Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỨC KHỎE, MỸ KHÔNG HẠNG NHẤT VÀ VIỆT NAM CŨNG KHÔNG HẠNG BÉT

(NCTG) “Việt Nam thua Thái Lan về nhiều mặt, đáng kể nhất là về mặt bóng đá, hỡi ôi, nhưng trong bảng lại xếp hạng cao hơn. Một phần nhỏ có lẽ ta đá bóng thì kém nhưng đá vợ đá con cũng kém Thái nốt nhờ kế hoạch hóa gia đình tốt, nên ít bạo lực gia đình hơn...”.
Mỹ không hạng nhất... - Minh họa: everystockphoto.com
Mục tiêu phát triển bền vững” (SDG, Sustainable Development Goal) là một khái niệm do các nhà thư lại của tổ chức Liên Hiệp Quốc ngồi rảnh rỗi trong bàn giấy mà nghĩ nát óc ra vào năm 2000. Trong hơn một thập niên, với sự cộng tác của cả ngàn người nghiên cứu tại 122 quốc gia mới ra được đúc kết, gồm cả sức khỏe, y tế, tai nạn giao thông, tội ác, ô nhiễm, chiến tranh, và kể cả vì buồn mà tự sát, v.v…

Nói tóm tắt, đây là bảng xếp hạng về nơi nào “dễ sống” nhất trên thế giới hiện nay.

Thống kê, xếp hạng nào cũng có vấn đề, người đọc quan tâm có thể xem phần định nghĩa, phương cách làm việc và toàn bộ hồ sơ tại đây. Xin sơ lược kết quả của tờ trình. Riêng phần “dễ sống” có phải là “đáng sống” không thì để mỗi người tự trả lời.

Xếp hạng SDG 188 quốc gia 2015

1- Iceland (15-Đức, 5-Anh, 25-Pháp)
28- Hoa Kỳ (9-Canada, 69-Mexico, 43-Bahamas)
36-Hungary (39-Ba Lan, 34-Cộng hòa Czech, 118-Ukraine)
94-Việt Nam (112-Thái Lan, 92-Trung Quốc, 127-Philippines)
188-Cộng hòa Trung Phi (163-Nigeria, 173-Uganda, 139-Gabon)


Nói chung thì chẳng có gì là lạ, Âu - Mỹ vẫn là dễ thở hơn cả và Trung Phi thì bết bát, mày có ngóc lên lấy hơi thì tao nhận xuống tiếp cho mày chết. 

Tuy nhiên siêu cường quốc tế không hẳn là “dễ sống và dễ sống khỏe” nhất, Hoa Kỳ là hàng 28, Trung Quốc là 92 và Nga là 119.

GDP, thu nhập cao thì hẳn là tốt rồi, nhưng cũng chẳng dễ sống hơn người. Nước GDP đầu người cao nhất thế giới (World Bank 2015) là Qatar thì hàng có 89. UAE (tức Dubai, Abu Dhabi) hào nhoáng cũng chỉ hàng 84, nhiều dầu hỏa như Saudi (hàng 105) không phải là dễ sống, có khi còn khó sống là đằng khác như Iraq (hàng 128) và Kuweit (hàng 68), về chỉ số này thấp hơn là… Cuba (hàng 66)!

Giờ l‎ý do gì Cuba lại xếp hạng cao hơn Kuweit theo điều tra này? Cuba về phần kém là xác xuất thiên tai (bão trong khu vực), HIV, tự sát (sau khi nghe Fidel diễn thuyết dài 5 tiếng), uống rượu (so với 1 nước Hồi giáo là tất nhiên), bạo lực, tai nạn lao động nhưng ngược lại không có xác xuất chiến tranh, ít tai nạn giao thông (mặc dù rất nhiều xe cũ từ thập niên 50) và các chỉ số y tế cao, như bảo hiểm y tế (UHC) và các dấu hiệu này tốt như ít thấp còi (stunting), ít béo phì, bệnh lao, số trẻ em thiệt mạng dưới 5 tuổi hay sơ sinh đều cao hơn Kuwait, mặc dù số ít tuổi mà đã là mẹ cao hơn.
 
11

Mặt khác, so sánh có ‎ý nghĩa phải so sánh với các quốc gia trong khu vực, cùng một quá trình lịch sử và phát triển, ngoài việc cùng chung một khu vực địa lý. Các quốc đảo bé ngay cạnh đại khái cũng cùng một chỉ số “dễ sống”, và hai quốc gia tương đương thì Cộng hòa Dominican hàng 82 (62 điểm),còn Haiti tệ hại hàng 145 (41 điểm).

Việt Nam thua Thái Lan về nhiều mặt, đáng kể nhất là về mặt bóng đá, hỡi ôi, nhưng trong bảng lại xếp hạng cao hơn. Một phần nhỏ có lẽ ta đá bóng thì kém nhưng đá vợ đá con cũng kém Thái nốt nhờ kế hoạch hóa gia đình (FP) tốt, nên ít bạo lực gia đình (IPV) hơn, cũng như xã hội ít bạo lực nói chung, và nguồn nước uống (LaVie) sạch, tuy ta ở bẩn hơn người Thái (các chỉ số WaSH, Sanitation, Hygiene, vệ sinh, vệ sinh môi trường).

Chi tiết như sau:
 
12
 
Nghiên cứu này cũng như mọi nghiên cứu, có những giới hạn nhưng cũng chỉ ra được một số điều bất cập như trong bài báo của Bloomberg phân tích. Hoa Kỳ đứng hàng 64 về số phụ nữ qua đời khi sanh nở và hàng 40 về số trẻ em qua đời trước khi lên 5 tuổi. Dĩ nhiên, số dùng rượu của Mỹ cao hơn nhiều số dùng rượu tại… Saudi (hay là Iran) nhưng ngạc nhiên là số tai nạn lao động cũng cao hơn Saudi (chút xíu). 

Đồ biểu dưới đây chia làm hai cột.

Bên trái là xấu, gồm từ trên xuống dưới “Trẻ em phát phì”, “Bạo lực” và “Rượu”, càng về phía phải là càng tốt, chấm từ 0 điểm đến 100.

Bên phải là cột tốt, gồm “Chiến tranh”, “Vệ sinh” và “Tai nạn lao động”, càng về phía phải là càng tốt.
 
13

Việt Nam, ở bảng này thường thường bậc trung, đứng ngay giữa. Nghiên cứu trên tờ “Lancet” rất tỉ mỉ, chúc các bạn quan tâm đến từng quốc gia hay từng vấn đề có thời gian để chúi mũi vào.

Tác giả bài viết: Đỗ Khiêm