Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THANH NIÊN VIỆT NAM SẴN SÀNG NÓI DỐI VÀ PHẠM LUẬT?

(NCTG) 41% số người được hỏi cho hay họ sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình, và 35% thì có xu hướng coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn là liêm chính, theo kết quả một khảo sát vừa được công bố mới đây tại Việt Nam.
Minh bạch và liêm chính, rào cản đối với tham nhũng - Minh họa: Internet
Mang tên Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam (YIS 2014), nghiên cứu trên do Tổ chức Hướng Tới Minh Bạch (TT), cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Trung Tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp thực hiện.

Liêm chính, theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), được hiểu là “những hành vi và hành động phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, được các cá nhân và tổ chức chấp nhận, tạo nên rào cản đối với tham nhũng”.

Khái niệm liêm chính thoạt nghe có vẻ hơi giáo điều và trừu tượng, nhưng: “Thành công mà không dựa trên tính liêm chính thì coi như là thất bại” (khuyết danh). Nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà bình luận, phát thanh viên, giảng viên người Ireland C.S. Lewis thì cho rằng: “Liêm chính là làm điều đúng ngay cả khi không có ai đang theo dõi theo mình”.

Với gần 50% dân số ở độ tuổi dưới 30, thanh niên Việt Nam chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng dân số Việt Nam. Do đó, sự tham gia của giới trẻ trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như khả năng thực hành liêm chính của thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thành công và bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, đã gần sáu năm kể từ khi đề án đưa Giáo dục về Phòng, chống tham nhũng vào trường học ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 12-2009), phần lớn thanh niên Việt Nam (74% người được hỏi trong Khảo sát 2014) vẫn không có hoặc có rất ít kiến thức về lĩnh vực này.

Bình luận về hiện tượng thiếu hiệu quả trong giáo dục cho thanh niên về phòng, chống tham nhũng trong YIS 2014, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Dạy học sinh chống tham nhũng như nước đổ lá khoai… Các chương trình này chủ yếu làm theo tinh thần đối phó và hình thức”.

Theo ông, muốn hiệu quả hơn, muốn dạy thanh niên có tính liêm chính hơn, “thanh niên cần có thêm những tấm gương gần gũi của các vị lãnh đạo đương nhiệm để thanh niên học tập và làm theo”!

Ngoài phát hiện này, Khảo sát 2014 còn rất nhiều kết quả đáng quan tâm sau 6 tháng khảo sát (từ tháng 12-2013 đến tháng 5-2014) và phỏng vấn hơn một ngàn thanh niên ở độ tuổi 15-30 và 432 người lớn tuổi (nhóm đối tượng kiểm chứng) tại 11 tỉnh thành phố trên khắp Việt Nam.

Đáng chú ý, số người cho biết họ sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình tăng đáng kể, từ 31% năm 2011, lên đến 41% trong YIS 2014. Ngoài ra, cứ 5 thanh niên thì có một người nói họ sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè và hơn một phần ba (35%) có xu hướng coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn là liêm chính (so với 31% năm 2011).

So với kết quả Khảo sát 2011, Khảo sát 2014 còn chỉ ra rằng thanh niên Việt Nam có cái nhìn bi quan hơn về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Cụ thể, năm 2014, tỉ lệ thanh niên đánh giá “rất tốt” về mức độ liêm chính đối với cảnh sát giao thông và y tế công đều giảm gần một nửa so với năm 2011: từ 12% xuống còn 6% đối với cảnh sát/công an và từ 11% xuống 6% trong y tế công.

Kết quả khảo sát cho thấy, số thanh niên sẵn sàng không tố cáo tham nhũng vì cho rằng không giải quyết được vấn đề gì tăng từ 28% năm 2011 lên 35% năm 2014.

Điều đáng mừng là 84% thanh niên tin tưởng rằng thanh niên đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng; và khoảng 85% cho rằng thiếu liêm chính rất nguy hại cho đất nước Việt Nam và đối với chính bản thân gia đình họ!

Báo cáo đầy đủ và báo cáo tóm tắt (tiếng Việt và Anh) của Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam đã được đăng tải trên trang chủ của Hướng Tới Minh Bạch.

Tác giả bài viết: Viễn Giang