TRUNG QUỐC: CHIẾN DỊCH TUYÊN TRUYỀN TRONG DỊP KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY “LẬP QUỐC”
- Thứ tư - 13/05/2009 11:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, Hãng thông tấn AFP lại nhìn nhận những lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau những con số thống kê ngoạn mục ấy.
* Gìn giữ và trau dồi truyền thống cách mạng
Ngày 1-10 tới, Đại lục kỷ niệm 6 thập kỷ ngày thành lập. Đó cũng là lý do của loạt chương trình “du lịch đỏ”: khách tham dự những chương trình này có dịp tìm hiểu cuộc cách mạng Trung Quốc và lịch sử CHND Trung Hoa.
Giới truyền thông chính thống của Trung Quốc khẳng định rằng “du lịch đỏ” đã đạt thành công vang dội, những bản tường trình cho thấy hàng triệu người đã tham dự loạt chương trình kể trên.
Ông Vương Thiện Đức, Giám đốc bảo tàng mang tên Vương Giá Tường ở Vu Hồ (tỉnh An Huy) tiết lộ, từ năm 2006, đã có 320 ngàn lượt người đã đến thăm nơi đây.
Các học sinh Trung Quốc tỏ lòng biết ơn "tiền nhân" trước tượng Vương Giá Tường tại Vu Hồ - Ảnh: AFP)
Vương Giá Tường (1906-1974) là một cộng sự thân cận của Mao Trạch Đông, từng giữ các cương vị Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Trung ương, và là đại sứ đầu tiên của CHND Trung Hoa tại Liên Xô. Thuộc thế hệ các nhà cách mạng cựu trào của Trung Quốc, Vương Giá Tường là một trong 28 học viên (được gọi bằng cái tên “28 người Bolshevik”, phe theo đường lối chính thống của Moscow) theo học tại Đại học Tôn Dật Tiên (Liên Xô) thập niên 20-30 thế kỷ trước. Trở thành nạn nhân của Đại Cách mạng Văn hóa khởi đaâu năm 1966, họ Vương qua đời năm 1974 và chỉ được phục hồi vào những năm 80.
Anh Thi Anh Thụy (20 tuổi), một trong những khách đến thăm bảo tàng (được thành lập tại ngôi trường cũ của Vương Giá Tường), thổ lộ: “Sở dĩ chúng tôi đến thăm bảo tàng là để có được lòng quả cảm, chẳng những cho việc học tập… mà còn để củng cố tinh thần đạo đức”.
Giám đốc bảo tàng, ông Vương Thiện Đức, cũng có ý kiến tương tự: “CHND Trung Hoa ra đời cách đây 60 năm và chúng tôi cần phải kỷ niệm sự kiện này. Chúng tôi không thể lãng quên những người anh hùng, và di sản tinh thần của họ, đã tạo điều kiện để chúng tôi có thể tiếp tục những nhiệm vụ và phát triển”.
* Chiến dịch tuyên truyền của chính quyền?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng chuỗi hoạt động “du lịch đỏ”, trên thực tế, đơn thuần chỉ là chiến dịch được xếp đặt của Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, nhằm nâng cao tinh thần dân tộc và chứng tỏ sự hợp thức, “chính đáng” lịch sử của mình.
Cho nên, như AFP nhận xét, khi các phóng viên ngoại quốc đến Bảo tàng Vương Giá Tường thì họ nhận thấy rằng, ngày hôm ấy, chỉ toàn các nhóm học sinh đến nghiêng mình trước tượng họ Vương.
Một nghiên cứu viên nước ngoài tại Trung tâm Pháp ngữ trực thuộc Viện Khoa học Hiện đại và Đương đại Trung Quốc (Hồng Kông) cũng cho rằng, lượng khách du lịch thực tế không nhiều.
Ba năm trước, nhà Trung Quốc học Jean-Philippe Beja tới Diên An, nơi được những người cộng sản coi là “cái nôi” của cách mạng Đại lục. Ông nghĩ rằng, thay vì những hoạt động du lịch thuần túy nhằm thu hút du khách, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch mang tính tuyên truyền ở tầm quốc gia: “Các trường sở, các nhóm lao động đã tổ chức hoạt động này, và đây là điều không thể đem lại cái gì”.
“Đồng thời, nó cũng cho thấy một cách rõ ràng, Đảng đã tìm cách sử dụng sự tích cực của xã hội để tái củng cố những giá trị lịch sử của riêng mình”, ông Beja nhấn mạnh.
AFP cũng tìm hỏi một sinh viên cao đẳng đã tốt nghiệp, vừa trở về từ Trung Quốc sau nửa năm làm việc tại một khách sạn ở Phúc Kiến, nơi 70% khách là người ngoại quốc. Theo lời thuật lại của sinh viên này, anh ta không hề nhận thấy bất cứ biểu hiện nào của “du lịch đỏ” trong quá trình làm việc, cũng như trong đời tư. Anh ta cũng không hề thấy các đồng nghiệp giới thiệu hoặc mời du khách đến thăm các điểm du lịch “cách mạng”.
Như vậy, có thể thấy một số ý kiến cho rằng “du lịch đỏ” mang đậm tính phong trào, dàn dựng về phía chính quyền và phục vụ những mục đích tuyên truyền, thì đúng hơn là hoạt động du lịch và truyền bá văn hóa, không phải là vô cơ sở.
* Nghi kỵ “địch” – “ta”: vẫn tồn tại!
60 năm sau ngày thành lập, sự nghi kỵ nhằm vào người ngoại quốc, quan niệm “địch” – “ta” của chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt. Điều đó được phản ánh trong trường hợp của Bảo tàng Tình báo, được khai trương trung tuần tháng Tư vừa qua tại Nam Kinh, xứng đáng là một điểm của phong trào “du lịch đỏ”.
Bảo tàng Tình báo tại Nam Kinh
Mang tên Trung tâm Tập huấn An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô, bảo tàng này trưng bày các công cụ của cơ quan tình báo Trung Quốc trong hơn 8 thập niên kể từ năm 1927, tức là từ khi Mao Trạch Đông cùng các tín đồ của ông khởi đầu cuộc chiến chống Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng, với mục đích thiết lập thể chế cộng sản. Trong 4 phòng lớn, khách tham quan có thể thấy những khẩu súng lục được thiết kế theo hình chiếc bút bi, máy tính bỏ túi có giấu micro, các thiết bị nghe trộm điện thoại, tiền xu rỗng để giấu tài liệu, hoặc các bộ đồng phục của giới điệp viên.
Được giới truyền thống Đại lục quảng bá rằng “triển lãm mở cửa cho tất cả mọi người”, Nhưng ký giả tờ nhật báo “Soutch China Morning Post” (xuất bản tại Hồng Kông), cho dù đã xuất trình thẻ nhà báo, vẫn không được vào cửa. Bởi lẽ, ngay tại cửa vào, có một tấm biển bằng đồng cảnh cáo: “Chỉ công dân Trung Hoa mới được vào!” (Một tấm biển khác thì đề nghị khách tới thăm bảo tàng phải có thái độ cư xử đúng đắn: miễn nhổ bậy, chen lấn xô đẩy, không hò la, hút thuốc và xả rác).
Trả lời báo giới, giám đốc bảo tàng cho biết, vì lý do an ninh, người nước ngoài không được phép xem triển lãm: “Chúng tôi không muốn phô bày những thông tin nhạy cảm, liên quan đến cơ quan tình báo, trước mặt khách ngoại quốc”.
Lời lý giải ấy xem ra có vẻ lạc hậu và kỳ quặc trong thời buổi tình báo quốc tế đã sử dụng những phương tiện kỹ thuật tân kỳ, trên cơ sở công nghệ vệ tinh nhân tạo và hệ máy điện toán. Chẳng hạn, theo ý kiến một số người đã có dịp chiêm ngưỡng cuộc triển lãm - như ông Chí, một bảo vệ đứng gác tại cửa ra vào -, thì “chả có gì có thể coi là đặc biệt cả”.
Hoặc, theo lời “bật mí” với báo giới của một nhóm phụ nữ vui vẻ khi ra khỏi bảo tàng, về “tâm điểm” của kỳ triển lãm: “Ở giữa phòng, chúng tôi được xem một quả địa cầu khổng lồ, còn trên trần nhà thì có một bức họa hao hao hình ảnh bầu trời đầy sao vào buổi đêm…”
(*) Bài viết đã đăng tại mạng talawas.