Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỰ DO BÁO CHÍ

(NCTG) Tự do báo chí được hiểu là trạng thái mà các nhà báo được quyền tự quyết về nội dung các sản phẩm báo chí do họ biên tập, dàn dựng, chỉ dựa vào và thông qua kiến thức chuyên môn, trải nghiệm và ý kiến của họ, chứ không bị hạn chế bởi những tác động bên ngoài, cũng như những đe dọa và rào cản về mặt pháp luật.

Tự do báo chí chính là quyền được mở miệng của người dân - Minh họa: các dân biểu đảng đối lập LMP phản đối việc thủ tiêu tự do báo chí tại Hungary bằng cách tự dán băng keo miệng trong phiên họp bỏ phiếu thông qua Đạo luật Truyền thông mới (tháng 12-2010). Hàng chữ trên biểu ngữ: “Tự do báo chí đã sống được 21 năm” (thường là dòng chữ khắc trên mộ chí).


Theo nghĩa ấy, trên nguyên tắc, tự do báo chí là một quyền cơ bản của con người, và đồng thời cũng là một giá trị mang tính phổ quát. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của LHQ và Công ước Châu Âu về Nhân quyền đều đảm bảo quyền tự do tìm hiểu và truyền bá ý kiến, tư tưởng, tin tức và thông tin. Đại đa số các quốc gia trên thế giới đều đưa việc bảo vệ quyền tự do báo chí vào Hiến pháp, nhưng sự thực hiện trong thực tế quyền hiến định này thì không đồng nhất.

Chính quyền luôn có vô số phương pháp để hạn chế quyền tự do báo chí. Cách rõ ràng nhất là áp dụng hệ thống kiểm duyệt, đặt nội dung của các sản phẩm báo chí dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước. Tự do báo chí cũng bị vi phạm khi ký giả bị đe dọa, hành hung, thậm chí giết chóc, ám hại bởi các cơ quan công lực thuộc bộ máy chính quyền, hoặc những tổ chức bạo lực gần gũi với chính quyền.

Đáng nói là trong sự diễn giải quyền tự do báo chí cũng có rất nhiều khác biệt giữa các quốc gia, các chính phủ. Ngay cả tại các quốc gia được coi là tự do báo chí, quyền tự do của báo chí cũng không tuyệt đối, hoặc có những ý kiến mà việc đưa lên báo chí là không được phép.

Chẳng hạn, rất nhiều thành viên của Liên hiệp Châu Âu cấm phủ nhận holocaust, nghĩa là cấm việc đăng tải những ý kiến cho rằng chưa từng có sự diệt chủng holocaust, hoặc nếu có xảy ra đi nữa thì mức độ của nó cũng nhỏ hơn những gì mà đa số giới sử gia cho là hiện thực. Ở Mỹ, việc giới hạn quyền tự do báo chí theo hướng như thế là điều bất khả.

Nhiều nước Châu Âu, trong đó có Hungary, hạn chế việc đăng tải những “biểu tượng độc tài” (trong số đó có sao đỏ và búa liềm), trong khi những biểu tượng đó có thể là một phần quốc kỳ hoặc quốc huy của những nước khác (như của Áo).

Đạo luật Bầu cử của Hungary cấm báo chí đưa những ý kiến chính trị hoặc những bài tường thuật trong ngày bầu cử, chừng nào việc bầu bán chưa “khóa sổ”, vì cho rằng đó là điều có thể ảnh hưởng, tác động đến ý nguyện tự do của cử tri. Ngược lại, trong thực tế thực thi dân chủ tại nhiều nước khác, hạn chế theo cách đó việc thể hiện ý kiến, quan điểm là điều không được phép.

Đại đa số các quốc gia có truyền thống dân chủ phát triển không cho rằng nhà nước có nhiệm vụ ấn hành báo chí, thậm chí việc chính phủ hoặc một đảng cầm quyền ra báo còn bị coi là bất thường - những sản phẩm như thế không được coi là báo chí độc lập và tự do. Ngược lại, ví dụ như ở Trung Quốc, đảng cầm quyền ra tờ “Nhân dân Nhật báo” với 4 triệu ấn bản.

Ở nhiều nước - trong số đó có cả những quốc gia mà nền báo chí được cho là tự do - nhà nước có thể duy trì đài phát thanh hoặc truyền hình bằng kinh phí (một phần hay toàn bộ) từ ngân sách, từ tiền thuế của dân. Rõ ràng là trong trường hợp này, chính quyền có thể tìm cách ấn định nội dung của các chương trình phát, khiến tự do báo chí bị vi phạm ở những mức độ khác nhau.

Dầu sao đi nữa, không thể phủ nhận được vị trí và tầm quan trọng của tự do báo chí, như lý giải của tổ chức “Freedom House”: “Tự do báo chí đóng vai trò then chốt trong sự duy trì các nền dân chủ, góp phần để người dân có thể có ý kiến với cách hành xử của chính quyền, khiến công việc của chính quyền trở nên có chất lượng cao hơn và nền kinh tế được phát triển hơn.

Nhưng quan trọng nhất là, những chính sách hạn chế truyền thông thường là dấu hiệu sớm cho thấy chính quyền cũng có dụng ý tấn công cả những định chế khác của nền dân chủ!”.

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ, theo các tư liệu Hungary