SÁCH GIÁO KHOA MỚI CỦA NGA BIỆN MINH CHO QUÁ KHỨ
- Thứ sáu - 24/09/2010 15:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hình bóng nhà độc tài Stalin vẫn vương vấn tại nước Nga
Trong cuốn “Lịch sử nước Nga 1917-2009”, hai viện sĩ Aleksandr Barshenkov và Aleksandr Vdovin thuộc Đại học Quốc gia Moscow đã tìm cách biện minh cho chính sách tập thể hóa, cũng như những vụ bắt bớ, thanh trừng và sát hại hàng loạt trong thập niên 30 thế kỷ trước tại Liên Xô.
Chẳng hạn, nói về những vụ bắt bớ và tử hình hàng loạt, hai tác giả trên cho rằng nhà đương cục Liên Xô có lẽ đã lo ngại một cách có cơ sở trước những kẻ thù sinh sống trên lãnh thổ Liên Xô. Barshenkov và Vdovin viết: “Nhiều triệu người rơi vào tấm ngắm của chính quyền Xô-viết tạo nên một ‘”sư đoàn thứ năm” tiềm ẩn, cho dù họ không hề dính đến khái niệm nguy hiểm do sự tưởng tượng sinh ra”.
Cuốn sách cũng cho rằng chính sách đày ải các sắc tộc thiểu số - người Tatar ở Krym, người Chechen, người Ingush và Kalmuk - tới các vùng hẻo lánh ở Siberia và Trung Á là hợp lý. “Lý do là những sắc dân ấy sẵn sàng hợp tác với kẻ thù”, khẳng định không mới đó của hai tác giả vốn thuộc về một giả thuyết từng bị các sử gia Nga và Phương Tây tranh luận khá nhiều.
“Lịch sử nước Nga 1917-2009” cũng đặt trọng tâm vào những người Do Thái đã giữ những cương vị văn hóa quan trọng dưới thời Xô-viết. Sau Đệ nhị Thế chiến, chính quyền Liên Xô đã ngăn chặn, khiến các công dân gốc Do Thái không được giữ những chức vị cao cấp vì “trong số này, thiện cảm với những giá trị Phương Tây được gia tăng và khả năng có thể tận dụng họ như một phần của chiến lược Mỹ cũng gia tăng”.
Cuốn sách mới đã được một giáo sư sử Đại học Quốc gia Moscow, ông Anatoly Atkin khen là “một sách giáo khoa mà phương hướng chủ đạo trong đó là tình yêu nước”. Nhà nghiên cứu này còn khẳng định: “Sách thấm đượm tinh thần ái quốc và điều căn bản là có thể chỉ ra trong đó sự liên tục của các thời đại Xô-viết và hậu Xô-viết”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đã lên án sự bài trừ Do Thái và những quan niệm thân Stalin trong sách. Tờ báo đối lập “Báo mới” (Novaya Gazeta) đưa ra nhận định nghiêm khắc trong dịp sách được tung ra thị trường: “Cuốn sách giáo khoa cộng sản, thân Stalin và thân Xô-viết này sở dĩ được ấn hành, vì những tội ác chống nhân loại mà đảng của Lenin và Stalin phạm phải đã chưa bao giờ bị buộc tội”.
Liên quan đến chủ đề này, mối tương quan giữa hai nhân vật thượng đỉnh của Liên bang Nga với kỷ nguyên Xô-viết cũng có sự khác biệt. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nhiều lần đoạn tuyệt quá khứ, có lần ông từng tuyên bố ông không hề muốn sống lại trong Liên bang Xô-viết. Tuy nhiên, Vladimir Putin - người đỡ đầu ông, hiện giữ cương vị đứng đầu nội các Nga - thì cho rằng “sự sụp đổ của nước Nga là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”.