THƯ HÀ NỘI: NGHE NHẠC GIAO HƯỞNG Ở NHÀ HÁT LỚN
- Thứ hai - 05/03/2007 04:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đã 4 năm rồi tôi mới lại đi nghe nhạc giao hưởng ở Nhà hát lớn. Lần cuối cùng là năm 2003, tôi về thăm nhà được tặng một cặp vé. Càng thấy là từ ngày về Việt Nam, tôi chẳng có thời gian cho bản thân (mà không phải do mình tự lựa chọn như thế).
Chương trình biểu diễn khá hay (sao y bản chính):
Thời gian: 20 giờ ngày 28 tháng Hai 2007
Địa điểm: Nhà hát Opera Hà Nội
Nhạc trưởng: Tetsuji Honna
Nghệ sĩ: Nobuko Imai (độc tấu vĩ cầm)
Chương trình:
Bartók Béla: Rumanian Folk Dance
Bartók Béla: Viola Concerto
Độc tấu vĩ cầm: Nobuko Imai
Johannes Brahms: Symphony No2
Lại còn được bonus thêm một đoạn solo viola và một symphony chuyển thể từ dân ca Việt Nam nữa.
Ấn tượng về Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam: chơi khá (nghe “Tây” đồn dàn nhạc Việt Nam càng ngày càng chuyên nghiệp, mời cả Tây về làm cố vấn âm nhạc, nhạc trưởng toàn thuê Tây). Nhưng mặc xấu quá! Cũng không phải tại họ mà có lẽ tại hình thể dân da vàng đầu đen bé nhỏ quá nên mặc complé trông rất thảm. Thế mới biết nhạc cổ điển chỉ dành cho Tây nhỉ?
Tôi thích Brahms hơn Bartók, nhạc Bartók khó nghe quá.
Ấn tượng về ông nhạc trưởng: gương mặt rất Nhật! Làm tôi nhớ Y. (Không thể hiểu vì sao tôi lại bị thu hút bởi người Nhật đến thế, cho dù văn hóa Nhật là một cái gì đó rất kỳ quặc trong con mắt tôi). Nhưng tôi không thích cách cảm thụ âm nhạc của ông này lắm, không bằng nhạc trưởng người Pháp tôi nghe năm 2003 (cũng với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam ở Nhà hát lớn). Nhạc hay là do cách thể hiện bản nhạc của nhạc trưởng. Nghe “Tây” đồn ông Honna này cũng nhiều giải thưởng “hoành tráng lắm”. Nhưng thú thật không hiểu sao tôi vẫn nghĩ nhạc cổ điển chỉ dành cho Tây: trông nhạc trưởng Tây cao to mặc áo đuôi dế có vẻ hợp lý hơn. Ông Honna nhỏ người nên nhìn cứ kỳ quặc thế nào ý, nhất là mỗi lúc ổng dậm chân nhẩy lên, trông y như… con choi choi!
N. thì than phiền ông này không để tâm vào bản nhạc vì chốc chốc lại vuốt tóc rồi luồn tay vào vai xốc áo hoặc gãi. Người của công chúng mà có hành vi như vậy thì hơi không được đẹp mắt, phải chú ý một tý chứ nhỉ?
Ấn tượng về cây vĩ cầm: chơi rất hay, hay lắm! Thấy bảo bà này đang là giáo sư âm nhạc ở Đức. Cũng một gương mặt rất Nhật!
Ấn tượng về khán giả: ba phần tư là Tây, một phần tư là Việt. Có hai loại Việt: một là đi với Tây (có vẻ như là vợ hay bồ gì đó của Tây), hai là đi với nhau. Số đi với nhau có vẻ ít hơn. Khán giả đi nghe giao hưởng là phải thể hiện mình văn minh. Phải ăn mặc đẹp và lịch sự (thế mà hôm ấy trời mưa quá, tôi ăn mặc như… con dở hơi, thật là xấu hổ “ban đại diện”). Phải không được ngủ gật và chăm chỉ vỗ tay, mà chỉ được vỗ tay khi kết thúc cả bản chứ không phải mới hết một segment đã vỗ tay đì đẹt. Cái này phải ai nghe quen mới biết chỗ nào là nghỉ để chuyển đoạn, chỗ nào là hết cả bản nhạc. Nếu không nghe quen thì phải tinh ý, khi nào các nhạc công dừng lại để lật bản nhạc thì đừng có vội mà vỗ tay! Xem ra cái sự đi nghe hòa nhạc cũng lắm nguyên tắc và “quý sờ tộc” nhỉ? Mệt!
C.L.bảo sao người Bắc có vẻ nghe giao hưởng nhiều chứ người Nam không có “gu” nghe cổ điển. Hòa nhạc chẳng bao giờ có ai đi nghe. Nhà hát Opera toàn biểu diễn nhạc nhẹ. Đến Đặng Thái Sơn về biểu diễn mà cũng chỉ được một buổi. Dân trong Nam chỉ thích nghe nhạc kiểu Tuấn Ngọc, Duy Quang thôi…
Lúc xem concert nhạc, tôi nhớ đến Y. Rất nhớ cái lần hai đứa đi nghe hòa nhạc ở City Hall, Auckland. Hôm ấy tôi cũng được bữa sốc về khán giả Auckland. Theo tôi hiểu, đi nghe hòa nhạc phải ăn mặc lịch sự. Ít ra phải áo sơ-mi bỏ quần với nam giới, nếu ko phải là complé, và váy dài với nữ giới, nếu không phải là đầm đen. Đầu tiên, tôi đã không định đi vì không có đầm dạ hội, chỉ có mấy cái váy rời ngắn trên đầu gối, ngại trở thành quê mùa lố bịch. Nhưng đến City Hall thì “choáng” vì… dân Kiwi còn mặc cả quần soóc áo thun đi nghe hòa nhạc! Mình và Y. cứ trố hết cả mắt ra…
Thế mà đã 5 năm rồi.
Cuối cùng, ấn tượng về bản giao hưởng “Lý chiều chiều”: không ổn! Quả thật, tôi cho rằng niềm tin của mình là có cơ sở: nhạc giao hưởng chỉ dành cho Tây. Dân ca Việt Nam mà chuyển thể thành giao hưởng nghe nó mới ỉ eo làm sao, không “hoành tráng” tý nào. Với lại, tiết tấu đơn giản quá. Giao hưởng của Việt Nam tôi nghe rất ít, chỉ có bản “Sông Lô” (Văn Cao) và “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi) là thấy hay và vĩ đại...