Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THỰC TẾ Ở NHÀ TRẺ, MẪU GIÁO VIỆT NAM

(NCTG) Tôi tới thăm chị và cháu sau hơn 3 năm không gặp nhau. Chị và chồng sống một cuộc sống vừa đủ tiêu dùng, vẫn cảnh thuê nhà, nên hôm nay tôi gặp lại chị ở tại nhà bố mẹ đẻ trong một căn chung cư 70m2, chị nói chuyển tạm về đây để đỡ tốn tiền, chắt bóp được chút nào hay chút đó, lấy cái chi tiêu cho con.

Nhóc bé con của chị nghịch ngợm, ít nói vì thấy tôi lạ. Hằng ngày chị đi làm, phải thức dậy sớm, đưa con tới nhà trẻ, chiều nhờ bà ngoại đón cháu, sang năm tuổi thứ 3, không cho con đi thì nhỡ mất quá trình học tập và phát triển đồng đều cùng các bạn trang lứa, mà đi nhà trẻ, thì đúng là đủ ngàn lẻ một chuyện không hài lòng từ đó.

Nhóc con nhà chị được chị xin vào một trường công lập, với giá học phí rẻ hơn 9 lần trường tư thục, là 95 ngàn/ tháng, cộng các khoản là vài chục nữa, và hàng tháng có thêm một hóa đơn không chính thức, gọi nôm na là tiền do phụ huynh tự nguyện đóng góp là 60 ngàn. Ngoài ra, ban đầu khi nhập học, phải đóng “một cục” 3 triệu đồng, bất di bất dịch.

Chị tôi kể, một năm có tới chục dịp, chị cần làm theo lệ làng, làm theo các bà mẹ trong lớp con của chị (như dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, ngày 8-3, mùng 1-5, rồi cả 1-6 với lý do là nhà cô có con nhỏ, Tết Trung thu, 20-10, rồi 20-11…), có ba phong bao cho ba cô của lớp cháu nhà chị đang theo học, mỗi cô là 100 ngàn, vị chi mỗi lần là 300 ngàn. Cháu nhà chị có lần tè ra ướt hết đũng quần, cô không quan tâm, quần cứ thế khô dần, lúc mẹ đi đón cháu mới hay. Có lần, chị đi đón con, thấy con mặt mũi đỏ tía tai, chị ôm con vào lòng, đau như xát muối, định đưa con xuống phòng thày hiệu trưởng phản ánh thì mới thấy nhân viên y tế lò dò chạy lại, an ủi chị vài câu cho chị bớt nóng. Chị kiềm chế bởi biết là con mình còn tiếp tục theo học, mình làm căng thì chỉ tổ thiệt cho con mình.

Một lần, chị đi đón con, mặt mày nhớn nhác tìm bóng cháu, cô nhìn thấy chị bèn xõa một câu lạnh lùng, không đại từ nhân xưng: “Đi đón con mà mặt mũi cứ hầm hầm thế kia?” Chị trăn trở lắm, đêm về thao thức tìm cách làm sao cho các cô quan tâm tới con mình hơn, ngọt ngào âu yếm với cháu hơn - rồi chị bèn mua túi trái cây to, kèm theo phong bì để tới “thăm cô”. Quả là như có phép màu, vài hôm sau chị gặp cô, cô ngọt ngào lắm, gọi con chị con con cô cô, đi tìm quần áo thay cho con, nghĩ lại lúc chị nhìn thấy chiếc quần bẩn của cháu nằm rơi ở hành lang, mà thấy sự khác biệt đến thế.

Các ông bà có cháu đi nhà trẻ mẫu giáo kháo nhau rằng, muốn phản ánh những suy nghĩ thật của họ, chỉ còn cách để bố mẹ đưa con đi nhà trẻ, tới khi họp phụ huynh thì nhờ ông bà đi thay cho, lúc ấy chẳng biết ông bà là phụ huynh cháu nào, tha hồ “tự do ngôn luận”, “bày tỏ chính kiến”, những “vướng mắc”, “bất cập”. Có lẽ ai cũng đồng ý với phát biểu của một phụ huynh, ít nhiều mang tính cầu khẩn các cô: “Chúng tôi rất cưng các cháu, chúng như hòn ngọc báu trong gia đình, nên khi đi gửi các cháu ở nơi đây, chỉ mong sao, các cô quan tâm tới các cháu…”

Mỗi lớp nằm trong trường công lập, trung bình có ba cô cai quản với số lượng các cháu là 45. Một con số mà tôi nghĩ tới cũng chóng mặt và ít nhiều thấu hiểu nỗi vất vả của các chị, các cô làm việc ở môi trường này, có những căng thẳng khiến họ không lúc nào cũng tươi cười âu yếm các cháu được, chưa nói đến chuyện thậm chí phụ huynh còn làm hư hỏng các cô bằng những dụ dỗ vật chất. Tôi tự nghĩ, trong số các giáo viên ấy, có được bao nhiêu người, bao nhiêu thời gian thực sự yêu thương con trẻ, hay cũng làm việc vì trách nhiệm, vì đồng tiền kiếm sống để nhận lại những lời than phiền không ít từ phụ huynh, mà chị tôi, một phụ nữ chân chất đâu dám đặt điều.

Nghĩ cho mình, con tôi còn chưa chào đời và cháu đang cần tôi nỗ lực làm việc, để có thể dành cho con một trường tư thục cao cấp trong nước hoặc do người nước ngoài giảng dạy, tránh cho con những sự thiếu hụt, yếu kém ấy.

Tác giả bài viết: Phương Mai, từ Hà Nội