Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRUYỀN THÔNG VÀ CÔNG LUẬN THẾ GIỚI VỚI CUỘC THẢM SÁT TẠI PHÁP

(NCTG) Ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố giết hại mười hai người tại trụ sở báo “Charlie Hebdo”, một số cơ quan truyền thông có uy tín đã quyết định không tái đăng tải những tấm ảnh châm biếm bị coi là “nhạy cảm” của các nhà báo Pháp. Động thái này đã gây nên làn sóng phản đối và bất bình trong công luận, và từ nhiều cơ sở ngôn luận khác.

Hơn ba mươi cơ quan báo chí ở Mỹ đã để logo dưới dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie)

Tòa soạn CNN đưa ra một chỉ thị nội bộ hạn chế tối đa việc đăng tải những tấm ảnh của các họa sĩ biếm họa “Charlie Hebdo” và nếu có đưa thì cũng phải loại bỏ những phần bị coi là xúc phạm tới Hồi giáo. Có điều, CNN vẫn cho phép các nhân viên của hãng tin này dùng lời lẽ để mô tả kỹ lưỡng những bức hình hí họa đó.

Dầu vậy, quyết định của CNN đã làm dấy lên sự giận dữ và bất bình lớn trên mạng Internet, nhiều “công dân mạng” nhấn mạnh rằng như vậy là sự khủng bố Hồi giáo đã chiến thắng, và lẽ ra chính CNN - hơn ai hết - phải bày tỏ quan điểm ủng hộ tự do báo chí ở mức cao nhất.

Để trả lời, CNN phải ra một thông cáo nói rằng họ sẽ tiếp tục bàn bạc để rút ra phản ứng thích hợp nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Nhiều tờ báo, hãng tin tiếng Anh khác - như “New York Daily News”, “The Wall Street Journal”, “Telegraph” hay “Associated Press” cũng “tiếp nối” CNN trong việc không đăng lại các biếm họa “Charlie Hebdo”.

Sau hơn một ngày bàn đi tính lại, tờ báo lớn “The New York Times” rốt cục cũng đưa ra quan điểm cho rằng những bức vẽ của “Charlie Hebdo” đã vượt khỏi khuôn khổ của sự châm biếm thông thường, và mang màu sắc xúc phạm. Ban biên tập tờ báo cho rằng, bằng việc mô tả các hí họa bằng câu chữ thì độc giả cũng đã được cung cấp những thông tin đầy đủ và cần thiết.

Tuy nhiên, rất nhiều tờ báo, trang tin và những cá nhân khác đã có ý kiến ngược lại. Bên cạnh các cơ sở báo chí đưa dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) với hàm ý ủng hộ và đồng cảm với “Charlie Hebdo”, nhiều tờ báo như “Berlingske” (Đan Mạch), “Corriere della Sera” (nhật báo hàng đầu của Ý), các báo mạng tại Hungary... đều đăng lại một số tranh biếm họa của “Charlie Hebdo” về Đấng tiên tri Mohammad.


Hí họa của David Pope

Đặc biệt, vô số các nhà hí họa, các “dân báo” (blogger) trên toàn thế giới đã tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát ở tòa soạn “Charlie Hebdo” theo cách rất riêng, bằng chính vũ khí và phương tiện biểu đạt của những người đã khuất: cây bút chì và những biếm họa.

Chẳng hạn, họa sĩ David Pope của tờ nhật báo “Canberra Times” (Úc) đã cho đăng trên mạng xã hội Twitter họa phẩm mô tả cảnh tượng một biếm sĩ nằm bất động, cạnh đó là một tên khủng bố với khẩu súng còn bốc khói trên tay, và nói rằng: “Hắn sử dụng vũ khí (vẽ) trước”.

Biếm sĩ Ấn Độ Manjul thì lấy hình tưởng tháp Eiffel - biểu tượng nước Pháp - bị một chiếc máy bay đâm phải, và trên đỉnh tháp là một ngòi bút, tượng trưng cho sức mạnh của cây viết. Nhà hí họa Christian Adams của tờ “Daily Telegraph” đăng một bức tranh rỗng với dòng chữ “Biếm họa đã được những kẻ cực đoan phê duyệt”.

Đặc biệt, “The Weekend Australian” (Úc) số ra ngày thứ Bảy, 10-1-2015, đã đăng một biếm họa mới, rất táo bạo khắc họa sự hiện diện của cả Đức Chúa Jesus và Đấng tiên tri Mohammad. Đồng thời, trong bài xã luận, tờ báo này kêu gọi các quốc gia Phương Tây đừng nản chí trong sự nghiệp bảo vệ những giá trị cơ bản, và đừng lùi bước trong tự do báo chí.

Sau đây là một số hí họa thể hiện sự đoàn kết, đồng cảm, tình đồng nghiệp và nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận của các nhà báo từ nhiều nơi trên thế giới:

 






















Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo index.hu