasteur, Trần Quốc Toản, Nguyễn Bỉnh Khiêm, chợ Tân Sơn Nhất, chợ Ông Tạ... Nhờ thế mà những món ăn Hà Nội đắt khách, kén nguyên liệu cũng không bao giờ bị "cháy" nguyên liệu tại Sài Gòn.

* Và cả một khu phố của người Hà Nội

Có lẽ đặc biệt nhất ở Sài Gòn chính là ở đây một con phố "của người Hà Nội ", đó là Lê Lợi. Từ năm 1954 và năm 1975, người Hà Nội đã di tản vào sống tại đây rất nhiều, nên hầu như quán xá và mọi thứ ở đây đều mang dấu ấn Hà Nội. Hay ở Cống Quỳnh cũng vậy, tuy không nhiều bằng Lê Lợi nhưng cũng ngập tràn những gì đó rất thủ đô như Siêu thị Hà Nội (một ở Cống Quỳnh và cái thứ hai vừa đi vào hoạt động ở đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận), rồi thì Siêu thị Trái cây Hà Nội ở quận Bình Thạnh...

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy hương vị Hà Nội trên những con đường Sài Gòn rợp bóng cây. Ai từng một lần ra Hà Nội hẳn không thể quên những con đường rợp bóng cây. Gĩữa Sài Gòn, bạn cũng có thể tìm được cảm giác như vậy khi thả mình trên đường Lê Lợi, Nguyễn Du... Lòng vòng tản bộ dưới những cây cổ thụ: me, dầu, sao... bạn sẽ thấy sự lãng mạn mà người ta thường ca ngợi khi nói về Hà Nội. Hoàn toàn có thể tìm thấy nó giữa đất Sài thành!

*

Vâng, đúng là có một Hà Nội như thế tồn tại ngay giữa Sài Gòn, như một bông hoa tô điểm cho thành phố thêm nhiều sắc màu tươi mới. Bất kỳ lúc nào, bạn cũng có thể tìm thấy một cái gì đó tinh tế, thuần khiết, thanh lịch rất Hà Nội phảng phất giữa mảnh đất trẻ trung, năng động và phồn hoa này!

Tác giả bài viết: Trúc Quỳnh, từ Sài Gòn - ngày 31-12-2004