Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỔNG THỐNG MỸ CHUẨN BỊ CHO BÀI PHÁT BIỂU LỊCH SỬ TẠI WARSZAWA

(NCTG) Phía Ba Lan hy vọng rằng tổng thống Hoa Kỳ trong diễn văn của mình sẽ nhìn nhận và vinh danh Ba Lan như một dân tộc “trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của lịch sử cũng chiến đấu cho tự do”.
Quảng trường Krasiński trước giờ G
Trong vòng chưa đầy một năm, thủ đô Warszawa của Ba Lan đã có dịp tiếp đón hai tổng thống Hoa Kỳ: Barack Obama trong kỳ Hội nghị thượng đỉnh Khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương tháng 10-2016, và tân nguyên thủ quốc gia Mỹ Donald Trump, vào tối hôm nay, 5-7-2017.

Trong chuyến công du Châu Âu lần thứ hai kể từ khi nhậm chức, Donald Trump đã chọn Ba Lan làm nơi đặt chân đầu tiên, trước cả những đồng minh lớn truyền thống như Đức, Pháp, Anh... và đây được coi như một nỗ lực rất lớn của Warszawa trong chuỗi những cố gắng từ nhiều năm nay để thắt chặt hôm nữa quan hệ đối tác chiến lược với Washington.

Tại quốc gia cựu CS này, Tổng thống Mỹ sẽ có những cuộc trao đổi song phương vào sáng ngày mai 6-7-2017 với lãnh đạo Ba Lan tại Cung điện Hoàng gia trên Thành Cổ Warszawa. Theo chương trình dự tính, Donald Trump sẽ hội đàm riêng với Thủ tướng Andrzej Duda của Ba Lan, sau đó, phái đoàn Mỹ gồm chừng 20 thành viên sẽ đàm phán với các đối tác phía Ba Lan.

Cũng trong sáng mai, Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh mang tên “Sáng kiến Tam Hải” (tạm dịch từ cụm từ tiếng Anh “Three Seas Initiative Summit”), đây là một đề xướng từ năm ngoái của Ba Lan và Croatia - hội tụ các nguyên thủ quốc gia và giới lãnh đạo 12 quốc gia nằm trong khu vực giới hạn bởi ba đại dương ở Châu Âu (biển Adriatic, biển Baltic và biển Đen).

Các quốc gia cựu CS vùng Đông Trung Âu (v4 - Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia) cùng ba nước từng thuộc Liên bang Xô-viết một thuở (Estonia, Latvia và Lithuania), cũng như Áo, Bulgaria, Romania, Slovenia và Croatia sẽ cùng Hoa Kỳ trao đổi về khả năng tăng cường sự độc lập, cũng như làm phong phú hóa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga trong hồ sơ năng lượng.

Trong nỗ lực đó, Ba Lan kỳ vọng trở thành đầu mối nhập khí đối hóa lỏng của Mỹ. Bên cạnh đó, các nước tham dự cũng hy vọng sẽ gia tăng được mối quan hệ “xuyên Đại Tây Dương” về thương mại và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương châm “các bên cùng có lợi” được cho là rất phù hợp với tư duy của ông Trump, vốn xuất thân từ một thương gia sành sỏi.

Được chờ đón rất nhiều sẽ là bài phát biểu đầu tiên trước công chúng Châu Âu của Donald Trump, được tiến hành tại một nơi rất thiêng liêng đối với Ba Lan: quảng trường Krasiński, nơi tọa lạc tượng đài kỷ niệm cuộc khởi nghĩa 1944 chống phát-xít Đức. Phía Ba Lan coi đây là “một địa điểm mang tính biểu tượng”, theo lời Quốc vụ khanh Ngoại giao Krzysztof Szczerski.

Vị quan chức cao cấp này cho rằng với sự lựa chọn địa điểm một cách “bất thường” đó của phía Mỹ (chưa có nguyên thủ quốc gia nào chọn nơi đây để phát biểu trước công chúng), Tổng thống Hoa Kỳ trong diễn văn của mình sẽ nhìn nhận và vinh danh Ba Lan như một dân tộc “trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của lịch sử cũng chiến đấu cho tự do”.

Ngoại trưởng Witold Waszczykowski thì tính đến việc trong bài phát biểu, Trump sẽ nói về quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước, về sự hiện diện của quan đội Mỹ trong khu vực mà Ba Lan bấy nay vẫn yêu cầu và thúc giục, cũng như, về vai trò của nước Nga và liên minh quân sự NATO. Bởi lẽ, “an ninh của Châu Âu cũng là lợi ích của Mỹ”, theo lời Tổng thống Andrzej Duda.

Sự có mặt và đảm bảo của Mỹ về quân sự trong khu vực và hợp tác trên lĩnh vực năng lượng là hai “thương vụ chính” mà Ba Lan có thể đạt được trong dịp này, trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi”. Phía Ba Lan hy vọng một vị nguyên thủ “có cái nhìn thực tế và tỉnh táo” như Donald Trump sẽ đi theo hướng đó, và đặt trọng tâm vào khu vực Đông Trung Âu, như phát biểu của ông Duda.
 
*

Theo kế hoạch, chuyến công du ngắn ngủi của Tổng thống Donald Trump tại Ba Lan chỉ kéo dài tới 14h ngày thứ Năm 6-7, sau đó ông tiếp tục bay qua Hamburg, Đức để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 hội tụ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hai ngày 7/8-7-2017, nơi mà theo những nguồn tin mới nhất, đã có hơn 100 ngàn người biểu tình đang chờ đón để phản đối ông.

Chắc chắn, ngoài những người biểu tình thì ở Hamburg, ông Trump cũng sẽ phải đối mặt với sự lạnh lẽo, thậm chí là ghẻ lạnh của nhiều lãnh đạo Châu Âu, vốn không thích thú gì tân tổng thống Mỹ với những phát ngôn và hành động khó hiểu, khó lường, mà gần đây nhất là việc rút Mỹ khỏi hiệp ước khí hậu, được coi là một nhiệm vụ chung nhằm bảo vệ hành tinh này.

Việc ông Trump “tranh thủ” gặp gỡ trước với Ba Lan cũng bị Brussels coi là một hành vi “đi đêm”, đào sâu thêm ngăn cách trong quan hệ Đông - Tây Âu, gây chia rẽ Liên Âu, một liên minh mà thời gian gần đây đã gặp quá nhiều rạn vỡ, nhất là trong hồ sơ di dân và tỵ nạn, mà Ba Lan cùng Hungary và vài nước cựu CS đã có quan điểm chống đối EU thẳng thừng và dai dẳng.

Nhưng ở Ba Lan thì có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ nhận được sự tiếp đón trọng thị từ chính quyền, và có thể cả từ người dân. Theo báo chí sở tại, một số xe buýt đã được huy động để chở cư dân từ những miền “sâu”, “xa” về thủ đô nhân dịp ông Trump công du tại Warszawa (các “cổ động viên” Ba Lan của Thủ tướng Orbán Viktor cũng thường được chở như vậy qua Hungary).

Trao đổi với PV NCTG có mặt tại hiện trường, bà E., một phụ nữ Ba Lan đứng tuổi có con kết hôn với người Mỹ và tỏ ra rất thích nước Mỹ, nhận xét rằng “Trump chắc chắn là sẽ bị “cự” ở Hamburg, nhưng tại đây thì không, ông ta được hoan nghênh đấy”. Và truyền thông quốc tế cũng đăng tải ý kiến của một số cư dân nước này theo chiều hướng phấn khởi như vậy.
 
Khu vực gần khách sạn nơi Tổng thống Mỹ và phái đoàn nghỉ đêm, không có đông người chờ đợi
Khu vực gần khách sạn nơi Tổng thống Mỹ và phái đoàn nghỉ đêm, không có đông người chờ đợi

Tuy nhiên, con số người chờ đón đoàn xe của Tổng thống Mỹ về khách sạn Marriott ở trung tâm Warszawa - đối diện Nhà ga Trung tâm và Cung Văn hóa và Khoa học, biểu tượng của “kỷ nguyên Stalinist” một thời - theo quan sát bình thường, thì cũng không mấy đông đảo. Gia nhập đoàn người vào phút cuối, cũng có thể dễ dàng “chiếm” được vị trí “thông thoáng” để chụp hình.

Tuyệt nhiên không thấy cờ hoa, khẩu hiệu, bích chương chào mừng nào từ phía người dân. Ai nấy trật tự chờ đón, kể cả khi theo lịch trình thì phi cơ của Tổng thống Mỹ đã hạ cánh ở Phi trường Quốc tế Warszawa mang tên nhạc sĩ lớn Chopin được hơn nửa tiếng rồi, mà tại khu vực Marriott vẫn “chưa thấy ổng đâu”, thì cũng không thấy ai có biểu hiện sốt ruột hay nóng vội.
 
Khách sạn Marriott, mươi phút trước khi Donald Trump tới
Khách sạn Marriott, mươi phút trước khi Donald Trump tới

Dù ga xe lửa ở ngay sát đó, nhưng rất ít hành khách từ ga ra “xem”. PV NCTG ghi nhận sự hiện diện của một vài du khách Việt, trong đó có một bạn trẻ “không hiểu có chuyện gì nên em ra xem”, và sau khi biết sự tình đã nhiệt tình chụp ảnh. Ngay sau chỗ đoàn người đứng chờ chừng mươi thước, có một tốp dăm bảy người biểu tình giăng băng-ron phản đối và không bị ai cản trở.

Cũng chỉ có vài ba cảnh sát đứng giữ trật tự tại khu vực người biểu tình, và họ không có lý do gì can thiệp. Đúng vào lúc đoàn xe của phái đoàn Mỹ tiến vào khách sạn, con số người biểu tình tăng lên chừng một tá, có những tiếng hô vang phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Syria, chỉ trích chính quyền Ba Lan “làm công cụ cho Washington”, v.v... thu hút sự chú ý của dăm ba người hiếu kỳ.
 
Có mươi người biểu tình ôn hòa
Có mươi người biểu tình ôn hòa

Lác đác có thấy một số nhà “dân báo” bản xứ làm “live stream”, những chiếc điện thoại “thông minh” được giơ lên loáng loáng, vài ba tiếng “hoan hô” có vẻ lạc lõng và không có gì sôi động. Một nhà báo Việt ở địa phương nhận xét rằng, có lẽ đoàn xe buýt chở người từ các tỉnh về thủ đô, là cho sự kiện ngày hôm sau khi Donald Trump phát biểu - giờ không đông đúc thì cũng phải.

Một điều có thể nhận thấy là an ninh Warszawa dường như không được huy động bằng sự kiện tháng 10 năm ngoái, thì Barack Obama và lãnh đạo các thành viên NATO tụ họp tại đây. Cho tới chiều hôm nay, khu vực quảng trường Krasiński có bị ngăn xe cộ để chuẩn bị cho phát biểu trước công chúng của Trump, nhưng du khách vẫn được tự do đi lại mà không ai kiểm soát.
 
Quảng trường Krasiński bị ngăn nhưng không cấm du khách và người hiếu kỳ tới gần để xem
Quảng trường Krasiński bị ngăn nhưng không cấm du khách và người hiếu kỳ tới gần để xem

Ngay khu vực khách sạn Marriott cũng chỉ ngăn xe hơi trên một hai tuyến đường chính, nhưng người đi bộ vẫn tự do tiếp cận “vùng cấm địa” ở khoảng cách rất gần, mà không hề có bốt hay hàng rào kiểm tra an ninh nào. Điều này khác hẳn với Hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái, khi gần như nửa thành phố bị ngăn, khiến du khách khổ sở vì phải đi bộ nhiều và vòng vèo.

Một người Việt có mặt trong đám đông chờ đón Tổng thống Mỹ nhận xét, “đối với Obama thì mới cần bảo vệ an ninh như vậy, chứ Trump thì cần gì, chả ai thèm...”. Câu nói đùa, nhưng có lẽ cũng phản ảnh phần nào suy nghĩ và tâm trạng - cũng như sự đánh giá của nhiều người, đối với vị tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, hơn nửa năm sau ngày đăng quang...

Xem clip của NCTG tại đây. Có thể theo dõi toàn văn bài phát biểu của Donald Trump tại đây, và phần bình luận tại đây.​

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Trần Lê