Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THẾ GIỚI TRONG VÒNG XOÁY CỦA LÀN SÓNG TỴ NẠN

(NCTG) Trong năm ngoái, con số những người phải rời bỏ quê hương ra đi tỵ nạn trên toàn thế giới lên tới con số 65,3 triệu, tức là lớn chưa từng có kể từ Đệ nhị Thế chiến, theo một tờ trình của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công bố hôm nay, thứ Hai 20-3, nhân Ngày Tỵ nạn Thế giới.
Trẻ em, những nạn nhân khốn khổ nhất của làn sóng tỵ nạn và tha hương - Ảnh: AP
Nguyên nhân chủ yếu là các cuộc chiến kéo dài từ lâu nay tại Syria và Afghanistan. Trong số hơn 65 triệu người tỵ nạn ấy, có 21,3 triệu phải rời bỏ quê hương, 40,8 triệu trốn chạy khỏi nơi sinh sống (trở thành những người “tỵ nạn nội địa”), và 3,2 triệu người đang chờ xét đơn xin tỵ nạn.

Già nửa số người tỵ nạn đến từ ba nước Syria, Afghanistan và Somalia, và chừng 50% là dưới 18 tuổi. Tính về tổng thể, thống kê nói trên cũng cho thấy, cứ 113 cư dân thế giới thì có 1 người đang phải tỵ nạn trên chính quê hương mình hay đâu đó ngoài nước, hoặc đang chờ xét đơn.

Năm 2015, mỗi phút lại có thêm 24 người phải bỏ nhà bỏ cửa trốn chạy để bảo toàn tính mạng, tăng gần 10% so với một năm trước đó. Đáng chú ý là không phải các nước Phương Tây phát triển, mà các quốc gia “đang phát triển” vẫn là nơi cưu mang đại đa số (86%) người tỵ nạn.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu thế giới về số người tỵ nạn mà nước này tiếp nhận (2,5 triệu), sau đó tới Pakistan (1,6 triệu) và Lebanon, với dân số chỉ vỏn vẹn 4,1 triệu, nhưng có tới 183 người tỵ nạn trên một ngàn cư dân.

Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi lãnh đạo Châu Âu và các châu lục khác hãy làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh, giảm làm sóng tỵ nạn.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu