Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRÙNG TU NHÀ THỜ ĐỨC BÀ LÀ “BIỂU TƯỢNG SỰ KIÊN CƯỜNG CỦA DÂN TỘC PHÁP”

(NCTG) “Nếu việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà quan trọng với tất cả chúng ta, thì chắc chắn là vì đó là biểu tượng của sự kiên cường của dân tộc, của khả năng vượt qua những thử thách và vươn lên”.
Vụ hỏa hoạn định mệnh tối 15-4-2019 - Ảnh tư liệu
Tối hôm nay, 15-4, Emmanuel, quả chuông lớn thứ hai của nước Pháp, đúc vào năm 1686 trên ngọn tháp phía Nam của Nhà thờ Đức Bà Paris, gióng lên vào đúng 20h, để tưởng niệm thời điểm vụ hoả hoạn tròn một năm trước.

Tiếng chuông ngân lên đồng thời cũng là để cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, vẫn luôn được người dân Pháp vỗ tay cảm ơn trên cửa sổ cũng vào giờ này mỗi tối, từ tròn một tháng nay. Đây cũng là sự kiện tưởng niệm duy nhất diễn ra hôm nay, trên công trường dang dở này.

Trong bối cảnh đại dịch tiêu tốn sinh mạng và thiệt hại kinh tế nặng nề, viễn cảnh suy thoái kinh tế, nợ công đè nặng, câu hỏi đặt ra liệu kinh phí và ưu tiên cho trùng tu nhà thờ còn được đảm bảo?

Để trả lời nghi vấn này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay khẳng định lại trong video đăng tải trên trang web của Điện Elysée, “tất cả” sẽ được thực hiện để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm tới, như lời hứa của ông gần một năm trước. Tổng thống cũng khẳng định rằng tai họa này sẽ không bị lãng quên, ngay cả trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Đồng bào thân mến, những ngày này, suy nghĩ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta bị chiếm lĩnh bởi cuộc khủng hoảng kinh hoàng mà chúng ta đang cùng trải qua. Tuy nhiên, tròn một năm sau vụ hỏa hoạn thảm khốc đã thiêu hủy một phần Nhà thờ Đức Bà Paris, tôi xin một lần nữa cảm ơn tất cả những ai đã cứu nhà thờ hôm qua, và những ai, hôm nay, đang xây dựng lại”.

Chúng ta sẽ xây lại Nhà thờ Đức Bà trong năm năm tới, tôi đã hứa như vậy. Chúng ta sẽ làm mọi cách để giữ đúng thời hạn này. Tất nhiên, công trường đang bị đình trệ bởi cuộc khủng hoảng y tế, nhưng sẽ được khởi động lại ngay khi có thể”.

Còn nhớ, trận hỏa hoạn bất ngờ tối 15-4-2019 đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ dầm mái gỗ sồi hàng trăm tuổi và phần tháp mũi tên của nhà thờ, xây dựng bởi Eugène Viollet-le-Duc vào thế kỷ 19. Hình ảnh nhà thờ gần ngàn năm tuổi rực cháy, và ngọn tháp cao vút đổ sập truyền đi khắp thế giới. Trước thảm cảnh nhà thờ tổn thất nặng nề, nhiều lời hứa ủng hộ, lên tới hàng trăm triệu Euro của các nhà hảo tâm, dành đóng góp cho việc trùng tu lại.
 
Một đề xuất cho sự trùng tu Nhà thờ Đức Bà từ hai kiến trúc sư người Ý thuộc Studio Fuksas - Ảnh: Studio Fuchsia
Một đề xuất cho sự trùng tu Nhà thờ Đức Bà từ hai kiến trúc sư người Ý thuộc Studio Fuksas - Ảnh: Studio Fuchsia

Công trường tu sửa đã bị đình trệ vào năm ngoái vì lý do nguy cơ nhiễm độc bụi chì. Giờ đây, các phần việc gia cố và bảo vệ công trình kiến trúc Gothic này lại tiếp tục bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19. Việc trùng tu thực sự chưa được bắt đầu, nhà thờ vẫn còn đang trong giai đoạn “nguy cấp tuyệt đối” một năm sau vụ cháy. Tuy vậy, việc hoàn tất những chuẩn đoán đầu tiên về tình trạng của nhà thờ vẫn được thực hiện, trước khi đưa ra các phương án trùng tu.

Tôi không tin rằng sự chờ đợi, bối rối, là câu trả lời trước thách thức của thời gian”, Tổng thống Pháp tuyên bố. Theo ông, phải “ấn định những mục tiêu ý chí, huy động (các nguồn lực) để đạt được nó, xứng tầm với những công trình vĩ đại đã làm nên lịch sử của chúng ta”.

Nếu việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà quan trọng với tất cả chúng ta, thì chắc chắn là vì đó là biểu tượng sự kiên cường của dân tộc, của khả năng vượt qua những thử thách và vươn lên”.

Ông Emmanuel Macron kết luận: “Những lính cứu hộ, nhà hảo tâm, đội ngũ người xây dựng (..) đã lát cho chúng ta những viên gạch đầu tiên trên con đường đến những ngày tươi đẹp hơn đang đến gần, ngày mà người dân Pháp sẽ tìm lại niềm vui được hội họp cùng nhau, ngày mà mũi tên Nhà thờ Đức Bà lại vươn lên giữa trời”.

Với bài phát biểu này, hôm nay, những người yêu mến nhà thờ, đã được trấn an rằng lời hứa hẹn của tổng thống vẫn sẽ được cố gắng thực hiện, mặc dù cùng với khủng hoảng vì dịch bệnh, con đường tu sửa lại chồng chất thêm nhiều khó khăn.

Tác giả bài viết: Thư An Hiền, từ Paris - Ngày 15-4-2020