Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SIÊU THỊ VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC

(NCTG) Với người dân TP HCM, hai chữ Siêu Thị thực sự đã không còn là khái niệm xa lạ, kể cả với những người dân có mức thu nhập bình thường. Bất cứ ai cũng có thể đặt chân vào siêu thị, để mua các loại mặt hàng từ bình dân đến cao cấp.

Ảnh minh họa - Nguồn: vn2k forum

Đặc biệt, đối tượng tham gia mua sắm ở siêu thị nhiều nhất chính là phái đẹp, nhiều người ghiền mua sắm đến mức tới siêu thị đều đặn vài lần một tuần. Có lẽ chính vì nhu cầu đó mà hệ thông siêu thị ở TP HCM đang ngày một bùng phát mạnh mẽ, như hệ thống siêu thị Cora (hiện đổi tên là Big C), Coop-Mark, Maximark, Citymark... Ngoài ra, còn có những siêu thị chuyên biệt như siêu thị điện máy, siêu thị điện thoại... Tất cả đang dần góp phần tạo nên bộ mặt cho sự phát triển của thành phố.

Các siêu thị đang ngày một nỗ lực cải tiến chất lượng nhằm thu hút khách hàng bằng những chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng hàng tuần thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, hầu như các siêu thị đều cấp cho ngườI tiêu dùng Thẻ Khách hàng Thân thiết để khấu trừ phần trăm trên hóa đơn mua hàng, hay có chương trình tặng quà cho khách vào các dịp lễ tết, đặc biệt là Valentine, 8-3...

Tuy nhiên, có lẽ vì thiếu những thông tin phản hồi từ phía khách hàng mà hiện nay, các siêu thị tại thành phố vẫn bộc lộ một vài điều rất đáng lưu tâm. Thông qua một vài khách hàng thường xuyên của các Siêu thị, chúng tôi đã nghe được một số phản hồi khác nhau, nhiều ý kiến tưởng chừng nhỏ bé, vụn vặt nhưng thực sự đã khiến cho khách hàng cảm thấy khó chịu, bực bội.

Trước tiên phải nói đến là thái độ của các nhân viên siêu thị. T.D. (20 tuổi, Chiến Thắng - Quận Phú Nhuận) tỏ vẻ khá bức xúc. Cô nói rằng mỗi lần đến mua sắm ở siêu thị Maximark Cộng Hòa, cô thường bắt gặp thái độ rất khó chịu của các nhân viên ở gian bán quần áo. Nếu coi bộ nào lấy luôn bộ ấy thì không sao, còn nếu đem vô thử, nhất là thử vài bộ mà không có bộ nào ưng ý thì các cô nhân viên ở đây sẽ tỏ thái độ chẳng mấy thiện cảm. Có cô thì lườm nguýt, có cô thì lấn sấn tới "tư vấn" cho D. chọn với mấy câu nói mát mẻ chẳng đẹp lòng cho lắm, như: " Bao nhiêu hàng thế này mà chị cũng không lựa được bộ nào à? Lựa từ nãy đến giờ cả chục bộ rồi chứ có ít đâu". Thiết nghĩ siêu thị là nơi mua sắm tự chọn, nhất là quần áo, đã mua là phải thử, ưng thì mua, không ưng thì thôi, cách phục vụ của một số nhân viên trên đã thực sự làm mất đi sự thoải mái cho khách hàng đến mua sắm. Có lẽ chính vì lý do đó mà D. nói với tôi rằng khoảng nửa năm nay cô đã chuyển sang mua sắm ở một siêu thị khác, vừa gần chỗ ở, vừa có thái độ phục vụ tốt hơn, cho dù mặt hàng của siêu thị này không được phong phú như Maximar Cộng Hòa.

Cũng phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên siêu thị, chị T. (Dĩ An, Bình Dương) là khách hàng thường xuyên của siêu thị Coop-Mark Thủ Đức. Chị nói rằng một buổi tối khoảng trước Tết Nguyên Đán năm nay, chị có đến siêu thị sắm Tết. Vừa bước vào, chị đã giật nảy mình bởi tiếng quát rất to từ một cô nhân viên trẻ: "Này, không nhìn thấy người ta mới lau sàn xong hay sao mà đã dẫm lên vậy? Mắt mũi để đâu thế?" Thái độ của cô nhân viên hết sức giận dữ, như thể sự "vô ý" của chị T. là không thể chấp nhận được. Thật không thể hiểu nổi tại sao vào thời điểm mua bán tấp nập nhất trong ngày, cô nhân viên lại mang chổi ra lau? Nhưng hãy cứ cho là có ai đó vô tình đổ nước ra sàn hay vì một lý do khách quan nào đó khiến cô buộc phải làm như vậy, thì cô nhân viên trên chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không thể và đúng hơn là không được phép có cách ăn nói thiếu nhã nhặn như vậy với khách hàng của mình!

Bên cạnh thái độ phục vụ chưa tốt của một số nhân viên, khách hàng còn gặp thêm một vài phiền toái khác. Cũng ở siêu thị Coop-Mark Thủ Đức, có rất nhiều khách hàng phàn nàn về hệ thống giá cả của siêu thị. Thông thường, các mặt hàng trong siêu thị thường được dán giá theo cả hai cách. Trên mỗi kệ hàng trưng bày sản phẩm được dán giá lớn để tiện việc nhận biết giá cả cho khách hàng, còn giá trên bao bì sản phẩm chỉ để nhân viên siêu thị tiện việc thu ngân bằng máy. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các quầy trưng bày trong siêu thị luôn bày hàng hóa một cách không rõ ràng. Điển hình là bên quầy gia vị và mỹ phẩm (dầu gội, sữa tắm...) Cách bày biện của siêu thị rất lạ lùng, giá ghi trên kệ thường ghi giá thấp nhất của sản phẩm theo khối lượng hoặc thể tích. Nghĩa là cũng là loại sản phẩm ấy, nhưng có nhiều mức trọng lượng, mức thể tích khác nhau thì siêu thị chỉ dán mức giá sản phẩm có thể tích hay trọng lượng nhỏ nhất lên kệ, sau đó bày tất cả các hàng hoá cùng loại vào khu vực với một giá chung như vậy. Cụ thể hơn, những chai dầu gội đầu 100 ml và 250ml vốn có giá hoàn toàn khác nhau, nhưng lại luôn được bày vào cùng khu vực của sản phẩm 100ml. Tất nhiên, phía sau sản phẩm vẫn dán giá đúng nhưng hầu như không mấy ai lật sản phẩm lên để đọc giá mà họ thường đọc giá ngay trên kệ vì tiện lợi và rõ ràng hơn. Vậy là có không ít khách hàng đã nhầm lẫn dẫn đến việc khi ra quầy thanh toán, nhiều khi không đủ tiền vì số tiền phát sinh gấp đôi, phải trả lại hoặc đổi hàng rất mất thì giờ.

Cũng về chuyện giá cả, chị Th. (Nguyễn Kiệm, Gò Vấp) tỏ vẻ không hài lòng khi mỗi lần mua sắm ở siêu thị Coop-Mark Nguyễn Kiệm, nhất là ở gian hàng lưu niệm, sổ sách, tập vở... thường phải mất công đi hỏi giá cả từng mặt hàng vì trên bao bì và trên kệ trưng bày không hề dán giá. Một việc nhỏ như vậy mà để mất khách thì thật đáng buồn.

Ngoài ra, chuyện tính tiền sai cũng là một trong những điều khiến khách hàng cảm thấy thiếu hài lòng khi mua sắm tại các siêu thị. Bởi khi đến siêu thị, nhiều người thường rất tin tưởng vào độ chuẩn xác của máy tính tiền, nên hầu như không mấy ai kiểm tra lại hóa đơn khi thanh toán. Một trong những siêu thị gây dư luận nhiều nhất chính là hệ thống siêu thị Big C, tại đây thường xuyên xảy ra hiện tượng tính nhầm tiền cho khách hàng. Lúc thì hàng tăng giá nhưng siêu thị chưa kịp dán giá mới, nhân viên siêu thị đổ thừa cho khách hàng đến mua "sớm quá", lúc thì đổ thừa quá đông khách nên nhầm lẫn. Một số siêu thị khác cũng có những hiện tượng nhầm lẫn về phần thu ngâm, nhưng ít hơn Big C. Và siêu thị Miền Đông là một ví dụ. M.H. (Nguyễn Trọng Tuyển - Phú Nhuận) kể, hôm ấy cô đi siêu thị, thanh toán hết khoảng 150.000 tiền hàng. Nhưng lúc ấy khá đông khách nên cô nhân viên nhận tiền của M.H. xong thì...chẳng hiểu đãng trí thế nào lại quên mất là mình đã nhận tiền rồi, và yêu cầu chị H trả tiền. Hai bên giằng co chán, cuối cùng các cán bộ nhân viên siêu thị phải dùng đến biện pháp tính lại toàn bộ số tiền bán được trong ca tối hôm đó. Tất nhiên là phần thắng thuộc về chị H., nhưng chị đã phải mất một khoảng thời gian đáng kể cho sự nhầm lẫn không đáng của siêu thị trong khi ai cũng biết bây giờ, thời gian luôn là vàng bạc.

Nói về sản phẩm tại các siêu thị, chất lượng cũng là một điều đáng lưu tâm. Cách đây một thời gian, báo chí đã đưa tin chuyện bác sĩ Phạm Cúc Khanh ở Quận 1, mua nửa ký thịt bò tươi sống ở một siêu thị tại Quận 10, nhưng khi về mới phát hiện thịt bò nhiễm nang sán. Lúc phản ánh thì siêu thị không có phản hồi lại. Chỉ tới khi có khiếu nại, siêu thị mới chịu lên tiếng, nhưng nói rằng tất cả thịt đều lấy từ một lò mổ ở Đồng Nai, mỗi lô hàng đều được dán tem chứng nhận chất lượng của Chi cục Thú y Đồng Nai. Nói như thế chẳng lẽ siêu thị này không phải nhận bất kỳ trách nhiệm nào?

Ngoài ra, khi đến siêu thị Hà Nội (Cống Quỳnh), ai cũng phải chán ngán khi ghé vào những gian quần áo xuất khẩu, nghe hai từ "xuất khẩu" mà siêu thị quảng cáo trên báo, lại cộng thêm mức giá rẻ bất ngờ, ai cũng háo hức đến coi nhưng khi đến thì thất vọng ê chề, chất lượng và mẫu mã cực kém, thậm chí nhiều bộ quần áo trông cũ kỹ đến thảm hại, làm buồn lòng ghê gớm khách hàng - nhất là những ai vốn có gốc gác Hà thành. Nên chăng, dẫu có cố ý chọn mặt hàng giá thấp dành cho khách bình dân như tiêu chí đặt ra của siêu thị - "Bạn đồng hành của người lao động thành phố" -, thì những sản phẩm quá kém chất lượng như thế cũng không nên được trưng bày?

Trên một phương diện khác, chị K.H. (giám đốc Công ty TNHH Kim Tượng, Thủ Đức) phản ánh về tình trạng hết hàng của một số siêu thị. Nhiều khi tới siêu thị mua sắm, chị không thể mua được mặt hàng cần thiết vì chưa nhập về hoặc hết hàng. Chị nêu ý kiến cho rằng các siêu thị nên có một cuốn sổ hay phiếu đặt hàng để khách có thể mua được những thứ mình cần một cách dễ dàng hơn, đồng thời đây củng là biện pháp góp phần giúp siêu thị nhanh chóng cập nhật được những sản phẩm mới cần thiết cho nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng.

Trên đây là một vài ý kiến mà tôi nghe được từ phía những người thường xuyên chọn siêu thị làm nơi mua sắm, hy vọng qua bài viết này, các siêu thị sẽ có sự quan tâm tốt hơn nữa để tránh những phiền toái và thất vọng không đáng có cho khách hàng, để cho câu nói "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" không phải là sáo rỗng.

Tác giả bài viết: Trúc Quỳnh, từ Sài Gòn