Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THÀNH PHỐ TRẦN TRỤI

(NCTG) “Một chiếc máy cưa phải cao chừng dăm chục thước, sừng sững giữa trời. Anh kỹ thuật viên nhẹ nhàng lắc cần điều khiển xén ngọt cành cây xum xuê. Cây cao là thế, cây to là thế mà dáng vẻ sao phục tùng, sao cam chịu. Biết sao được, bởi cây đã già, đã là mối lo ảo giác của bao người...”.

Cây bị tận diệt - Ảnh: Internet

Sáng nay đi dọc con đường từ nhà ra trung tâm. Vốn dĩ trước nay chỉ biết chúi mặt mà đi cho xong việc rồi về, vì biết phố phường cũng chẳng có gì nhiều mà ngắm. Muốn ngắm, thì chỉ cần lượn nhẹ ra mấy hồ trung tâm, như Hồ Tây, Hồ Gươm, Hồ Hale hay mấy con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu mà điềm tĩnh, mà thư thái và suy tưởng. Nghe, đọc, nói chán chê mấy ngày về vụ chặt cây, chợt nảy ra ý tưởng bớt chút thời gian để đi nhẹ thôi mà ngắm, mà ngẫm con đường mình vẫn hay đi.

Dọc phố Cầu Giấy... Chợt nhận ra hai bên đường chỉ thấy cửa hàng, cửa hiệu sáng choang. Có lẽ, các chủ cửa hàng sẽ rất thích như vậy vì tầm nhìn của khách và chủ không bị hạn chế. Những áo xống, những giầy dép, những ma-nơ-canh có đầu, mất đầu có thể phô trương trần trụi trước bàn dân thiên hạ. Buôn bán được tiếng sầm uất. Chợt nhớ giữa trưa hè năm ngoái, chở con về qua đây, dù đã lướt nhanh hết sức có thể, cả mẹ cả con lử đử vì hoa nắng. Bảo sao trưa hè gần 40 độ có cụ già ngất giữa đường mà không tỉnh lại.

Nhớ cái thời lên ba lên bảy, cô con gái bé nhỏ (là mẹ) thường ngồi sau xe đạp của bố, vừa nghe ve sầu kêu râm ran trên rặng sấu và xà cừ, vừa véo von hát. Ông bố thả lỏng chầm chập từng vòng quay hít căng lồng ngực hương ngai ngái cũng giữa trưa hè nắng chói. Cô bé đã vô cùng buồn bã khi nghe người lớn nói chuyện người ta chặt cây, mở đường cho rộng để tránh tắc đường. Cô bé cũng lại nghe người lớn nói chuyện, người ta sẽ trồng những hàng cây mới.

Cho dù khi ấy cô cũng hình dung phải chục năm sau may ra mới được thong thả đạp xe trên phố giữa trưa hè như bố, nhưng cũng chút yên tâm vì nghĩ có tương lai. Hóa ra lâu nay mải mê lo cơm áo gạo tiền, cô quên mất có một dung như thế. Ngẫm, cô quên bởi vì hiện thực đã không xảy ra để nhắc cô nhớ. Ngẫm, cô quên bởi những người lớn khi ấy do mải mê làm những công việc to hơn cũng không nhớ tới lời hứa nhỏ nhoi của mình. Ngẫm, người lớn bây giờ không hứa nên không có gì để nhớ mà thực hiện. Ngẫm, thế hệ con cô không có ký ức về bóng cây tiếng ve trên con đường này nên cũng không có ý thức đòi hỏi.

Dọc phố Ngọc Khánh, Kim Mã... Không khí có chút dịu dàng hơn vì có Thủ Lệ, có khách sạn Daewoo, có hàng cây khu Vạn Phúc. Nhưng đi dọc phố bên này đường, tình hình cũng không kém phố Cầu Giấy là mấy. Vì cũng nhà nhà cửa hiệu sáng choang và trần trụi vì không bị hàng cây nào che chắn. Chờ đèn xanh đèn đỏ ngã tư Ngọc Khánh - Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh... Chợt thấy biển báo tình hình không khí môi trường với mặt cười mặt mếu. Tự hỏi, hè năm nay, sẽ là mặt mếu thường trực, hay biển báo sẽ được dẹp đi để dân tình khỏi lo lắng?

Qua ngã ba ngã bảy Cửa Nam, lòng tự nhủ sắp được tắm trong bóng cây xanh rợp trời phố cổ. Nhưng, than ôi, tới đầu phố Phan Bội Châu đã nghe rổn rảng tiếng “roèn roẹt” của cưa, tiếng “lách cách” của cành cây rơi giữa biển người tắc nghẽn. Đường tắc tạo điều kiện cho dân tình được xem một thước phim quay chậm mô tả một quy trình làm việc của các cán bộ Công ty Cây xanh Hà Nội.

Một chiếc máy cưa phải cao chừng dăm chục thước, sừng sững giữa trời. Anh kỹ thuật viên nhẹ nhàng lắc cần điều khiển xén ngọt cành cây xum xuê. Cây cao là thế, cây to là thế mà dáng vẻ sao phục tùng, sao cam chịu. Biết sao được, bởi cây đã già, đã là mối lo ảo giác của bao người. Mấy công nhân bên dưới, già có trẻ có, lụi cụi dọn cành dọn lá vứt lên chiếc xe tải cũng xanh. Không biết họ nghĩ gì trước bao ánh mắt nhìn của người qua đường, chỉ thấy họ làm việc rất trật tự, không nói chuyện riêng. Liệu có phải, bản thân họ không muốn, nhưng vì là việc thì phải làm?

- Sao người ta lại chặt cây hả mẹ? - câu hỏi của con gái tuổi teen khiến mẹ giật mình.

- Chắc người ta chặt cành để chống cây đổ mùa bão tới, con à - cũng đành lấp liếm cho qua chuyện để con khỏi hỏi thêm.

- Không, con thấy mọi người nói cây đang bị chặt nhiều cơ. Không biết sao người ta lại làm thế? - con bé cương quyết không tha.

- Mẹ không biết lý do con à, vì người ta không nói - cuối cùng đành thú nhận sự dốt nát của mẹ. Con trẻ thường nghĩ bố mẹ là người lớn nên điều gì cũng biết, nhưng chúng đâu biết rằng có những người lớn hơn bố mẹ chúng quyết làm nhiều việc mà không dạy người khác lý do.

- Theo con, việc chặt cây thế này có tốt không?

- Không tốt, mẹ ạ, vì thành phố sẽ ngập bụi.

Hóa ra, con bé không ngu ngơ như mẹ tưởng. Mẹ cứ tưởng con học thuộc lòng mấy bài sinh vật con để lấy điểm cao. Hóa ra, con cũng nhớ một số điều cần thiết. Mừng, rồi lại lo... Lo vì tương lai gần mẹ sẽ không thể trả lời con nhiều câu hỏi.

Tối về, nghe người nhà nói chuyện, tưởng đã cấm, mà hôm nay trên mạng lại nói vẫn thấy cây bị chặt ở Hai Bà Trưng. Trong đầu lại hình dung ra những con phố trung tâm trần trụi ăn, trần trụi mặc, trần trụi mọi nếp sống. Rồi, lại AQ, tự gạt những ý nghĩ thiển cận ra khỏi đầu. Lòng thầm hy vọng, mạng nhầm, người ta đang rút kinh nghiệm, chỉ là chữa mà không chặt...

Chợt nhớ tới thành phố đảo Singapore nhỏ nhắn và xinh đẹp. Dù xung quanh là nước biển, không có nước ngọt tự nhiên để ăn để uống, mà người ta cũng tạo ra được những rừng cây giữa thành phố. Đâu đâu cũng có cây, dưới đất hay trên cầu... Lại vẩn vơ một hình dung tương lai trước lời hứa của ai đó...

Tác giả bài viết: Mai Lê, từ Hà Nội - Tháng 3-2015, mùa hoa xoan