Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SÀI GÒN TRONG MẮT “TIMES”

“Một trung tâm thời trang phong cách, nơi những chàng trai cô gái trẻ đẹp phô diễn sự sung túc của họ trong các quán bar sang trọng hay trên những đại lộ xanh rợp bóng cây…” – tác giả Hannah Strange nhận xét như vậy về TP HCM trong một bài báo trên tờ “Times”.

Nhà thờ Đức Bà, một biểu tượng của TP HCM

Bỏ qua những chàng trai giả gái ẻo lả, những chuyện phức tạp thuộc về cơ chế, Sài Gòn ngày nay (tên chính thức là TP HCM) là một trung tâm thời trang phong cách, nơi những chàng trai cô gái trẻ đẹp phô diễn sự sung túc của họ trong các quán bar sang trọng hay trên những đại lộ xanh rợp bóng cây. Các thiếu nữ ăn bận chải chuốt, tinh khôi, cưỡi những chiếc scooter Lambretta bóng bẩy lướt vèo qua đường phố mỗi ngày. Họ đang phóng xe tới nơi làm việc ở một hãng nào đó – Sony, Canon, hay Nike. Còn vào kỳ nghỉ cuối tuần, từng nhóm thanh niên lại lượn xe khắp các khu trung tâm thương mại của thành phố, nơi họ tới để chiêm ngưỡng và được chiêm ngưỡng.

Việt Nam, sau khi ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung toàn diện, đã trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á với tốc độ tăng trưởng chỉ sau Trung Quốc. Người dân ở các thành phố, lần đầu tiên được thấy túi tiền nằng nặng sau hàng thập kỷ lép kẹp, đang hối hả tìm mua những thứ xa xỉ mà trước kia chỉ có ở Việt Nam dưới dạng hàng giả hàng nhái rẻ tiền bày bán ở chợ. Kết quả là, mặc dù TP HCM vẫn còn là nơi người ta có thể mua được đồng hồ Rolex và túi Louis Vuitton rởm, nhái (được gắn mác Fuitton), nhưng người ta cũng tìm thấy ở đây một thiên đường dành cho dân mua sắm. Một nơi mà các thương hiệu hàng đầu của thế giới đứng kề vai với những tài năng mới nổi người Việt Nam.

Trong những năm gần đây, các nhà thiết kế Việt Nam đã bắt đầu tạo được dấu ấn trên sân khấu thời trang quốc tế. Những nhãn hiệu như Bombyx Design thu hút sự quan tâm của đại diện các công ty kinh doanh tại cả Mỹ và châu Âu. Bombyx Design được nhà thiết kế Toàn Nguyễn sáng lập năm 2004 sau một thời gian nghiên cứu thời trang ở Paris. Nhãn hiệu này giờ đây đang hợp tác với một loạt công ty của phương Tây, và họ hy vọng sẽ có mặt tại Tuần lễ Thời trang London 2008. (1)

Toàn từng tổ chức trình diễn ở Paris theo lời mời của phu nhân Tổng thống Pháp Chirac, và giờ thì anh đang có kế hoạch phát triển thương hiệu Bombyx Design ở Mỹ và Âu châu. Đối tác kinh doanh của anh, Amazin Lethi, nhận xét rằng Bombyx Design đã tạo được sự chú ý đáng kể bên trời Tây: “Khách hàng của chúng tôi ở khắp nơi trên thế giới. Giờ đây chúng tôi hợp tác với một hãng sản xuất quần áo bò của Anh để thiết kế trang phục cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn có khách hàng riêng, trong đó có rất nhiều khách hàng ở Mỹ. Chúng tôi đang thiết lập mạng lưới khách hàng tại cả châu Âu nữa. Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với những nhà phân phối nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là có thể ở cùng hạng với Dior và Dolce&Gabbana, những thương hiệu thời trang luôn tiên phong về ý tưởng, tạo cảm hứng thiết kế cho các designer”.

Dấu ấn thời trang Việt

Khách đến Việt Nam sẽ thấy nơi đây là một đất nước đang mạnh mẽ tiến lên, và đặc biệt là người dân Việt Nam có con mắt nhìn tinh đời để nhận ra ngay những xu hướng thời trang mới nhất. Phần lớn đó là sự kết hợp những nét đẹp nhất của cả thời trang châu Âu và châu Á. Lethi cho biết: “Chúng tôi có sự hòa trộn các ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng từ châu Âu. Bởi vì khi người Pháp đô hộ Việt Nam, họ mang tới đây cả nền văn hóa Pháp và Paris, rất nhiều người Việt biết tiếng Pháp. Và đó là một phần lý do tại sao thương hiệu thời trang của chúng tôi có sự ảnh hưởng pha trộn giữa cảm giác Pháp, cảm giác châu Âu và hương vị châu Á”.

Sự thanh lịch và tao nhã của thời trang Việt Nam đã tạo cảm hứng cho một loạt nhà thiết kế phương Tây nổi tiếng. Ralph Lauren là một trong số những tên tuổi lớn, đã cho ra đời các bộ sư tập lấy cảm hứng từ chiếc áo dài của Việt Nam – một chiếc áo được may dài, ôm sát thân hình người mặc, hai tà xẻ cao, thường kèm với quần may rộng.

Nhà thiết kế nổi tiếng người Mỹ Richard Tyler cho biết, thời trang Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn tới tác phẩm của ông: “Tôi sử dụng rất nhiều nét Á châu làm chất liệu cho thời trang. Tôi thấy sự hợp nhất giữa phong cách châu Á và ảnh hưởng châu Âu là một đặc điểm rất thanh lịch ở thời trang Việt Nam. Tôi đã nhận ra vẻ đẹp khỏe mạnh của những người nông dân làm ruộng trên cánh đồng, lấy hình ảnh đó làm cảm hứng cho mình, và đương nhiên kết hợp nó với vẻ đẹp lịch lãm của những người đàn ông trong bộ complet được may rất khéo bằng vải linen nữa”.

Richard Tyler cũng tuyển những những người Việt Nam tài năng vào làm việc cho ông. Họ giúp ông sáng tạo ra những bông hoa giả, cuốn bằng tay, thật tinh tế để tô điểm thêm cho bộ trang phục, những chiếc cổ Tàu,  những chiếc quần bò xẻ gấu hay quần dài, rộng thùng thình, may bằng lụa hay linen… Tóm lại, họ tạo ra hình ảnh châu Á trong tác phẩm của ông.

Phong cách Sài Gòn

Người nước ngoài muốn tìm kiếm phong cách Sài Gòn, trước hết nên đến đường Đồng Khởi ở Quận 1. Đây là nơi thỏa mãn mọi thị hiếu về thiết kế, nơi những thương hiệu hàng đầu ở phương Tây, như Gucci, xếp xen kẽ với những tên tuổi của giới thiết kế Việt Nam, như Minh Hạnh – một trong các gương mặt nổi tiếng nhất làng thời trang Việt Nam. Đường Đồng Khởi được tạp chí “The Economist” gọi là “một phố Bond đầy cây xanh”. Con đường này là một khu mua sắm khác xa với những ồn ào náo nhiệt ở New York và London. Tại đây, khách có thể thả bước thong dong dọc theo một đường phố dài đặc trưng cho Sài Gòn thời xưa, có thể dừng chân để len vào một quán café nằm lọt giữa những cửa hàng choáng lộn, nhấm nháp một ly chanh tươi đường đá mà đắm mình tỏng cái văn hóa café rất sôi động của thành phố.

Đường Đồng Khởi

Quãng góc đường, số 72-74 Trương Định là showroom của nhà thiết kế từng được giải về thời trang: Ngô Thái Uyên. Đây cũng là nơi người mê thời trang ở Sài Gòn thường ghé qua. Các mẫu thiết kế luôn phiêu lưu trong thế giới bohemian của Ngô Thái Uyên đã được các cửa hàng thời trang ở Mỹ và Nhật chú ý, và từng có mặt trong một bộ sưu tập độc đáo dành cho chuỗi cửa hàng bán lẻ J. Jill (bộ này được bán tại Việt Nam chỉ với giá 7-25 bảng Anh, tức là từ 14-50 đô-la Mỹ).

Đi tiếp nào. Ngô Thái Uyên giới thiệu chúng tôi tới đường Tôn Thất Thiệp để thăm các cửa hàng thời trang như Gaya, nơi có sản phẩm của những nhà thiết kế quốc tế, chẳng hạn Romyda Keth, một người Pháp gốc Campuchia. Sau đó thì tới Zen Plaza ở đường Nguyễn Trãi để xem bộ sưu tập của các nhà thiết kế Việt Nam. Thái Uyên cho biết: “TP HCM là nơi lý tưởng để người ta tìm hiểu về thời trang. Luôn luôn có những khuynh hướng mới, thực sự là một thành phố năng động và nhộn nhịp, tạo cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế”.

Với những người muốn mua sắm ở một mức giá dễ chịu, TP HCM cũng là nơi lý tưởng dể bạn nhét đầy tủ quần áo của mình những bộ mốt mới nhất với giá cả vừa phải. Lại có cả những cửa hàng may đo để đáp ứng ý thích cá nhân của từng khách hàng, với đội ngũ thợ may đông đảo khắp thành phố. Người nước ngoài tới Sài Gòn có thể mang ảnh chụp hoặc mẫu thiết kế đến nhà may, chọn chất liệu (hoặc tự mua vải ở bất kỳ một khu chợ lớn nào ở thành phố, ví dụ như chợ Bến Thành - điểm đến ưa thích của những người khoái mặc cả). Sau đó, khách sẽ được may một bộ đồ ưng ý với giá cao hơn chút ít so với một tờ tạp chí đắt tiền ở Anh: khoảng 6 bảng một chiếc quần hoặc áo kiểu đơn giản, 30 bảng một chiếc áo lụa dài truyền thống.

Chợ Bến Thành

Tất nhiên, tiền nào của ấy, chịu khó trả tiền cho một nhà may cao cấp hơn sẽ đảm bảo cho bạn có sản phẩm chất lượng tốt hơn. Khai’s Silk tự thiết kế chất liệu và nổi tiếng nhờ chất lượng rất cao. Văn phòng chính của họ nằm ở số 107 đường Đồng Khởi, còn các cửa hàng thì rải rác khắp thành phố.

Sau khi đã sắm sửa đầy đủ, bạn cũng cần nơi trưng diện. Sài Gòn có vô số nhà hàng và quán bar rất sang trọng, trong đó, nhiều nhà hàng và bar tọa lạc ở những địa điểm lịch sử của thành phố. Saigon Saigon Bar ở khách sạn Delta Caravella mang phong cách tinh tế thời Pháp thuộc, còn nếu bạn muốn nhâm nhi vodka martini phục vụ tại một nơi đa phong cách, thì hãy thử tới Q Bar. Apocalypse Now là một trong những vũ trường nổi tiếng nhất thành phố, nhưng có điều bạn cũng cần biết, nơi này chỉ sôi nổi từ nửa đêm, khi thanh niên Sài Gòn bắt đầu thể hiện sự sành điệu, lộng lẫy và xa hoa của họ. (*)

(1) Bài viết của Hannah Strange được đăng tải vào tháng 3-2007, khi nền kinh tế Việt Nam ở mức phát triển nhất trong nhiều năm, trước khi bắt đầu suy thoái vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính của thế giới.

(*) Đây là bản dịch Việt ngữ đầy đủ của bài viết này. Tựa đề và tiểu tựa do người dịch đặt.

Tác giả bài viết: Đoan Trang chuyển ngữ