Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THEO DÕI THƯ TỪ NHÂN VIÊN NƠI LÀM VIỆC: PHẢI BÁO TRƯỚC

(NCTG) Nhà tuyển dụng lao động có thể theo dõi những trao đổi thư từ của người lao động ở nơi công sở, nhưng chỉ có thể làm điều này sau khi đã thông báo một cách sơ bộ cho người lao động, theo một phán quyết mới đây của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (Tòa Strasbourg).
Trụ sở Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại TP. Strasbourg - Ảnh: Johanna Leguerre (AFP)
Cần biết thêm là các phán quyết của Tòa Strasbourg mang tính bắt buộc đối với 47 nước thành viên Hội đồng Châu Âu.

Câu chuyện xuất phát từ trường hợp của Bogdan Bărbulescu, một người Romania đã bị sa thải vì cơ sở tuyển dụng, sau khi theo dõi các trao đổi thư từ của đương sự trong vòng một tuần, đã phát hiện ra đương sự sử dụng những nguồn lực của cơ quan cho mục đích cá nhân.

Bogdan Bărbulescu kiện lên tòa các cấp ở Romania vì cho rằng những quyền con người của mình đã bị vi phạm với việc bị theo dõi bí mật, tuy nhiên đơn của đương sự bị bác. Sau đó, đương sự đưa vụ việc lên Tòa Strasbourg để nhờ tòa nhân quyền này “phân định phải trái”.

Ở phiên sơ thẩm, Tòa Strasbourg cho rằng tòa án Romania không sai vì đã cân bằng giữa quyền cá nhân của nguyên đơn, và những lợi ích của bên tuyển dụng lao động. Không chấp thuận phán quyết sơ thẩm, Bogdan Bărbulescu tiếp tục kháng án lên Phòng Lớn (Grand Chamber).

Trong phiên phúc thẩm được tổ chức vào tuần đầu tháng 9 vừa qua, Tòa Strasbourg đã ra phán quyết hủy quyết định của phiên sơ thẩm, và khẳng định rằng chính quyền Romania đã không bảo vệ một cách thích hợp quyền lợi của nguyên đơn, không thiết lập được sự cân bằng giữa những lợi ích đối nghịch, ở đây là của người lao động và bên tuyển dụng lao động.

Do đó, quyền cá nhân của nguyên đơn được Công ước Châu Âu về Nhân quyền bảo vệ đã bị xâm phạm, khi tòa các cấp Romania không xem xét xem nguyên đơn có được thông báo về việc mình bị doanh nghiệp theo dõi hay không.

Bởi lẽ, theo thông lệ của quốc tế và Châu Âu, bên tuyển dụng lao động chỉ có thể theo dõi trao đổi thư từ của người lao động ở nơi làm việc sau khi đã thông báo sơ bộ về điều này, đặc biệt là khi họ còn có thể tiếp cận nội dung của những trao đổi ấy.

Phán quyết kể trên của Phòng Lớn đã có hiệu lực pháp luật và không thể kháng cáo. Đây sẽ là một quyết định mang tính tiền lệ, có thể áp dụng được trong những vụ việc khác.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu