Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRUNG THU TUỔI THƠ

(NCTG) “Cao hơn tất cả, tôi thèm được về với tuổi thơ của mình. Một tuổi thơ khốn khó, dữ dội, nhưng cũng vô cùng ấn tượng”.

Đồ chơi bày bán trong dịp Trung thu thời bao cấp - Ảnh tư liệu


Đã qua cái thời “rước đèn ông sao” từ lâu nên lòng nhủ lòng, chẳng có Trung thu, Trung chi gì hết. Vậy mà…

Đêm qua mất ngủ. Lục sục, trằn trọc, lăn qua lăn lại. Đếm cừu đến con số hàng vạn mà hai mắt vẫn chong chong. Đành chịu thua đôi mắt. Rón rén ra khỏi phòng vì sợ con trai nhỏ tỉnh giấc. Gieo mình xuống chiếc ghế sopha phòng khách, tôi lơ đãng đưa mắt nhìn ra ngoài. Bỗng dưng, thấy lòng mình thắt lại. Ánh trăng đêm 13!

Trăng đêm 13 không đỏng đảnh, mỏng manh như những ngày trăng khuyết. Không căng đầy, tròn vành vạnh như trăng rằm. Trăng 13 e ấp như người con gái chớm đến tuổi dậy thì với đôi bầu ngực hơi nhú cao, đôi má hơi ửng hồng, đôi mắt bắt đầu long lanh, lúng liếng. Vậy là đã sắp đến rằm Trung thu!

Ký ức tuổi thơ bỗng ùa về, ồn ào, chen lấn trong miền nhớ của tôi.

Ngày bé, lứa chúng tôi không có nhiều dịp để được may quần áo mới, nhận quà và được ăn bánh kẹo như trẻ bây giờ. Trong năm, chúng tôi luôn mong chờ ngày Tết, ngày mùng 1 tháng 6, và rằm Trung thu. Bởi vào những dịp này, chúng tôi mới được nhận những thứ trên, vốn được coi là xa xỉ trong thời bao cấp.

Từ đầu tháng Tám âm lịch, lũ trẻ con chúng tôi đã háo hức mong đến ngày Rằm. Những đứa trẻ hư nhất, nghịch ngợm nhất cũng cố gắng trở nên ngoan ngoãn, làm vui lòng bố mẹ. Như vậy mới hi vọng có được chiếc đèn ông sao con con, một góc bánh nướng, bánh dẻo vào ngày rằm.

Nhà tôi đông chị em, gia đình lại là cán bộ nhà nước, nên việc ngày Rằm mua đủ đồ chơi cho chị em tôi là điều không thể. Vì vậy, bọn tôi thường tự làm lấy đồ chơi của mình. Cũng kiếm tre, giấy màu, quấy hồ, vót nan làm đèn ông sao và đèn lồng. Phải kiếm được cây tre bánh tẻ. Lấy phần cật, vót mỏng để nan dẻo, có thể dựng khung đèn mà không gãy. Sau đó khéo léo dán giấy màu xung quanh. Thêm vài tua rua ở 5 đỉnh ngôi sao. Vậy là đã có chiếc đèn ông sao chính hiệu.

Chúng tôi còn làm cả đèn lồng. Đèn lồng khó hơn đèn ông sao vì phải khéo uốn nan thành vòng tròn mà không gãy. Rồi dán giấy đỏ bên ngoài. Thời đó không sẵn nến như bây giờ, chúng tôi lấy vỏ ống thuốc philatop thay nến. Chọn vỏ ống philatop vì hai đầu ống thóp nhọn lại, dễ buộc vào trong lòng đèn hơn. Đổ một chút dầu hỏa và nhồi ít bấc vào giữa ống – vậy là lại có thêm những chiếc đèn lồng sáng lung linh trong đêm Rằm.

Thời đó, chúng tôi còn có thú đốt đèn hạt bưởi. Hạt bưởi bóc vở cứng, xâu vào sợi dây thép thành từng đoạn và phơi khô. Khi đốt, đèn hạt bưởi tạo nên chút sáng, kêu lép bép, xèo xèo rất vui tai. Đặc biệt khi đốt có mùi khen khét, lại thoảng thơm ngòn ngọt của hạt bưởi bị cháy.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến bánh nướng và bánh dẻo. Thời đó, hai loại bánh này không bán tràn lan khắp nơi như bây giờ. Mọi thứ đều bán theo tiêu chuẩn, tem phiếu. Cơ quan nhân ngày rằm Trung thu cũng thường hay tổ chức buổi “phá cỗ trông trăng” cho con của các cán bộ công nhân viên trong cơ quan.

Tiếng là cỗ, nhưng sơ sài vô cùng.Vài cái bánh nướng , bánh dẻo, ít kẹo cứng Hồng Hà, hoa quả, may ra có thêm ít bánh quế (bánh giấy) và ít bỏng ngô. Chủ yếu là tập trung vui văn nghệ, múa hát đón trăng. Khi về mỗi cháu được phát một phần quà mang về. Nhiều, ít, thường dựa vào kết quả học tập. Đồng đều các cháu thường được nhận phần tư chiếc bánh nướng và phần tư chiếc bánh dẻo. Học sinh giỏi thì được nhận nửa chiếc bánh mỗi loại.

Nhà tôi đông chị em, lại sàn sàn nhau và đứa nào cũng có vài ba cái giấy khen nên Trung thu thường có đôi ba cái bánh mang về. Mỗi tối, gia đình tôi cắt cái bánh con con ấy ra làm tám, thêm ấm chè – vậy là có món tráng miệng hoàn hảo.

Bánh nướng thời đó vỏ rất cứng, có lẽ ném vào tường cũng không vỡ. Bánh dẻo thì vỏ đen, đôi khi còn sàn sạn chứ không trắng và thơm như bây giờ. Vậy mà chúng tôi vẫn ăn ngon lành. Bỏ miếng bánh nướng vào mồm, lim dim mắt. Tận hưởng vị béo ngậy của mỡ phần, mùi thơm của lá chanh, sần sật của miếng mứt bí, vị bùi của lạc, vị ngòn ngọt của lạp xường. Cái dư vị ấy còn theo tôi đến tận bây giờ.

Trong những thứ quả luôn hiện diện trong cỗ Trung thu, không thể không kể đến hồng ngâm và bưởi. Vị ngọt thanh và ròn chỉ có ở hồng ngâm. Tất nhiên, nếu không khéo chọn, sẽ mua phải hồng chát hoặc có hạt. Tuy nhiên, đối với lũ trẻ con chúng tôi, dù có chát đi nữa vẫn ăn. Hồng chát dính họng từ đằng trước ra đằng sau, vươn cổ dài ra cố nuốt miếng hồng, chiêu một ngụm nước cho trôi hẳn. Vớ thêm một cái kẹo cứng cho vào miệng ngậm – vậy mà vẫn thấy ngon lành.

Bưởi mới thực sự là loại quả được lũ trẻ chúng tôi yêu thích. Bưởi chua rôn rốt chấm với muối ớt. Chao ôi, sao mà tuyệt thế!

Trộm những quả bưởi non cành la, cuộn thêm ít giấy báo bên ngoài, buộc chặt. Vậy là lũ con trai đã có bóng để đá. Tuy không bon tốt như bóng thật, nhưng với mặt đất gồ ghề và những đôi chân trần thì bóng bưởi là vô cùng lý tưởng và rất sẵn.

Bọn con gái chúng tôi thì lại chọn những quả nhỏ hơn nắm tay một chút để chơi chuyền. Với một quả bưởi non, mười cái que, chúng tôi có thể say sưa chơi cả buổi. Vừa lợi cho mắt, vừa luyện cho tay nhanh. Chỉ báo hại những nhà trồng bưởi, vì những cành la chẳng mấy khi còn quả.

Rằm Trung thu, mâm quả phá cỗ chẳng thể nào thiếu bưởi. Trung thu, chúng tôi hay tỉa bưởi làm hoa sói và chó bông. Để làm hoa sói nên chọn cành bổng, ăn tuy không ngon bằng quả cành la nhưng dầy cùi, sẽ tỉa được thành nhiều lớp cánh hoa. Mỗi đầu cánh hoa chấm một chút phẩm đỏ. Thế là được quả bưởi tỉa hoa sói bầy cỗ trông trăng rất đẹp.

Làm chó bông phải chọn bưởi không bị dính tép, tép dài, cũng không quá nhiều nước vì dễ nát. Nếu chọn được bưởi hồng đào càng tốt. Hai quả bưởi sẽ làm được một con chó bông to xù. Có năm, làm chó bông xong, chị em tôi không nỡ ăn vì thấy đẹp quá. Vài hôm sau bưởi mốc mới ngậm ngùi mang bỏ đi.  

Những ngày này, giờ này ở Việt Nam chắc đang sôi động lắm. Phố Hàng Mã và những cửa hàng bán đồ chơi Trung thu hẳn đã chật kín người, ra vào nườm nượp. Tôi hình dung tiếng trống “tùng, cắc” của trẻ rộn ràng vang vọng khắp nơi. Ôi chao, sao tôi thấy thèm được sống trong không khí hân hoan, vô tư của lũ trẻ đến thế! Và cao hơn tất cả, tôi thèm được về với tuổi thơ của mình. Một tuổi thơ khốn khó, dữ dội, nhưng cũng vô cùng ấn tượng.

Cho tôi xin một lần về lại
Với tuổi thơ nghèo khó thuở nào
Đồ chơi là châu chấu, cào cào
Là ô tô bằng bao diêm tự chế.

Dẫu biết rằng đó là điều không thể
Vẫn mơ về những kỷ niệm xa xưa.
Nhặt sấu rụng, bàng non rớt trong mưa
Hay đào dế vào những trưa oi ả.

Nhớ những ngày trốn mẹ đi câu cá
Chiến công là lũ sin sít, cá cờ.
Nhớ cái thời ấp ủ một ước mơ
Có một bữa cơm chỉ toàn thịt cá.

Nhớ cái thời mỗi chiều đi quét lá
Mẹ nấu cơn, khói lên mắt cay xè.
Nhớ cái thời hè đến được về quê
Theo lũ trẻ đi bắt ve về đấu.

Nhớ mãi thời tuổi thơ yêu dấu
Yêu bằng lăng và màu tím bìm bìm
Hoa xấu hổ ép trong vở lặng im
Cùng với cánh phượng hồng màu đỏ thắm.

Tuổi thơ ơi! Ta yêu Người nhiều lắm
Tuy khó khăn nhưng ấm áp tình người
Có bao giờ trở lại, tuổi thơ ơi
Ngày xưa ấy – những tháng ngày yêu dấu?

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim Chi, từ Warszawa - Ngày 28-9-2012