TOKYO VỚI NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI
- Thứ hai - 21/03/2011 00:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Đa phần những người nước ngoài ở Tokyo đã rời đô thị lớn này sau biến cố động đất, sóng thần và hiểm họa hạt nhân xảy ra cuối tuần trước. Tuy nhiên, dân Nhật không bị lâm vào tình trạng kinh hoàng, họ kiên nhẫn chờ những chuyến tàu hãn hữu mới có vì điện bị cắt, ồ ạt mua xe đạp để có phương tiện đi làm khi sự cung cấp xăng bị đình trệ.
Nhà ga Ikebukoro
Dường như họ đã chuẩn bị cho mọi tình
thế, tuy nhiên chính họ cũng không biết làm sao có thể sơ tán cả thành
phố 35 triệu cư dân này nếu thảm họa hạt nhân xảy ra. Phóng sự từ Tokyo
của nhóm ký giả Hungary.
*
Chúng tôi ngồi tại một tiệm cà phê ở ga tàu hỏa Ikebukuro. Giá có gì đấy thì có thể ăn sáng được. Nhưng bánh mỳ kẹp thịt và các loại bánh khác đều không có. Rốt cục, chúng tôi mua được trứng tráng và rau trộn, thêm trà xanh đá không đường như thứ vẫn được bán trong các cửa hiệu. Người Nhật vốn ăn uống tốt cho sức khỏe, không phải ngẫu nhiên mà tuổi thọ trung bình khi sinh của họ là 85 tuổi.
Đột ngột, mặt đất rung chuyển, các bóng điện chòng chành. Anh bạn người Hungary đi cùng chúng tôi vẫn thản nhiên, anh sống ở Nhật từ 13 năm nay và khẳng định rằng, sợ nhất là nếu một hai tuần không có động đất vì điều đó chứng tỏ rằng sẽ có... động đất lớn.
Ngã tư sầm uất nhất của Tokyo, hiện đang trong cảnh vắng như chùa Bà Đanh
Tuy nhiên, lớn như trận động đất thứ sáu tuần trước thì anh chưa thấy bao giờ. Trong vòng vài ngày, từ một đại đô thị 35 triệu dân, Tokyo trở thành một thành phố nhỏ yên tĩnh. Xe cộ không mấy khi thấy vì xăng hiếm, đèn quảng cáo bị tắt hết để tiết kiệm điện. Xe đạp đã được mua hết sạch để người dân có phương tiện đi làm.
“Làm sao sếp lại có thể chạy trốn?”
Các nhân viên văn phòng vận đồ đen rảo bước trên đường phố Tokyo, đầu cúi gằm, họ lặng lẽ mua bán nếu còn chút hàng gì trên giá các cửa hiệu, kiên nhẫn chờ những chuyến tàu hỏa, metro hiếm hoi do mất điện - mặc dù, đối với nhiều người, ít nhất phải mất hơn nửa ngày để trở về nhà sau giờ làm.
Tại các quận khác nhau ở Tokyo, cứ ba giờ điện lại bị cắt, khi ấy phương tiện giao thông công cộng cũng không có, xăng thì đã từ lâu là hàng hiếm, như thế nếu hiểm họa xảy ra, cũng khó có thể lánh nạn tại các quận phía Nam an toàn hơn. Tuy nhiên, nhiều người không hề nghĩ đến chuyện này, anh bạn người Hungary của chúng tôi - đứng đầu một doanh nghiệp tại Nhật - cũng không có ý rời Tokyo.
Nhiều cửa hiệu hết sạch hàng hóa
“Bọn mình không đi đâu cả!” - anh nói. - “Làm sao sếp có thể chạy trốn khi các nhân viên còn ở lại làm việc tại Tokyo?”, anh đặt câu hỏi, mặc dù ở Tokyo cũng đã đo được độ nhiễm phóng xạ, dĩ nhiên mới ở mức không đáng kể, nhưng nhiều người nước ngoài đã giành nhau vé máy bay để có thể rời Nhật càng nhanh càng tốt.
Kẻ ở, người lên đường
Theo tòa đại sứ Hungary tại Tokyo, tại vùng phía Bắc nước Nhật, nơi chịu ảnh hưởng nhất của động đất và sóng thần, cũng như ở Tokyo và vùng lân cận, có chừng 50 công dân Hungary còn ở lại - liên hệ giữa họ và đại sứ quán được duy trì liên tục qua email, mạng xã hội Facebook và trang chủ của tòa đại sứ.
Chưa có tin báo về việc công dân Hungary bị tử vong hay bị thương. Các thành viên gia đình của giới ngoại giao được chuyển về thành phố Osaka (miền Nam nước Nhật) vì tại đó thực phẩm không hiếm hoi như tại thủ đô. Nhiều cơ quan ngoại giao đã rời Tokyo, nhưng các thành viên Đại sứ quán Hungary vẫn ở lại - trong trường hợp cần thiết, họ cũng chuẩn bị để di rời.
Hai trong số 35 triệu dân Tokyo còn ở lại
Sinh sống và làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Tokyo từ hai năm rưỡi nay, Patrícia rốt cục cũng quyết định cùng chồng và con lánh sang Singapore với một va-li nhỏ cầm tay vào thứ Bảy tuần trước. Phản ứng đầu tiên của họ là “lò phản ứng hạt nhân ở xa mà, cần gì phải đi đâu”. Cho đến nay, đa số bạn bè người ngoại quốc của gia đình cô đã rời Nhật, họ sang Singapore hoặc Hongkong.
“Cảm giác thật tệ là tôi đã rời nơi ấy, và không thể giúp đỡ được ai. Trong chừng mực có thể, tôi muốn trở lại Nhật và tham dự công cuộc tái thiết” - Patrícia thổ lộ, giữa chừng cô đã bay về Budapest.
“Cảm giác thật tệ là tôi đã rời nơi ấy, và không thể giúp đỡ được ai. Trong chừng mực có thể, tôi muốn trở lại Nhật và tham dự công cuộc tái thiết” - Patrícia thổ lộ, giữa chừng cô đã bay về Budapest.
“Theo kiểu Nhật thì đúng là họ không nói gì cả”
Trên một màn hình LCD đặt ở ga, phát ngôn viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang phát biểu. Người dẫn đường chúng tôi cho hay, có lẽ sẽ nguy cấp lớn. Tuy nhiên, người Nhật khi phát ngôn thì luôn cầm chừng, “theo kiểu Nhật thì đúng là họ không nói gì cả”, như nhận xét của anh bạn Hungary đi cùng.
Tàu hỏa, metro chạy rất cầm chừng để tiết kiệm điện
Dầu vậy, mấy hôm trước, cũng vẫn người phát ngôn này đã diễn đạt rằng, không chắc, nhưng vẫn có thể xảy ra - ở đây ông kéo dài lời - vẫn có thể xảy ra trường hợp nổ lò phản ứng hạt nhân. Rồi giới ký giả chìa hai tấm ảnh và cật vấn ông: tấm thứ nhất chụp hôm trước, có hình nhà máy điện hạt nhân, trên đó có một ngôi nhà mà ở tấm thứ hai không còn nữa.
Bị dồn, vị phát ngôn viên đành thừa nhận: đã có nhiều vụ nổ xảy ra ở Fukushima!
Bị dồn, vị phát ngôn viên đành thừa nhận: đã có nhiều vụ nổ xảy ra ở Fukushima!
Sơ tán thành phố 35 triệu dân
Không ai muốn gây hoảng loạn. Vài người Nhật đeo khẩu trang ngồi cùng xem TV với chúng tôi, nhưng họ cũng không nói gì với nhau, không hề có chút phản ứng gì khi nghe tin, và rồi lại trở về hàng để tiếp tục chờ tàu.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra...
Rốt cục, tàu cũng đến nhưng chúng tôi không lên được vì đã chật cứng, đành nhìn nó đi. Trong số những người còn lại trên sân ga, một cô gái trẻ nói với bạn rằng nếu về đến nhà, họ sẽ ở lỳ không ra khỏi nhà, đóng hết cửa sổ và tiết kiệm thức ăn. Người bạn hỏi rằng, nếu quả thực hiểm họa diễn ra, làm sao sơ tán được một đại đô thị 35 triệu dân như Tokyo?
Không ai trả lời được câu hỏi ấy...
Những người dân điềm tĩnh hiếm có trong tai họa
Cseke Eszter và S. Takács András, các phóng viên chương trình “On the Spot” của kênh truyền hình Spektrum TV (Hungary) tường thuật từ Tokyo, với sự hỗ trợ của Gál Krisztián