Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THÔI THÌ CỨ... ĐIÊN THÔI

(NCTG) “Hãy cứ hi vọng một kết quả mĩ mãn ở trận chung kết sắp tới nhưng đừng kỳ vọng quá mà thổi phồng, tạo sức ép lớn cho họ. Không cần phải hóa rồng, hóa hổ gì cả, họ là họ, họ luôn cố gắng vượt qua chính mình của ngày hôm qua trong từng trận đấu đầy kịch tính đã là cả một kỳ tích rồi”.
Anh hàng phở hưởng ứng đoàn bão trên phố khi không thể rời quầy
Lúc trận đấu bắt đầu cho đến hiệp một mình vẫn đang phải chúi đầu vào máy tính. Tứ phía hò hét, trống phách, âm thanh vừa gọi mời vừa phá đám. Gõ chữ nọ xọ chữ kia. Muốn cố cho xong mà nghe chừng khó khăn quá. Gọi cho một nhà văn hỏi thêm chi tiết cho một bài viết. Mãi đầu kia mới bốc máy, vội vàng thả đúng một câu “Anh xin lỗi, sau nhé” rồi thì tút dài. Ớ ra, mọi khi ông giời ấy nổi tiếng nhẹ nhàng, lịch thiệp. Chỉ vài câu gõ đúng vỉa tầng ý nghĩ của gã thì thôi rồi, nghe cháy tai. Mà tại mình, sao lại đi gọi với hỏi vào lúc này. Văn chương với cả ý tưởng hay gì gì đi nữa cũng bỏ qua một bên nhé, đang sôi sùng sục thế kia…

Mình bỏ ra quán ngồi, cùng lắm thì lại thức khuya. Sinh viên, học sinh được “tha” sớm chạy như ma đuổi, ba lô long sòng sọc sau lưng. Lúc đi, mình đã nhác thấy cờ hoa, áo xống, giờ là lúc cả bọn bung lụa các kiểu. Vài cô nàng vội vã len qua để tiến gần màn hình, dẫm cả vào chân anh chàng mang đôi giày Adidas sành điệu. Chẳng tên nào mắng tên như mọi khi. Chúng còn đang mải trố mắt, căng tai, méo miệng, hoa tay, mắng mỏ trọng tài Singapore chơi không đẹp, tên cầu thủ thứ 12 của bên kia…

Lâu, ít ngồi xem tử tế một trận nào. Mình đến giờ vẫn nhớ màu cờ, sức áo của nhiều câu lạc bộ lớn ở Châu Âu, tên tuổi, thói tật, sở trường, sở đoản của hàng chục cầu thủ đình đám ở nhiều quốc gia. Nhưng thú thật là rất ít khi xem tuyển Việt Nam đá. Tính thiếu chuyên nghiệp và cả những bê bối, bán độ của họ khiến mình dị ứng. Thỉnh thoảng có sự kiện lớn, hay phải đọc để phục vụ cho công việc và cả nghe không chủ đích lúc sinh viên bàn tán trên lớp rồi biết, nhớ. Mùa giải này cũng vậy. Nguyên nhân của sự cồn cào vì không được chạy ngay ra nhập cuộc với ồn ào chiều nay cũng vì tình cờ trận bán kết mình được nghỉ dạy, bạn bè chọn nhà mình là chỗ tụ tập nên ngồi cùng cho vui.

Ngồi là ngồi thế. Nhưng từ phút thứ ba mưoi trở đi nếu không có việc “cháy nhà, chết người” thì đừng hòng ai bẩy nổi mình đi đâu. Xem và rất bất ngờ. Hôm ấy và chiều nay đều thế. Khoan hãy nói chuyện vĩ mô là chiến thuật, chỉ riêng kỹ thuật cá nhân họ đã có thể tự tin khẳng định đẳng cấp trước một số đội bóng sừng sỏ ở Châu Á đã từng vào tới tứ kết ở các kỳ World Cup trước đây. Các đường chuyền dài hay ngắn không mấy khi có địa chỉ là chỗ trống, bóng bắt dính lấy chân cầu thủ ở nhiều khoảng cách, tránh được va chạm tối đa với đối phương, kết hợp cực kỳ ăn ý, gần như không có đôi chân nào, vị trí nào nhàn rỗi…

Liên tục như thế khi mà thể lực nguời mình vốn khó giữ phong độ bền vững. Đã thế các cầu thủ còn đồng đều nam tính. Điều này không quyết định đến kết quả trận đấu nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ động viên, người hâm mộ nữ. Cứ nhìn số lượng ngang ngửa của họ với nam giới trên khán đài, trên đường phố và nghe họ hét như… đi đánh ghen lúc kêu tên cầu thủ thì đủ biết.

Kết quả một trận đấu bao giờ cũng là tổng hòa sức lực của toàn đội nhưng hai cái tên được xướng lên nhiều nhất là Bùi Thế Dũng và Quang Hải. Bao giờ chả thế, tài năng cá nhân và vị trí thể hiện đã buộc phải đặt họ vào những giây phút lịch sử với niềm hạnh phúc rất khó gọi tên đầy đủ ấy. Không quen nói lời to tát nhưng lần này mình phải thừa nhận, các chàng trai đã đá rất tuyệt. Kỹ thuật và nghệ sĩ, chắc chắn và thăng hoa. Phong độ ấy đã được duy trì đến phút cuối của hai hiệp phụ và quyết định đọng lại ở cú đá và cú cản phá hai quả penalty ngoạn mục của cầu thủ và thủ môn.

Đúng là “yêu nhau yêu cả đường đi…”. Mình vốn không thích BLV Tạ Biên Cương với lối bình luận lên giời (đã trừ hao sự phấn khích và thất vọng của anh): “Sân vận động không còn một chỗ kín”, “Quang Hải đá treo bóng theo kiểu lá vàng rơi, nhìn anh đá tôi muốn làm thơ”, “Thủ môn đội Malaysia đã phải vào bóng nhặt lưới. Xin lỗi quý vị, anh đã phải vào bóng nhặt lưới”, “Thật là kỳ tích của kỳ tích”… Nhưng trận này qua tai mình ngôn ngữ ấy đã như chính xác, hóm hỉnh, có duyên hơn. 

Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc - những giọt nước mắt đàn ông không cần che giấu - của cả cầu thủ, chuyên gia đến bình luận viên mình lại nhớ đến những giọt nước mắt cay đắng trong trận U22 Việt Nam gặp Thái Lan ở Seagames 29. Bóng đá cũng như cuộc đời, luôn có cả nước mắt và nụ cười, rủi ro và may mắn, ngẫu nhiên và quy luật. Nhưng từ nước mắt đau xót đến giọt dài hạnh phúc không bao giờ chỉ dựa vào may rủi.

Khoảng cách của hai sắc thái ấy phải là kết quả của nỗ lực. Các chàng trai đã thật sự nỗ lực. Hãy cứ hi vọng một kết quả mĩ mãn ở trận chung kết sắp tới nhưng đừng kỳ vọng quá mà thổi phồng, tạo sức ép lớn cho họ. Họ đã vắt kiệt sức lực thi đấu ở các trận trong quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, bất kể trưa tối, cho họ thở với chứ. Không cần phải hóa rồng, hóa hổ gì cả, họ là họ, họ luôn cố gắng vượt qua chính mình của ngày hôm qua trong từng trận đấu đầy kịch tính đã là cả một kỳ tích rồi.

Đến trường đón con thì xe đỗ ngổn ngang, phụ huynh dạt cả vào hè phố hò hét với chủ nhà. Về phố thì đèn sáng trưng, náo nhiệt. Lên nhà thì học sinh chiu chíu nhắn tin: “Cô ơi, mình nghỉ đi, nếu thắng còn đi bão nữa, cô có cược tỉ số với bọn em bằng một trận thịt nướng không…”. Không biết mình may hay không may khi không nhận lời cược, chỉ biết quả penalty quyết định đã thuộc về phía mình. Vỡ òa cả một trời âm thanh, xe cờ đã chuẩn bị sắn rồng rắn tuôn ra từ các ngõ phố. Mình sang ngang đoạn đường 10m hết cả 10 phút. Học sinh cũ ở Hà Nội thì hét lên khoe: “Em đi hết 30 phút được 10m”.

Lúc ấy không hiểu sao còn kịp tham lam ước rất khập khiễng: giá tương tác giữa sinh viên với giảng viên trên giảng đường, giữa cảnh sát cơ động đang vui vẻ hộ tống với đám đông bừng bừng khí thế kia vì một lợi ích bền vững nào đó của cộng đồng như khán giả với các cầu thủ trên sân kia có phải hay không…Dở quá đi mất, vui được thì cứ vui đi khi đời sống vốn đầy rẫy nỗi buồn và sự khó chịu. Những phút được thoải mái, tự do điên rồ thế lại quá hiếm hoi. Hôm nay hay có tiếp tục điên thêm vài ngày nữa cho trận chung kết thì cũng đã chết ai. Mà không vui bây giờ thì đợi đến khi nào…

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thị Phương, từ Ninh Bình