Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẠI SAO NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT Ở NHẬT KHÔNG ĐƯỢC LÊN ẢNH?

(NCTG) Hai tuần sau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, con số các nạn nhân thiệt mạng trong động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã vượt quá 9.400 và có tới 14.700 người bị xem là mất tích. Ấy vậy mà báo chí Nhật không hề công bố tấm ảnh nào cho thấy các tử thi.

Tấm ảnh động lòng của Okubo Tadashi (nhật báo “Yomiuri Shimbun”)


Vậy, các xác chết đâu rồi?”, tờ “Le Monde” (Pháp) đặt câu hỏi. Nicolas Jimenez, nhân viên bộ phận nhiếp ảnh của báo nhận xét rằng trên những tấm ảnh đầu tiên về các nạn nhân - nhận được 1 tuần sau thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản - cũng không có các tử thi, mà chỉ thấy những quan tài đặt cạnh nhau. Nhớ lại, năm 2004, chỉ chưa đầy 2 ngày sau khi thảm họa sóng thần ở Thái Lan xảy ra, đã có hàng loạt ảnh về những nạn nhân bị chết đuối.

Văn phòng của Hãng thông tấn AFP (Pháp) tại Tokyo có 4 phóng viên ảnh người Nhật, nhưng họ đều tỏ ra chừng mực trong việc ghi nhận thảm họa kinh hoàng tại quê hương mình. Tuy nhiên, theo Thomas Coex, Trưởng Ban biên tập ảnh của AFP, đây không phải sự ngượng ngùng hay mắc cỡ mà thiên hạ thường gán cho dân Nhật, mà đơn thuần là biểu hiện của văn hóa thị giác của xứ sở này.

Các phóng viên ảnh người Nhật rất để tâm đến thẩm mỹ của bức ảnh, do đó khi chụp họ quan tâm đến vẻ đẹp hơn là nội dung xúc cảm của ảnh” - Thomas Coex lý giải. Do đó, ảnh họ chụp nhấn mạnh mức độ của sự tàn phá, nhưng họ không chủ ý chụp cận cảnh các nạn nhân. Tất nhiên, cũng cần thừa nhận một điều là việc chuyên chở các tử thi được giới cứu hộ thực hiện rất nhanh chóng và đó cũng là một lý do khiến không có ảnh chụp xác chết.

Thực ra, không có điều luật nào ở Nhật cấm việc chụp và đăng tải ảnh những nạn nhân bị tử nạn -  Sindzsi Inada, phóng viên thường trú tại Pháp của tờ nhật báo lớn thứ hai tại Nhật “Asahi Shimbun” cho hay. “Đây là vấn đề đạo đức. Các phóng viên có chụp những tấm ảnh máu me, nhưng báo không sử dụng chúng. Khủng hoảng lần này như một cuộc chiến. Giới nhiếp ảnh không muốn những tấm ảnh họ chụp gây kinh hoàng cho độc giả” - nhà báo này nhấn mạnh.

“Le Monde” cũng lưu ý độc giả rằng thực ra, không phải tất cả các phóng viên ảnh Nhật đều muốn tránh những tấm ảnh mang tính bi thảm. Một trong số họ, phóng viên ảnh Okubo Tadashi của tờ nhật báo “Yomiuri Shimbun” đã chớp được từ khoảng cách gần một cô gái quấn chăn, sững sờ trong cảnh hoang tàn của thành phố Ishinomaki.

Gương mặt bàng hoàng và cái nhìn vô định của cô gái đã phản ánh tất cả sự kinh hoàng của thảm họa và do đó, tấm ảnh đã được rất nhiều tờ báo Pháp và quốc tế đăng lại, phóng to phần ảnh người thiếu nữ. Dầu sao đi nữa, nếu có các tử thi trên ảnh, thì cũng không mấy khi đó là đề tài chính của tấm ảnh. Có lẽ chỉ có một ngoại lệ: tấm ảnh một phụ nữ thiệt mạng ngay trong nhà của mình tại thành phố Sendai, ngày 13-3.

Về vấn đề do báo “Le Monde” đặt ra, một số phóng viên ảnh quốc tế cũng cho rằng, chụp ảnh nạn nhân trong các thảm họa hay tai nạn là một sự thách thức về đạo đức, bởi lẽ phải có sự thận trọng và cân nhắc rất lớn. Tuy nhiên, đa số cho rằng một phóng sự về thảm họa thiên nhiên sẽ thiếu phần xác tín nếu không đi kèm những tấm ảnh như thế...

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp