Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


STALIN CÓ THỂ SẼ TÁI HỒI TẠI NGA

(NCTG) Ít nhất là tại TP Volgograd, nơi mà theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, cần tiến hành trưng cầu dân ý để xem có nên đổi lại thành tên cũ Stalingrad hay không.

Cuộc chiến trên đường phố Stalingrad (ngày 8-10-1942) - Ảnh tư liệu


Stalingrad là thành phố lớn ở miền Tây Nam nước Nga mà trong Đệ nhị Thế chiến, Hồng quân Liên Xô đã chặn được bước tiến của phát-xít Đức trong một trận chiến ác liệt, khiến cục diện cuộc chiến được xoay chuyển. Diễn ra từ ngày 17-7-1942 đến ngày 2-2-1943, trận chiến Stalingrad được xem như một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại với con số thương vong theo ước tính từ 1,5 đến 2 triệu người.

Volgograd được thành lập vào thế kỷ 16 và trong mấy trăm năm dưới thời Nga hoàng, nó mang tên Tsaritsyn. Vào thời sùng bái cá nhân, nhà độc tài Stalin đã ra chỉ thị để nó mang tên mình và cái tên Stalingrad (Thành phố của Stalin) tồn tại cho đến năm 1961. Khi đó, đô thị lớn này được cải tên thành Volgograd (Thành phố bên dòng Volga).

Là một trong mười ba địa danh tại Liên Xô được phong danh hiệu Thành phố Anh hùng do những chiến tích trong Đệ nhị Thế chiến, năm ngoái, theo đề nghị của giới cựu chiến binh, một cách tượng trưng, cơ quan lập pháp thành phố này bắt đầu gọi lại Volgograd là Stalingrad trong các thông cáo chính thức, gây nên một cuộc tranh luận lớn trên phạm vi toàn quốc.

Liên quan đến tên gọi của thành phố, trong một cuộc gặp mặt các cựu chiến binh từng tham gia Thế chiến thứ hai vừa tổ chức mới đây, Tổng thống Liên bang Nga Putin cho rằng cần để người dân được trực tiếp quyết định, xem có nên đổi lại tên thành phố thành Stalingrad hay không.

Cần biết là trong những năm gần đây, Liên bang Nga ngày càng có xu hướng “thương nhớ” kỷ nguyên Xô-viết. Có thể kể đến một số biểu hiện như sự hưởng ứng của một bộ phận đáng kể trong cư dân nước này đối với can thiệp quân sự của Nga tại bán đảo Crimea và Ukraine, cũng như những động thái “ngầm” của chính quyền nhằm vinh danh thời Liên Xô (cũ).

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu