Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THAM NHŨNG TRÀN LAN NGĂN TRỞ ROMANIA GIA NHẬP SCHENGEN

Romania vẫn đứng ngoài không gian tự do đi lại Schengen của Châu Âu. Brussels đòi Bucharest nhanh chóng chỉ định người đứng đầu Viện Công tố Tối cao và Viện Công tố Chống tham nhũng, củng cố nhà nước pháp quyền trước khi quyết định cho nước này tham gia Khối Schengen.

Liệu Thủ tướng Victo Ponta và nội các của ông có làm được cú hích cho Romania trên con đường hội nhập Schengen? - Ảnh: Reuters


Thủ tướng Ponta và mục tiêu tối hậu

Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Romania Victor Ponta đã tạm thời giữ cương vị người đứng đầu Bộ Tư pháp nước này, thay thế Bộ trưởng Mona Pivniceru vừa từ chức để chyển sang làm thẩm phán Tòa Bảo hiến Romania.

Theo Hiến pháp Romania, ông Victor Ponta có thể tạm thời nắm giữ cương vị bộ trưởng một bộ tối đa trong vòng 45 ngày. Trong trường hợp hiện tại, mục tiêu tối hậu được đề ra của Thủ tướng Romania là tìm bằng được được hai vị thẩm phán đứng đầu Viện Công tố Tối cao và Viện Công tố Chống tham nhũng, sao cho những nhân vật này cũng được sự chấp thuận của Tổng thống Traian Basescu.

Bởi lẽ, đã từ lâu, hai chiếc ghế này bị bỏ trống và trong tờ trình gần đây nhất về Romania, Ủy ban Châu Âu cũng đã lên tiếng thúc giục Bucharest phải nhanh chóng có được quyết định rõ ràng. Brussels cho rằng việc bổ nhiệm càng sớm càng tốt hai quan chức nói trên nhằm phục vụ cuộc chiến chống tham nhũng và củng cố nhà nước pháp quyền tại Romania, điều kiện mà nhiều nước đưa ra để nước này có thể gia nhập không gian phi thị thực Schengen.

Nhắc lại, sau tất nhiều lần bị trì hoãn, Romania dường như đã đặt chân trước ngưỡng cửa Schengen vào mùa thu năm 2011, nhưng khi đó nước này chịu thất bại do vị Hà Lan bỏ phiếu chống phản đối.

Quan ngại trước tình trạng tham nhũng của Romania

Tình trạng tham nhũng tràn lan và sự thiếu vắng những nguyên tắc cơ bản của một nhà nước pháp quyền là những yếu tố chính khiến Romania không được Châu Âu sẵn sàng cho gia nhập Khối phi thị thực Schengen, như sự quan ngại của nhiều quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu.

Gần đây nhất, tuần đầu tháng 3, ngay trước khi Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ EU nhóm họp tại Brussels, Đức và Phần Lan đã cho biết hai nước này sẽ bỏ phiếu chống nếu vấn đề gia nhập Schengen của Romania được đặt ra trên bàn nghị sự và được đưa vào biểu quyết.

Trong một phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho hay, cho dù tờ trình gần đây nhất của EU cho thấy đã có chút biến chuyển ở Romania, nhưng quốc gia này vẫn chưa thực hiện được những điều kiện để gia nhập Schengen, và họ vẫn tiếp tục phải chống tham nhũng một cách cương quyết và triệt để hơn.

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu Romania được gia nhập khối Schengen thì người ngoại quốc có thể nhập cảnh Đức bằng tấm thị thực có được bằng đút lót ở Romania, và đây là điều các công dân Đức không thể chấp nhận được.

Trong những tuần qua, dư luận Đức xôn xao trước một dự báo, theo đó, sau khi những hạn chế về nguồn nhân lực sẽ được gỡ bỏ tại EU vào đầu năm 2014, các thành phố lớn của Đức sẽ tràn ngập những công dân Romania gốc Tzigane, ra đi ồ ạt để tránh nạn nghèo đói ở quê hương.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho rằng nước Đức sẵn sàng đón tiếp các công dân EU hội tụ đủ mọi điều kiện để sang Đức làm việc, nhưng sẽ nghiêm khắc xử lý những ai lạm dụng quyền tự do làm việc và chỉ qua Đuúc để nhận những khoản trợ cấp xã hội.

Ông Hans-Peter Friedrich cũng nói thêm, Ủy ban Châu Âu cần kiểm tra xem các nguồn tiền của EU có thực sự được sử dụng vì những mục đích con người tại Romania hay không. Riêng đối với chính phủ Đức, nước này cũng sẽ phạt nghiêm khắc hơn đối với những lừa đảo liên quan tới các khoản trợ cấp xã hội.

Chẳng hạn, người ngoại quốc bị trục xuất vì lừa đảo sẽ bị cấm tái nhập cảnh, để đề phòng việc “cả Châu Âu sẽ tràn qua Đức vì nghĩ rằng những khoản trợ cấp xã hội ở đây là cao nhất”, theo cách diễn đạt của Bộ trưởng Nội vụ Đức.

Romania sẵn sàng “hy sinh những kẻ tham nhũng”

Trước sự phản đối và ngần ngại của nhiều nước Châu Âu, Tổng thống Romania Traian Basescu cho rằng nếu nước ông đưa vấn đề này ra để biểu quyết trong Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ EU, thì nó sẽ gặp phải sự phản đối của ít nhất là 7 quốc gia thành viên EU.

Do đó, ông Basescu đồng tình quan điểm của Thủ tướng Victor Ponta, theo đó Romania không đề nghị biểu quyết về việc gia nhập Khối Schengen. Theo lời ông Basescu, đất nước ông vẫn tiếp tục coi việc gia nhập không gian phi thị thực là một mục tiêu quan trọng và để đạt nước nó, ngay cả việc phải “hy sinh những kẻ tham nhũng” cũng không phải chuyện quá lớn.

Tổng thống Basescu cũng tỏ ý trách Bộ trưởng Nội vụ Đức, người được ông coi là vốn có quan điểm ủng hộ Romania, và trong dịp này lại lên tiếng gay gắt với Ru trên hồ sơ tham nhũng. Theo ông Basescu, giờ đây Romania cần nỗ lực để các Bộ trưởng Nội vụ EU cho họ một cơ hội nữa, có thể vào tháng 9 hoặc tháng 12 năm nay.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Romania thì không có cái nhìn mềm dẻo như thế khi ông này cho rằng vấn đề di dân bất hợp pháp của người Romania gốc Tzigane đã lại được nêu ra như con bài tranh cử để chống lại việc Romania được gia nhập Khối Schengen.

Theo diễn đạt của ông Titus Corlatean, nếu Romania nghiêm túc thực hiện mọi yêu cầu đòi hỏi của EU, nhưng Châu Âu cứ trì hoãn sự gia nhập Khối Schengen của nước này, thì điều đó, đối với ông, có nghĩa là cả quá trình đến tới không gian phi thị thực đã đánh mất tính xác tín của nó.

Đây dường như cũng là quan điểm của Thủ tướng Victor Ponta khi ông tuyên bố rằng, những mục tiêu căn bản của Bucharest như gia nhập khối dùng đồng tiền chung Euro và Khối Schengen vẫn không thay đổi, nhưng nước này sẽ phải “thay đổi chiến thuật” vì kể từ năm 2005 tới nay, Romania không đạt được bất cứ thành công gì tại EU.

Do đó, nền tư pháp Romania vẫn thường xuyên bị đặt dưới tầm ngắm của Brussels và khả năng nước này gia nhập Khối Schengen thì vẫn càng ngày càng bị trì hoãn.

Tham nhũng ở tầm quốc gia

Thủ tướng Victor Ponta không nói cụ thể rằng Romania sẽ “thay đổi chiến thuật” như thế nào, nhưng một điều dễ thấy từ nhiều năm nay là những bê bối tham nhũng đã khiến nước này mất mặt trên trường quốc tế, và trở thành một căn bệnh trầm kha.

Công luận quốc tế còn nhớ cựu Thủ tướng Adrian Nastase, vào mùa hè năm ngoái, đã phải tự tử nhưng bất thành chỉ vài giờ sau khi Tòa án bác kháng cáo của ông với bản án về tội tham nhũng. Kể từ chính biến năm 1989, đây là nhân vật lãnh đạo đầu tiên của Romania phải thi hành án trong tù vì tội tham nhũng.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Y tế Romania Vasile Cepoi đã phải từ chức do bị cáo buộc xung đột lợi ích và đích thân tham nhũng hơn 42 ngàn Euro liên quan đến một hợp đồng do EU tài trợ được trao cho công ty thuộc bạn bè thân hữu của vị cựu bộ trưởng này.

Có thể thấy sau 5 năm gia nhập Liên hiệp Châu Âu, Romania đã không ngăn chặn được tình hình tham nhũng và xung đột lợi ích nở rộ, và một phần vì thế, những cải cách trong khu vực kinh tế nhà nước đã không đạt được thành công gì đáng kể cho dù nước này có vị trí địa lý thuận lợi và nhân công rẻ mạt.

Cũng vì những quan ngại gian lận, tham nhũng và hà lạm ở Romania nên tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định ngừng toàn bộ các khoản viện trợ phát triển mới cho Chính phủ nước này, thuộc các chương trình nhằm phát triển kinh tế, vùng miền và hệ thống giao thông.

Là thành viên của EU từ năm 2007 nhưng tới giờ, cùng Bulgaria, Romania vẫn là một trong những nước nghèo nhất, chậm phát triển nhất của Liên hiệp Châu Âu. Do việc quản lý kém cỏi và tệ quan liệu, tham nhũng tràn lan, thời gian 2007-2013 mặc dù Romania được nhận khoản tín dụng xấp xỉ 20 tỉ Euro, nhưng mức giải ngân cho đến tháng 9 năm ngoái chỉ đạt 10%.

Nhìn vào thực tế, khả năng quản lý yếu kém, thu hút đầu tư kém hiệu quả, hệ thống đường bộ và cơ sở hạ tầng tụt hậu kèm với nạn tham nhũng lan tràn là những yếu tố và lý do khiến Romania vẫn còn xa vời so với Khối Schengen, mà cư dân và giới chính khách nước này đều mong mỏi từ nhiều năm nay...

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest