Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tham gia Trung Tâm Sống Độc Lập (Hà Nội): DẤU MỐC LỚN TRONG CUỘC ĐỜI TÔI

(NCTG) “Giờ đây, tôi cảm thấy thế giới quanh tôi đã phẳng hơn rất nhiều, và các rào cản gần như đã được xóa bỏ hoàn toàn. ILC (Trung Tâm Sống Độc Lập) chắc chắn sẽ là một phần không thế thiếu trong cuộc đời của tôi” - TS. Nguyễn Ngô Việt chia sẻ.

TS. Nguyễn Ngô Việt cùng các bạn hữu (TS. Phan Xuân Chi, TS. Lê Ngọc Thành...) trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Budapest (năm 1994) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh Nguyễn Ngô Việt, làm việc tại Tổng cục Bưu điện Việt Nam từ năm 1980, sang Hungary làm NCS năm 1989. Năm 1992, trong một tai nạn ôtô, anh bị chấn thương rất nặng và phải ngồi xe đẩy. Giám định Y khoa cho thấy, anh bị mất sức lao động tới 95%. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, anh đã tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế năm 1993.

Về nước năm 1994, thời gian đầu, anh làm việc (tại nhà) cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Với quyết tâm trau dồi, nỗ lực để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, trên cương vị một dịch giả tự do làm công tác dịch thuật, anh còn dịch và tổ chức biên dịch nhiều đầu sách.

Chia sẻ sau đây của TS. Nguyễn Ngô Việt với NCTG về Trung Tâm Sống Độc Lập của người khuyết tật Hà Nội (ILC - 42 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội) - một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận và dựa vào cộng đồng, hoạt động với mục đích hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật - hy vọng sẽ mang lại cho độc giả một vài khái niệm cơ bản về Phong trào Sống độc lập, hướng người khuyết tật có thể tự quyết định và điều khiển toàn bộ sự hỗ trợ của người khác đối với mình. (NCTG)

*

Trong đời của mỗi người đều có những cột mốc quan trọng, đánh dấu những thay đổi lớn, có ảnh hưởng - thậm chí thay đổi - cả cuộc đời. Đối với tôi, đó là việc bị tai nạn và trở thành người khuyết tật.

Sau khi bị khuyết tật, cuộc đời tôi cũng có hai dấu mốc quan trọng.

Dấu mốc quan trọng thứ nhất là việc triển khai Internet ở Việt Nam năm 1997. Từ Hungary trở về Việt Nam năm 1994, thời gian đầu cơ hội làm việc của tôi không nhiều. Do phải ngồi xe đẩy nên việc đi lại, liên lạc với mọi người là một rào cản rất lớn. Vào thời điểm đó, nếu có làm việc cho cơ quan thì hiệu quả cũng rất thấp. Vì vậy, công việc chủ yếu của tôi lúc đó là dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên, khi Internet được triển khai ở Việt Nam, thế giới quanh tôi đã trở nên phẳng hơn rất nhiều, các rào cản trong quan hệ làm việc với các đồng nghiệp, đối tác làm ăn cũng như trong quan hệ giao lưu tình cảm với họ hàng bạn bè cũng đã giảm đi rất nhiều. Lúc này tôi đã có thể làm việc qua mạng với cơ quan, các đối tác trong nước và khắp nơi trên thế giới. Vấn đề việc làm và giao lưu qua mạng đã không còn là cản trở đối với tôi.

Dầu sao đi nữa, tôi vẫn cảm thấy một số rào cản khác như việc đi dự các cuộc hội nghị, gặp gỡ bạn bè, đi lại thăm hỏi, hiếu hỉ… Và sự phụ thuộc vào gia đình trong sinh hoạt vẫn còn nhiều.

TS. Nguyễn Ngô Việt nhận giấy Chứng nhận tham dự tập huấn - Ảnh: Trung Tâm Sống Độc Lập (Hà Nội)

Dấu mốc quan trọng thứ hai là việc tham gia Trung Tâm Sống Độc Lập (Hà Nội). Từ chương trình giới thiệu trên TV, tôi đã được biết đến Trung Tâm. Thông qua chương trình cũng như tìm hiểu qua mạng, tôi thấy ngay đây là mô hình rất hữu ích đối với những người khuyết tật như tôi. Và tôi đã đăng ký tham gia khóa tập huấn cho các user (người sử dụng dịch vụ của Trung Tâm) trong 2 ngày 22 và 23-7-2010.

Với sự hướng dẫn và giới thiệu tận tình của các anh chị tại ILC, chúng tôi đã hiểu thêm rất nhiều về phong trào sống độc lập, về mục đích, hoạt động, cũng như các dịch vụ của ILC, về user và PA (người trợ giúp cá nhân), các quyền lợi, nghĩa vụ cũng như mối quan hệ giữa họ. Chúng tôi còn được trang bị những kiến thức cơ bản để sống độc lập như đi chợ, nấu ăn, làm vệ sinh trong nhà, sắp đặt trang trí đồ vật trong nhà…

Khóa tập huấn tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình cảm nồng hậu của các anh chị ở ILC cũng như của sự tận tình giúp đỡ vô tư của các PA và không khí vui vẻ, chan hòa, ấm áp mà các user và PA đã tạo ra. Giờ đây, tôi cảm thấy thế giới quanh tôi đã phẳng hơn rất nhiều, và các rào cản gần như đã được xóa bỏ hoàn toàn. ILC chắc chắn sẽ là một phần không thế thiếu trong cuộc đời của tôi.

Hy vọng rằng phong trào sống độc lập sẽ phát triển mạnh mẽ với quy mô rộng lớn ở Việt Nam để tất cả mọi người khuyết tật ở khắp nơi trong cả nước có thể được hưởng những quyền đã được ghi tại Điều 19 của Công ước về quyền của người khuyết tật: “Các quốc gia thành viên Công ước này công nhận người khuyết tật có quyền đươc sống bình đẳng trong cộng đồng, có những sự lựa chọn bình đẳng với những người khác và sẽ tiến hành những biện pháp hữu hiệu và thích hợp để tạo điều kiện cho người khuyết tật được hưởng thụ đầy đủ quyền này và bảo đảm sự hòa nhập và tham gia đầy đủ của họ vào cộng đồng…

Một nhóm người khuyết tật trước Trung Tâm ILC - Ảnh: Trung Tâm Sống Độc Lập (Hà Nội)

Để thực hiện được điều này một cách đầy đủ ở nước ta chắc vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là từ phía nhà nước và các cơ quan hữu quan.

Và tôi cũng hy vọng rằng, thông qua các phương tiện truyền thông, nhận thức của mọi người về người khuyết tật và nghề PA cũng sẽ khác đi. Người khuyết tật thực sự được đối xử bình đẳng trong mọi lĩnh vực và nghề PA được coi là một nghề bình thường như bao nghề khác, thậm chí còn có ý nghĩa nhân văn rất lớn.

Được biết, ILC được Quỹ Nippon Foundation của Nhật tài trợ, hoạt động vẫn còn hạn chế ở khu vực Hà Nội (cũ) và chưa nhận được khoản hỗ trợ gì về tài chính từ phía nhà nước. Điều này gây cho tôi khá nhiều suy nghĩ. Tôi cảm thấy có cái gì đó giống như là khi mình gặp khó khăn mà không nhận được sự giúp đỡ từ người nhà, phải nhờ đến sự hỗ trợ của người ngoài.

Mong rằng tình hình này sẽ chóng được thay đổi khi Nhà nước công nhận PA là một nghề và thiết lập hệ thống người hỗ trợ công để hỗ trợ người khuyết tật nặng sống tại cộng đồng.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Ngô Việt