Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SAU LATVIA, ESTONIA CŨNG MUỐN DỰNG “TƯỜNG”

(NCTG) Một “tiểu quốc gia” ở vùng Baltic là Estonia lên kế hoạch xây dựng hàng rào dọc biên giới Nga, theo tin của “Postimees”.
Cây cầu bên biên giới Estonia - Nga - Ảnh: Alexander Drozdov
Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1,4 triệu cư dân, một phần ba diện tích là vùng người nói tiếng Nga, Estonia là quốc gia thứ hai trong khu vực sau Latvia có ý định này.

Theo kế hoạch được cảnh sát và cơ quan biên phòng nước này rò rỉ, dự án sẽ được khởi đầu vào năm 2018, và chỉ tập trung trên 108km trên tổng số 294km của toàn tuyến biên giới Estonia - Nga.

Được biết, phần còn lại của tuyến biên giới là những miền quê bùn lầy và khó tiếp cận, nhưng tại những nơi đó chính quyền Estonia cũng dự trù sẽ củng cố việc kiểm tra biên giới.

Chính phủ Estonia dự tính bỏ ra 71 triệu Euro cho dự án “xây tường” này.

Dụng ý của Estonia cũng trùng lặp với ý định của một quốc gia láng giềng là Latvia, nơi 17 triệu Euro đã được “để riêng” với mục đích xây một khu vực quan sát biên giới có chiều rộng 12m trên 214km của tuyến biên giới Nga - Latvia.

Lý do được đưa ra là Latvia muốn ngăn dòng người tỵ nạn đến từ vùng Trung Á, dùng Latvia làm chặng trung chuyển để tiến sang các nước Bắc Âu.

Cho dù, trong năm ngoái chỉ có vỏn vẹn 200 người nhập cư bất hợp pháp tới nước này, và con số này tính đến tháng 8 năm nay cũng chỉ mới là 187.

Giới truyền thông bình luận rằng những tuyến đường chính mà người nhập cư hay tỵ nạn thường sử dụng thì đều xa Nga, và việc dựng một hàng rào dọc biên giới như các nước vùng Baltic đang dự định cũng không có ý nghĩa về mặt quân sự.

Cho nên, tuyên bố của Estonia có thể chỉ mang tính khẳng định về một quyết tâm của các nước Baltic hiện đang trong mối quan hệ căng thẳng với Liên bang Nga, thì hơn là thực tế, nhất là vì sự thực hiện chỉ được tiến hành sau ba năm.

Chỉ cho đến năm ngoái, Nga và Estonia mới ký Hiệp định biên giới, về căn bản giữ nguyên biên giới trên bộ giữa hai nước như thời Liên Xô, còn biên giới trên biển được phân định theo Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Hiệp định biên giới trước mắt chưa được Quốc hội Nga phê chuẩn.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu