TRANH CHẤP QUYỀN KHAI THÁC BẮC CỰC
- Thứ ba - 14/08/2007 23:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những nước lớn tiếng đòi quyền này gồm có Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy.
Nguyên nhân dẫn đến vụ này là sự ấm lên của vỏ trái đất, kéo theo hiện tượng băng tan mạnh ở Bắc Cực, dẫn tới việc trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở khu vực ấy dường như có thể khai thác được, một điều xưa kia vốn bị coi là “bất khả thi” vì bị lớp băng lớn cản trở. Theo dự tính của các nhà khoa học, dưới lớp “mũ” dày của miền cực Bắc ấy là 25% trữ lượng các-bua hy-đro (dầu khí) của cả Trái đất. Ở nơi này, có con đường biển phương Bắc đi qua - là con đường thủy ngắn nhất từ châu Âu chạy qua châu Mỹ và châu Á -, rất quan trọng để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ các mỏ Bắc Cực.
Trước khi Công ước quốc tế về hải phận được ký kết ở Liên bang Nga, nước Nga từng nắm giữ 1,2 triệu km2 vùng biển. Từ những năm 20 thế kỷ trước, hải phận ấy mang danh “Hải phận Xô-viết” và sau khi Liên Xô tan rã, nó trở về thuộc Nga. Nhưng từ năm 1997, sau khi Công ước quốc tế được phê chuẩn tại Nga, xứ sở này bị mất một phần biển ở Bắc Băng Dương, trong đó có một phần Bắc Cực. Ngay lập tức, một số nước khác đã nhòm ngó “mẩu biển” ấy.
Theo công ước của Liên Hiệp Quốc, mỗi một quốc gia thông qua công ước này - trong vòng 10 năm - được quyền nộp đơn xin phê chuẩn mở rộng lãnh hải của mình. Những nước đã đề cập việc này với Liên Hiệp Quốc gồm Na Uy (thông qua Công ước năm 1996), Nga (1997), Canada (2003) và Đan Mạch (2004). Quyết định cuối cùng của Liên Hiệp Quốc về lãnh hải của mỗi quốc gia tại Bắc Cực có vai trò rất quan trọng trong việc giành quyền khai thác trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở nơi này (ước tính khoảng 10 tỉ tấn).
Mùng 1-8 vừa qua, một đoàn thám hiểm Nga trên con tàu mang tên “Bắc Cực – 2007” đã đặt chân đến vùng này và tại một độ sâu kỷ lục dưới đáy biển, họ đã cắm quốc kỳ Nga cùng một hộp titan đựng bức thư gửi hậu thế. Lần đầu tiên trong lịch sử, một thí nghiệm trên cơ sở mẫu vật là lớp đất dưới đáy biển cùng hệ thực vật nơi ấy đã được thực hiện, cho thấy mạch hệ Lomonosov và Mendeleev có sự tiếp nối về mặt địa chất với nền lục địa Siberia bởi lẽ cấu tạo vỏ trái đất ở đây mang tính chất lục địa chứ không phải đại dương. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố những kết quả của cuộc thám hiểm đã được xác nhận và là cơ sở để Liên bang Nga giành quyền khai thác lãnh hải 1,2 triệu km2 tại thềm lục địa Bắc Cực.
Ngay lập tức, Canada và Đan Mạch đã có những phản ứng quyết liệt. Một tuần sau khi Nga cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương, thủ tướng Canada Stephen Harper đã bay đến cực Bắc của Trái đất trong 3 ngày và tuyên bố về ý định xây dựng tại Bắc Cực hai công trình quân sự: một cảng dưới đáy biển và một cơ sở quân sự tại vùng cực Bắc Canada.
Chủ nhật vừa qua, các nhà khoa học Đan Mạch cũng đã lên đường đến thám hiểm Bắc Cực, với mục đích chuyến đi hoàn toàn ngược lại với mục đích của đoàn Nga trước đó. Họ mong muốn chứng minh được rằng mạch hệ Lomonosov ở đó là sự tiếp nối của thềm lục địa Greenland. Song, bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Phát triển của Đan Mạch đã phủ nhận việc tiến hành thám hiểm của Đan Mạch là do động thái của nước Nga thúc đẩy. Ông nói: “Việc thực hiện thám hiểm Bắc Cực ngay sau đoàn khoa học Nga chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đan Mạch đã chuẩn bị dự án này từ trước đó và đang tiếp tục nghiên cứu vùng biển này sao cho đến năm 2014 có thể đưa ra những số liệu xác đáng tường trình lên Liên Hiệp Quốc để giành quyền khai thác một phần Bắc Cực”.
Hoa Kỳ cố nhiên cũng không thể làm ngơ trước những phản ứng nhanh nhạy của các nước liên quan. Chính phủ Mỹ ra tuyên bố: mục đích chuyến thám hiểm của đoàn khoa học Mỹ - được thực hiện bắt đầu từ ngày 17-8 tại phía Bắc vùng biển Chukotka trên con tàu phá băng mang tên Healy - là để tiếp tục công việc nghiên cứu đã từng bị đình trệ trong thời kỳ 2003-2004: nghiên cứu hình thái cấu tạo của vùng đáy biển chưa được khai phá này, nhằm chứng minh khả năng kết hợp của vùng biển ấy với lãnh hải thuộc thềm lục địa Hoa Kỳ trên cơ sở công ước Liên Hiệp Quốc về hải phận quốc tế.