TƯƠNG LAI NÀO ĐÓN ĐỢI MYANMAR?
- Thứ tư - 01/12/2010 13:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xây dựng nền dân chủ là phải kéo tự do xuống đời sống hàng ngày của người dân. Bà Aung San Suu Kyi tin vào quyền uy tối thượng của nhân dân, rằng quyền lực phải được trao cho nhân dân và chỉ có các đại diện của dân mới có quyền lãnh đạo đất nước.
Bà Aung San Suu Kyi
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, 65 tuổi đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Hoặc tiếp tục đấu tranh lâu dài hoặc thực hiện đường lối mềm dẻo mà vẫn không từ bỏ mục tiêu cuối cùng. Bà tham khảo phương cách của Jawaharlal Nehru, vào tuổi 57 vẫn thỏa hiệp để Ấn Độ được độc lập, chấp nhận một phần đất nước tách thành Pakistan? Bà xem xét đấu pháp của Nelson Mandela, vào tuổi 70 đã chọn đàm phán với Aphacthai để đưa Đại hội dân tộc Phi lên cầm quyền? Nhưng bà Suu Kyi cũng có thể tạo nên sự khác biệt bằng con đường riêng của mình!
Hy vọng xen lẫn lo âu
Ngày 28-11, đặc sứ Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vijay Nambiar cho biết đã đề cập với chính quyền quân nhân Myanmar nên giải quyết các quan ngại về cuộc tuyển cử ngày 7-11 theo cách càng minh bạch càng tốt nhằm tạo cơ sở cho quá trình chuyển tiếp dân chủ. Trong chuyến công du đến Myanmar hai ngày cuối tuần, đặc sứ Nambiar đã gặp các thành viên trong chính phủ, các đảng chính trị chủ chốt và các nhóm xã hội dân sự. Ông đã nghe nhiều đảng phái bày tỏ cả niềm hy vọng xen lẫn lo âu sau cuộc bầu cử đầu tiên của Myanmar trong vòng 20 năm qua.
Kết thúc bầu cử, chính quyền đã phóng thích nhân vật được giải Nobel Hòa bình 1991 Aung San Suu Kyi sau nhiều năm quản thúc tại gia. Từ khi được tự do (13-11), bà Suu Kyi luôn bận rộn với các cuộc tiếp xúc với giới ngoại giao, các đại diện của LHQ, các chính trị gia và các tổ chức quốc tế. Trả lời phỏng vấn (21-11), bà Suu Kyi xác nhận không loại trừ khả năng hợp tác với quân đội, vì quân đội có vai trò trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là Myanmar sẽ đi đến một sự chuyển tiếp như thế nào và qua bao nhiêu giai đoạn.
Xuất hiện trước hàng ngàn đồng bào, bà Suu Kyi không biểu lộ một nét hận thù nào vì những năm tháng tù đầy, mà nở nụ cười khoan dung, phúc hậu, với cặp mắt sáng và bông hoa cài trên mái tóc. Bà không chỉ trích cuộc bầu cử mà một số nước trên thế giới cho là chưa dân chủ. Cơ quan phụ trách truyền thông Myanmar đã đình bản 9 tờ báo từ một đến hai tuần, nhưng không cho biết là các báo này đã vi phạm những điểm cụ thể gì. Theo một ký giả giấu tên, các tờ báo này đã đưa tin, ngay trên trang nhất, về việc trả tự do cho bà Suu Kyi.
Bà Suu Kyi kêu gọi thả hơn 2.000 tù chính trị để hoà giải, hàn gắn tình đoàn kết dân tộc. Bà kêu gọi quốc tế giúp mở cuộc “đối thoại” với chính phủ. Bà ý thức được rằng, xây dựng nền dân chủ là phải kéo tự do xuống đời sống hàng ngày của người dân. Bà tin vào quyền uy tối thượng của nhân dân, rằng quyền lực phải được trao cho nhân dân và chỉ có các đại diện của dân mới có quyền lãnh đạo đất nước. Bị bắt bớ, giam cầm 15 năm trong 21 năm đấu tranh, nhưng bà quyết không rời đất nước, không xa đồng bào của mình.
Một trong những thách thức hiện nay đối với bà Suu Kyi là đưa ra được cương lĩnh phù hợp với tình hình thực tế. Đang có sự chia rẽ trong hàng ngũ Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Đảng của bà từng bị chính quyền phủ nhận chiến thắng giành được trong tuyển cử năm 1990, nay đã bị giải tán vì tẩy chay cuộc bầu cử vừa qua. Thêm vào đó là sự chia rẽ giữa các thành viên kỳ cựu trong đảng với các thành viên tương đối trẻ đang lên. Vừa làm trọng tài giữa hai bên, bà Suu Kyi vừa phải hướng tới việc cũng cố đội ngũ, thiết kế chiến lược đấu tranh mới.
Lộ trình dân chủ của Myanmar
Thành tựu của ASEAN trong quá trình can dự vào Myanmar chính là “lộ trình hướng tới hòa hợp dân tộc và dân chủ”, văn kiện quy định kế hoạch 7 bước chuyển từ chế độ quân nhân sang một nhà nước dân chủ. Hai trụ cột của lộ trình là soạn thảo và áp dụng hiến pháp mới, đồng thời tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng. Cải cách chính trị ở Myanmar là niềm hy vọng của ASEAN khi kết nạp Myanmar. Bản lộ trình là kết quả các nỗ lực của Indonesia, Thái Lan, Philippens và Singapore nhằm đưa vấn đề Myanmar vào chương trình nghị sự của khối.
Trước tuyển cử, tiếng nói của ASEAN, đặc biệt là của Tổng thư ký Surin Pitsuwan khá thẳng thắn đối với Myanmar. Tổ chức này không ngần ngại nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc bầu cử tự do và công bằng đối với uy tín của Myanmar và ASEAN. Tuy nhiên, những nỗ lực của ASEAN nhằm thuyết phục Myanmar cho phép quan sát viên quốc tế hoặc của ASEAN đã bị phớt lờ. Ngay trước tuyển cử một tuần, ông Pitsuwan còn tuyên bố: “Những gì xẩy ra sau bầu cử có thể có ý nghĩa quan trọng hơn so với chính bản thân cuộc bầu cử”.
Mạng tin Diễn đàn Đông Á (từ Sydney, Úc) chỉ rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan của ASEAN: đôi tay của tổ chức được coi là bị trói giữa lập trường của phương Tây và lập trường của Trung Quốc. Những tuyên bố mạnh bạo của tổ chức này hỗ trợ cho tiến trình dân chủ ở Myanmar tuy có vẻ có sức thuyết phục nhưng vẫn có thể bị phương Tây xa lánh vì đã không gây đủ sức ép lên Myanmar. Tuy nhiên, ASEAN lại có thể làm cho Trung Quốc không hài lòng nếu hành động theo hướng ngược lại (dồn ép chính quyền Myanmar cải cách dân chủ).
Một số nhà phân tích hy vọng cuộc bầu cử 7-11 có thể đưa lại sự cởi mở cho nền kinh tế đang do chính quyền quân nhân kiểm soát. Là một trong những nước nghèo nhất vùng Đông Nam Á, Myanmar có cơ hội để tiến vào giai đoạn phát triển mới sau cuộc tổng tuyển cử và việc trả tự do cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, theo bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền có tên “Mạng lưới ASEAN”, tình hình chưa có nhiều thay đổi. Đại bộ phận dân chúng vẫn cảm thấy hoài nghi và bất mãn đối với cuộc bầu cử.
Cuộc cải cách rốt ráo về chính trị và kinh tế ở Myanmar không chỉ tùy thuộc vào những năng động nội bộ, mà còn liên quan đến lập trường của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo chuyên gia Maung Zarni từ “The London School of Economics”, cả hai nước này đang đầu tư lớn nhất ở Myanmar hiện nay, từng có tác động cản trở nhiều hơn là khuyến khích tiến trình dân chủ ở đây. Từ nay, dư luận mong đợi cả hai cường quốc này vừa có quan hệ với chính quyền quân nhân Myanmar, vừa tiến hành các động thái hòa giải với các lực lượng dân chủ.
(*) Bài viết đã trích đăng trên “Sài Gòn Tiếp Thị”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.