Thư Hà Nội: HÀ NỘI BUS
- Thứ năm - 17/01/2008 15:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Ơn trời, vì đi xe buýt nên tôi có có hội để biết nhiều chuyện thường mình không biết” – Ảnh: “VietNamNet”
Xí nghiệp xe điện Hà Nội có đồng phục cho nhân viên, có loa tự động nhắc cho hành khách mỗi khi sắp đến bến (không biết có phải trên tất cả các tuyến hay chỉ có tuyến Cầu Giấy - Lương Yên nhằm hôm tôi đi). Mấy công ty khác nhân viên cũng có đồng phục, cũng cư xử nhã nhặn với khách, nhưng không hiểu sao một lần đi tuyến xe ra Mỹ Đình, lại gặp một xe... tuyềnh toàng quá cỡ. Nhân viên có 3 người (bình thường chỉ 2): một bác lái xe già, một anh phụ xe trẻ và một cô gái trẻ (không biết làm gì). Bác già không nói gì, nhưng cậu trẻ và cô trẻ thì buôn hết chuyện này đến chuyện khác, toàn chuyện tình tang nghe đến tức cười. Cũng không thấy mấy người này mặc đồng phục gì cả. Hai người này làm ồn ã cả chuyến xe, trong khi hành khách trật tự yên lặng. Lúc tôi xuống xe lại được họ mượn mất tờ báo (vừa mua 3 nghìn đồng).
Ơn trời, vì đi xe buýt nên tôi có có hội để biết nhiều chuyện thường mình không biết. Có thời gian thật rỗi những khi ngồi chờ xe nhìn người qua lại trên đường, nhìn thành phố những ngày mưa nắng, những buổi sáng chiều đổi thay...
Tôi có nhiều thời gian để nhìn những gương mặt người trên các chuyến xe. Khách đi xe phần lớn là học sinh sinh viên, số này thường đi thành nhóm, và họ gọi tên nhau hay nói chuyện này nọ với nhau trên xe; có một ít người già; những viên chức thì không có mấy, nhưng chuyến xe nào cũng có dăm vài người trung tuổi. Những người trẻ đi bằng cách mua vé tháng - 80.000đ/tháng. Những người như tôi trả tiền hàng chuyến, mỗi lượt 3.000đ. Xe nào cũng có biển nội quy, kẻ rõ ràng trang trọng và đặt ngay phía trước để mọi người trên xe đều đọc được.
Tôi bỗng nhận ra có sự khác biệt vô cùng giữa các thế hệ trên xe buýt. Những người trẻ luôn sẵn sàng nhường chỗ cho người khác, họ sẵn sàng đưa tay giúp người khác đứng vững; những người già, thôi không nói làm gì, họ đương nhiên được hưởng quyền ưu tiên khi đi xe. Nhưng những người trung niên, độ tuổi 40, 50, hay hơn một chút, đàn ông cũng như đàn bà, không bao giờ có ý niệm nhường chỗ cho bất kể cụ già, em nhỏ, phụ nữ mang thai hay người tàn tật. Họ, hoặc sẽ tránh ánh mắt bạn, nhưng phần lớn sẽ nhìn chằm chằm vào bạn, ngay khi bạn lên tiếng đề nghị, họ cũng mặc nhiên không đứng dậy. Họ coi chỗ ngồi mà họ chiếm được (dù có thể qua vài bến thôi) là đương nhiên của họ.
Tại sao vậy? Những người trẻ dễ xúc cảm hơn, hay vì họ không trải qua thời kỳ chịu muôn vàn khổ ải cả vật chất lẫn tinh thần để giờ đây, phải sợ hãi khư khư giữ chặt lấy bất kể miếng gì nắm được? Những người trẻ đã không trải qua năm tháng của lớp trung niên, để coi sự hèn không có gì đáng phải xấu hổ? Phải chăng, vì vậy, nên xuống đường vì Trường Sa, Hoàng Sa cũng chỉ là những người trẻ tuổi (mà trong số họ, nhà báo Xuân Bình sinh vào đầu thập niên 60 thuộc một trong số người có tuổi nhất)?